Quỹ Khuyến nông Hà Nội: Tiếp sức cho nông nghiệp Thủ đô phát triển
Kinhtedothi - Quá trình đô thị hoá mạnh khiến diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, trong khi người dân thiếu vốn đầu tư, khó mở rộng quy mô sản xuất. Trong bối cảnh này, nguồn vốn Quỹ Khuyến nông Hà Nội được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu gỡ khó cho nông nghiệp Thủ đô.

Nông dân thiếu vốn sản xuất

Hộ ông Lê Đình Bình, ở xã Đông Yên (huyện Quốc Oai) hiện đang phát triển mô hình chăn nuôi gà đồi với quy mô trang trại hơn 1.000 con. Gia đình ông rất muốn ứng dụng công nghệ vào sản xuất, nhưng chưa thực hiện được vì thiếu vốn. Để xây dựng chuồng trại quy mô khép kín, có hệ thống làm mát, máng ăn tự động... cần nguồn vốn khoảng từ 700 – 800 triệu đồng, đây là một khoản không nhỏ với các hộ dân. Do đó, gia đình mới chỉ đầu tư từng phần, xây dựng chuồng trại khép kín để phòng chống dịch bệnh.

Đoàn công tác Sở NN&PTNT Hà Nội khảo sát vùng sản xuất rau an toàn tại xã Văn Đức, huyện Gia Lâm. Ảnh: Ngọc Ánh 
Đoàn công tác Sở NN&PTNT Hà Nội khảo sát vùng sản xuất rau an toàn tại xã Văn Đức, huyện Gia Lâm. Ảnh: Ngọc Ánh

Bày tỏ băn khoăn về nguồn vốn đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh chia sẻ: những năm qua, hợp tác xã thường xuyên được ngành nông nghiêp Hà Nội và huyện Gia Lâm hỗ trợ về tập huấn kỹ thuật sản xuất cho thành viên. Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì hiệu quả việc sản xuất kinh doanh 250ha rau an toàn, hợp tác xã kiến nghị TP, UBND huyện Gia Lâm, Sở NN&PTNT tiếp tục hỗ về vấn đề tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi và tháo gỡ vướng mắc thuê đất nông nghiệp.

Từng có nhiều năm đồng hành cùng bà con nông dân, chị Nguyễn Thị Thuỷ - cán bộ khuyến nông Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đông Anh cho hay, khó khăn lớn nhất của nhiều hộ dân huyện Đông Anh là không đáp ứng đủ điều kiện khi chiếu theo quy định quản lý Quỹ khuyến nông Hà Nội là hộ vay vốn có hợp đồng thuê đất nông nghiệp tối thiểu từ 2 năm trở lên. Trong khi đó huyện Đông Anh đang trong quá trình đô thị hoá mạnh; chính quyền địa phương chỉ cho phép ký hợp đồng thuê đất nông nghiệp ngắn hạn (1 năm) do vướng quy hoạch.

Khảo sát thực tế cho thấy, việc đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất (chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản) là mục tiêu nhiều huyện phấn đấu để tăng hiệu quả trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, việc nhân rộng các mô hình ứng dụng công nghệ cao ở các địa phương còn hạn chế, bởi sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cần nguồn vốn và quỹ đất lớn, khiến nông hộ, hợp tác xã chưa mạnh dạn đầu tư lâu dài.

Nguồn vốn ưu đãi của nhà nông

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, thời gian qua nhiều hộ nông dân, hợp tác xã đã được tiếp cận được nguồn vốn vay của Quỹ khuyến nông TP bằng hình thức thế chấp tài sản (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) của cá nhân hoặc các thành viên tham gia ban quản trị hợp tác xã.

Một trang trại nuôi gà đẻ trứng ứng dụng công nghệ cao tại huyện Đông Anh. Ảnh: Ngọc Ánh
Một trang trại nuôi gà đẻ trứng ứng dụng công nghệ cao tại huyện Đông Anh. Ảnh: Ngọc Ánh

Với vay vốn để phát triển sản xuất liên kết với các tổ chức tín dụng, theo Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐNcủa HĐND TP Hà Nội quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp TP đã nêu rất rõ: TP sẽ hỗ trợ lãi suất vay vốn của tổ chức tín dụng trong thời hạn 3 năm, tương ứng với tiến độ giải ngân. Lãi suất này đều được trả theo hợp đồng vay vốn giữa đơn vị vay vốn và đơn vị cho vay vốn.

Về quỹ đất sản xuất, theo bà Vũ Thị Hương, đây là vấn đề riêng ở tất cả các huyện trên địa bàn TP. Trong đó, nổi cộm nhất là thời hạn hợp đồng thuê đất nông nghiệp giữa nông dân, chủ trang trại ký với địa phương để xây dựng mô hình trang trại trước đây theo quy định là 5 năm, song lại rút ngắn còn 1 năm.

Để tạo thuận lợi và khuyến khích nông dân, hợp tác xã phát triển sản xuất, Luật Đất đai 2024 và Luật Thủ đô 2024 sắp được đưa vào triển khai chắc chắn sẽ tháo gỡ được những bất cập, vướng mắc liên quan đến hợp đồng thuê đất của các hộ dân, hợp tác xã với các địa phương. Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục tham mưu với UBND TP có văn bản hướng dẫn cụ thể tới các địa phương, người dân.

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cũng nhấn mạnh, trung tâm được TP, Sở NN&PTNT giao nhiệm vụ quản lý Quỹ Khuyến nông, một nguồn vốn quan trọng hỗ trợ nông dân, hợp tác xã vay phát triển sản xuất. Nếu các hợp tác xã, nông dân có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn này, có thể liên hệ qua các Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp cấp huyện. Đội ngũ khuyến nông tại địa phương sẽ hướng dẫn chi tiết quy trình vay vốn, đảm bảo việc triển khai hỗ trợ đúng quy định và hiệu quả, góp phần thúc đẩy nông nghiệp Thủ đô phát triển theo hướng hiện đại và bền vững.

Nguồn - Báo Kinh tế Đô thị

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 898
Tổng lượng truy cập: 25332407