Tuân thủ chặt chẽ quy trình
Hiện nay, nhu cầu tìm đến các loại sản phẩm sạch, sản phẩm bảo đảm an toàn của người tiêu dùng ngày càng cao. Nắm bắt được nhu cầu này, năm 2008, HTX Hòa Bình đã triển khai mô hình trồng rau hữu cơ trên địa bàn. Khi bắt đầu triển khai mô hình, các thành viên của HTX được hướng dẫn kỹ năng phòng tránh tác hại của việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao hiểu biết về các quy định trong sản xuất.
Xã viên HTX Hòa Bình sơ chế đóng gói rau sạch trước khi đưa ra thị trường. |
Tham gia chương trình, các thành viên HTX sẽ phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất đã được tập huấn trước đó. Theo đó, phải từ bỏ hoàn toàn thói quen sử dụng thuốc hóa học, mà dùng các chế phẩm sinh học để chăm sóc rau màu như dùng phân ủ hoai mục, phân hữu cơ vi sinh..., dùng các loại tinh dầu chiết xuất từ tỏi, gừng, ớt... làm bẫy bả để phòng trừ sâu bệnh. Trong quá trình sản xuất, ngoài các tổ giám sát do HTX thành lập thì các hộ sản xuất sẽ giám sát chéo nhau. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng thường xuyên kiểm tra chất lượng rau, nếu phát hiện rau xanh của hộ nào không đảm bảo chất lượng do không tuân thủ quy trình sẽ nghiêm khắc xử lý theo đúng quy định. Ngoài việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thì nguồn nước phục vụ sản xuất cũng đặc biệt quan trọng. Nước tưới cho rau phải là nước sạch đã qua xử lý, không mang các mầm bệnh. Theo đó, HTX đã đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước với tổng số vốn lên tới gần 5 tỷ đồng. Từ một trạm bơm chính, nước sẽ được điều tiết đến toàn bộ diện tích canh tác của từng hộ xã viên.
HTX Hòa Bình hiện có 11,7ha rau màu được công nhận là vùng sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, canh tác các loại rau xanh ăn lá, rau thơm, củ, quả... Trung bình mỗi ngày, HTX sản xuất ra khoảng 2 tấn rau xanh các loại. Hàng ngày, HTX đảm nhận bao tiêu sản phẩm cho bà con xã viên với mức giá cao hơn thị trường 1.000 đồng/kg.
Là một người tham gia mô hình từ những ngày đầu, ông Lê Đức Trung, tổ 16, phường Yên Nghĩa cho biết, nếu như trước đây, chỉ tính riêng chi phí cho thuốc trừ sâu, phân bón, gia đình ông cũng mất gần 10 triệu đồng/năm. Nay, sản xuất theo hướng hữu cơ, chi phí đã giảm đáng kể mà giá trị sản phẩm lại cao hơn. “Với 2 sào trồng các loại rau xanh, mỗi năm gia đình thu về gần 80 triệu đồng” - ông Trung cho biết.
Hướng đi phát triển bền vững
Chia sẻ về hiệu quả mà mô hình mang lại, Chủ nhiệm HTX Hòa Bình Trịnh Văn Vĩnh cho biết, sau nhiều năm chứng minh được chất lượng sản phẩm và xây dựng được thương hiệu, việc tiêu thụ rau của HTX đến nay đã dễ dàng hơn rất nhiều. Hiện, ngoài hệ thống 9 cửa hàng chuyên bán rau sạch trong nội thành Hà Nội, HTX còn liên kết đưa rau vào phục vụ 12 trường học trên địa bàn quận Hà Đông. Việc không lạm dụng thuốc hóa học đã giúp cân bằng hệ sinh thái, môi trường đất và nước ở địa phương được cải thiện đáng kể. Đất canh tác màu mỡ, tơi xốp hơn và đặc biệt là tình hình sâu bệnh đã giảm rõ rệt. Qua đó, tiết kiệm chi phí chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, nâng cao hiệu quả canh tác của bà con xã viên. Đồng thời, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, an toàn vệ sinh lao động. Việc sản xuất nông sản theo hướng an toàn không những đã đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng mà còn khẳng định uy tín và nâng cao giá thành sản phẩm, thu nhập của người sản xuất. Vì vậy, sản xuất rau hữu cơ mà HTX Hòa Bình lựa chọn là hướng đi bền vững trong tương lai.
Lợi ích từ sản xuất hữu cơ đã thấy rõ, tuy nhiên trên thực tế, HTX hiện mới chỉ có thể bao tiêu được khoảng 50% lượng rau của bà con xã viên. Phần còn lại, người dân vẫn phải tự tìm đầu ra tại các chợ trên địa bàn TP. Cũng bởi vậy, giá trị sản phẩm không được đảm bảo so với công sức và chi phí bỏ ra.
Trong thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục kết nối với các siêu thị, chuỗi cửa hàng lớn để có thể bao tiêu 100% lượng rau của địa phương, đảm bảo thu nhập cho người dân. Chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền TP để sản xuất hữu cơ ngày càng phát triển. Chủ nhiệm HTX Hòa Bình Trịnh Văn Vĩnh |