Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc chuyển đổi vẫn còn chậm và mang tính tự phát do các địa phương chưa xác định được cây, con chủ lực để phát huy lợi thế cạnh tranh.
Hiệu quả chưa xứng tiềm năng
Sau dồn điền đổi thửa, huyện Thanh Oai đã tích cực đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Điển hình nhất là vùng chuyển đổi trồng cam Canh tại xã Kim An. Hiện, toàn xã có gần 100ha cam Canh cho thu nhập trung bình từ 400 – 500 triệu đồng/ha. Nhờ phát huy tốt nhãn hiệu tập thể "Cam đường Kim An", sản phẩm cam của địa phương đã khẳng định được nguồn gốc, chất lượng nông sản trên thị trường. Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Đinh Trường Thọ cho biết, đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được 1.200ha đất lúa kém hiệu quả sang phát triển chăn nuôi trang trại cho hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình nuôi trồng thủy sản ở xã Liên Châu 118ha, chăn nuôi tập trung ở xã Tân Ước 15ha...
Mô hình trồng rau bằng phương pháp thủy canh tại xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất. Ảnh: Ngọc Ánh
|
Không chỉ có Thanh Oai, mà nhiều huyện trên địa bàn TP cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và coi đây là giải pháp quan trọng để nâng cao thu nhập cho nông dân. Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn TP đã chuyển đổi được hơn 62.000ha, trong đó có 32.000ha chuyển đổi sang trồng lúa chất lượng cao, gần 6.800ha trồng cây ăn quả, 4.300ha trồng rau an toàn, hơn 3.400ha chăn nuôi xa khu dân cư...
Dù đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, song việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của Hà Nội vẫn còn chậm và mang tính tự phát. Năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi có tăng nhưng chất lượng chưa cao. Trên địa bàn chưa hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, hầu hết các mô hình chuyển đổi còn nhỏ lẻ, manh mún. Trong khi đó, việc ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp còn hạn chế, chưa xứng với tiềm năng.
Đầu tư phát triển cây, con chủ lực
Có một thực tế là quy hoạch chuyển đổi của các địa phương cơ bản giống nhau như đều quy hoạch trồng hoa, rau an toàn, cây ăn quả, chăn nuôi xa khu dân cư... dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho đầu ra của nông sản bấp bênh, thiếu ổn định. Đáng nói là không ít địa phương vẫn đang loay hoay với việc xác định cây, con chủ lực để tập trung đầu tư dẫn đến hiệu quả sản xuất sau chuyển đổi chưa đạt như mục tiêu đề ra. Vì vậy, mỗi địa phương cần căn cứ vào thế mạnh của mình để quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh có tính cạnh tranh cao.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho rằng, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cần phải có lộ trình lâu dài. Do đó, trước hết mỗi địa phương cần xác định rõ cây, con chủ lực để phát huy được lợi thế cạnh tranh của sản phẩm. Chẳng hạn như, huyện Mê Linh có thế mạnh về đất bãi ven sông thì ưu tiên trồng hoa, rau an toàn; huyện Quốc Oai có thế mạnh về trang trại thì đẩy mạnh chăn nuôi lợn, gà... Định hướng phát triển của ngành nông nghiệp Thủ đô là ưu tiên đầu tư những sản phẩm thế mạnh của từng địa phương, không để trùng lặp khiến cung vượt cầu và tái diễn tình trạng được mùa, rớt giá. Vì vậy, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo nông dân sản xuất tuân theo quy hoạch. Thời gian tới, cùng với việc làm tốt công tác dự báo thị trường nhằm giúp nông dân hạn chế rủi ro khi thị trường biến động, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục hỗ trợ HTX, nông dân kết nối với các DN xây dựng chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản an toàn.
Nhờ tích cực chuyển đổi, đến nay, Hà Nội có hơn 1.200 trang trại theo tiêu chí mới, gồm: 920 trang trại chăn nuôi, 190 trang trại nuôi trồng thủy sản, 120 trang trại tổng hợp và 2.500 mô hình sản xuất quy mô vừa và nhỏ. Đáng chú ý, nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế cao từ 0,5 – 1,5 tỷ đồng/ha như: Nhãn chín muộn Hoài Đức, hoa ly Đan Phượng, bưởi Diễn Chương Mỹ... |