Gỡ nút thắt từ nới rộng hạn điền
Trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn, hiệu quả thấp bởi quy mô đất canh tác nhỏ, việc nới rộng hạn điền được đánh giá là một giải pháp cần thiết để tiến tới sản xuất quy mô lớn theo hướng hàng hóa.

“Nút thắt” kìm hãm sản xuất

Từ nhiều năm nay, ngành nông nghiệp luôn trong tình trạng loay hoay tiến lên sản xuất hàng hóa quy mô lớn khi mà cả nước có 13,8 triệu hộ nông dân nhưng bình quân diện tích sản xuất chỉ đạt 0,3ha. Quy mô sản xuất nông hộ nhỏ khiến cho việc áp dụng cơ giới hóa gặp nhiều khó khăn và hiệu quả canh tác thấp. Đơn cử, theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tại vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long, quy mô sản xuất trung bình của hộ trồng lúa dưới 0,5ha chiếm tới 38,4% và chỉ có 13,4% hộ có diện tích trên 2ha. Trong khi các tổ chức kinh tế hợp tác còn chậm phát triển, chính sách thúc đẩy tích tụ đất đai chậm thay đổi, thị trường cho thuê đất nông nghiệp kém sôi động là một trong những rào cản đối với tăng quy mô sản xuất nông hộ. Hiện, diện tích cánh đồng lớn chỉ chiếm dưới 5% diện tích canh tác lúa.

\"\"Một trang trại trồng hoa lan tại xã Đan Hoài, huyện Đan Phượng.

 Ảnh: Thanh Hải

 

 

Theo các chuyên gia, diện tích đất sản xuất manh mún ngoài lý do đất chật, người đông, còn do quy định của pháp luật về đất đai từ lâu đã tạo giới hạn diện tích đất Nhà nước giao và diện tích đất nông dân có thể tích lũy qua chuyển nhượng hoặc thuê. Luật Đất đai 2013 quy định, Nhà nước chỉ giao tối đa 3ha đất cho nông dân trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và tối đa 2ha ở các tỉnh, TP khác. Tuy nhiên, thực tế đất Nhà nước giao cho nông dân canh tác hầu hết thấp hơn giới hạn này.

Theo TS Đào Quang Vinh – Viện Nghiên cứu Kinh tế T.Ư, để mở rộng sản xuất, nông dân trồng lúa phải mua hoặc thuê đất của tổ chức, cá nhân khác. Tuy nhiên, việc tích lũy đất đai để mở rộng sản xuất lại gặp những rào cản lớn từ chính sách đất đai hiện nay. Theo Luật Đất đai 2013 và Nghị định 43/2014/NĐ-CP, mỗi hộ gia đình, cá nhân được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp không quá 30ha đối với đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối tại các tỉnh, TP thuộc khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, không quá 20ha tại các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư khác. “Bên cạnh đó, đất nông nghiệp do cấp xã cho thuê chỉ có thời hạn tối đa 5 năm nên không ai muốn đầu tư lớn. Rõ ràng Luật chưa tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn” – TS Đặng Quang Vinh bày tỏ.

Đảm bảo lợi ích cho nông dân

Hiện nay, ngành nông nghiệp đang quyết liệt thực hiện đề án tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững với mục tiêu hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Để làm được điều này, một trong những rào cản lớn cần phải tháo gỡ chính là vấn đề hạn điền, tích tụ ruộng đất. Nói như Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế T.Ư Cao Đức Phát, muốn phục hồi đà tăng trưởng của ngành nông nghiệp phải bằng con đường nâng cao hiệu quả đầu tư và hiệu quả đất đai. Trong đó, điều quan trọng nhất là Chính phủ phải đề nghị sửa đổi chính sách đất đai theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển dịch ruộng đất sang tay những người muốn đầu tư vào nông nghiệp.

Trên thực tế, trong lúc chờ tháo gỡ từ Nhà nước, nhiều nông dân đã phải nhờ người thân, người quen đứng tên làm chủ quyền sử dụng đất để có thể tích lũy đất và đạt quy mô sản xuất họ mong muốn. Mặc dù vậy, cách này luôn chứa đựng rủi ro tranh chấp và có thể làm cho nông dân không đầu tư đúng mức về hạ tầng cũng như trang thiết bị. Điều đó cho thấy, việc điều chỉnh lại chính sách đất đai, quy định về mức hạn điền để tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn là hết sức cần thiết. Tuy nhiên vẫn cần có tính toán nhất định để đảm bảo quyền và lợi ích lâu dài cho người nông dân.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, Luật cần chú ý đến quyền bảo vệ tài sản của nông dân trong quá trình tích tụ ruộng đất. Nếu không xử lý tốt thì quyền tài sản của nông dân sẽ bị mai một. Theo ông Doanh, kinh nghiệm ở Đài Loan (Trung Quốc) cho thấy, người nông dân tham gia góp đất cùng DN thì họ trở thành đồng sở hữu của công ty, là cổ đông và quyền tài sản đất đai được bảo đảm lâu dài. Do đó, mở rộng hạn điền, tích tụ ruộng đất cần tránh việc biến đất nông nghiệp rơi vào tay một số DN lớn dẫn tới mất ổn định về xã hội.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, ruộng đất manh mún chính là nguyên nhân quan trọng khiến DN kém mặn mà đầu tư vào nông nghiệp. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, 2 vấn đề then chốt của ngành nông nghiệp hiện nay là tích tụ ruộng đất và chính sách ưu đãi. Trước ý kiến lo sợ tích tụ ruộng đất quá lớn khiến nông dân mất việc, “trắng tay”, vị tư lệnh ngành nông nghiệp cho biết, qua kiểm tra thực tế, nhận thấy hàng chục mô hình tích tụ đất đai lớn đều hiệu quả. Người nông dân và DN biết tính tới ngưỡng đủ và khi đó nông dân được thuê sẽ trở thành công nhân nông nghiệp có thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/tháng tùy từng vùng.

 

Hiện nay, có một số địa phương xé rào, đứng ra đàm phán với nông dân để thu hồi đất và cho DN thuê lại. Tuy nhiên, nếu chính quyền tốt thì không sao, nếu chính quyền không tốt thì có thể người chịu thiệt hại chính là nông dân. Bên cạnh đó, nếu coi quyền sử dụng đất là một loại hàng hóa thì nó phải được phản ánh giá trị thực, khi đó người dân dùng đất, vay vốn ngân hàng thì đất đó sẽ được vốn hóa, tham gia vào sản xuất tạo hiệu quả kinh doanh.

Ông Lê Đức Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và PTNT

 (Bộ NN&PTNT)


Vấn đề mấu chốt của ngành nông nghiệp là phải tập trung đất đai và kết nối với nông dân để tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng cao. Ví dụ như cách làm của Công ty Bảo vệ thực vật An Giang đã liên kết khoảng 60.000ha đất của hộ nông dân để sản xuất các loại giống lúa chất lượng cao, có những loại có giá tới 14 USD/kg. Rõ ràng, cách làm này cho hiệu quả kinh tế cao mà người nông dân cũng được hưởng lợi.

Ông Nguyễn Văn Tiến - Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, nông thôn

 (Ban Kinh tế T.Ư)


Sau dồn điền đổi thửa, UBND xã đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao hiệu quả canh tác. Đến nay, xã đã xây dựng vùng trồng hoa ly diện tích 5ha, vùng cây ăn quả hơn 100ha. Tuy nhiên, việc tích tụ ruộng đất gặp rất nhiều khó khăn, đã có DN vào địa phương thuê 10ha để làm nông nghiệp nhưng được nửa chừng bỏ. Do đó, đề nghị Nhà nước tháo gỡ chính sách đất đai, tạo điều kiện phát triển nông nghiệp hiện đại để người dân làm giàu trên chính mảnh đất của mình.
Ông Nguyễn Văn Mạnh Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thuấn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội


Theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ TN&MT phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Tư pháp rà soát, đề xuất sửa đổi chính sách đất đai, tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn trong quý III/2017.

Nguồn: Theo kinhtedothi.vn

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 1524
Tổng lượng truy cập: 25344896