Nhiều ứng dụng công nghệ cao, thông minh đã và đang được người dân ngoại thành Hà Nội áp dụng trong sản xuất nông nghiệp. Việc làm này giúp người dân chủ động từ sản xuất, quản lý, giám sát chất lượng sản phẩm, đến tìm kiếm, phát triển thị trường.
Sản xuất rau an toàn trong nhà màng, nhà lưới tại HTX Rau sạch Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Ánh Ngọc |
Thay đổi tập quán canh tác
Sau khi được đưa vào vận hành, Trạm quan trắc thời tiết thông minh i.Mentos 3.3 A-G đã hỗ trợ đắc lực nông dân trồng rau sạch ở thôn Giáp Ngọ, thị trấn Chúc Sơn (Chương Mỹ). Với bán kính phủ sóng 15km, trạm quan trắc dự báo chính xác nhiệt độ, tốc độ gió, lượng mưa làm căn cứ để nông dân xây dựng kế hoạch chăm sóc, bảo vệ rau. Cùng với đó, vùng trồng rau sạch thôn Giáp Ngọ còn ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm Israel với nguồn kinh phí đầu tư khoảng 1 triệu đồng/sào. Công nghệ này đã mang lại hiệu quả rõ rệt vừa giảm sức lao động cho nông dân vừa đảm bảo tưới đúng, đủ lượng nước, tránh lãng phí.
Tương tự, tại vùng sản xuất rau sạch xã Chu Minh (huyện Ba Vì), Công ty TNHH Thực phẩm sạch Ra Vi phối hợp với nông dân quản lý sản xuất bằng nhật ký canh tác điện tử. Ông Trần Xuân Dự - Giám đốc công ty cho biết, mỗi loại cây trồng đều có một nhật ký điện tử riêng. Mọi hoạt động canh tác, từ giai đoạn làm đất, bón phân, gieo hạt, trồng cây, phun thuốc, thu hoạch... được lưu trữ trong nhật ký điện tử và công khai trên website của công ty. Từ đó, công ty minh bạch hóa quá trình sản xuất, tạo sự tin tưởng đối với khách hàng khi lựa chọn sản phẩm. Quá trình đóng gói, phân phối sản phẩm cũng được ứng dụng tem truy xuất cho mỗi gói rau. Khách hàng có thể dùng điện thoại thông minh để tra cứu thông tin liên quan đến sản phẩm.
Không chỉ mang lại lợi ích cho các HTX, DN, nông dân trực tiếp sản xuất, ứng dụng công nghệ thông minh đã thay đổi tập quán canh tác, bài bản và khoa học hơn. “Hệ thống camera giám sát lắp đặt trong thửa ruộng, nếu chúng tôi sản xuất không đúng quy trình kỹ thuật thì HTX sẽ không thu mua sản phẩm. Do vậy, nông dân nghiêm túc chấp hành sản xuất theo đúng quy trình canh tác sạch” – chị Lưu Thị Hiền tham gia sản xuất rau sạch ở xã Chu Minh cho biết.
Hướng đi đúng
Khái niệm "nông nghiệp thông minh" hay "nông nghiệp điện tử" là xu thế phát triển mới ở Việt Nam. Tại Hà Nội, “nông nghiệp thông minh” được một số DN ứng dụng, đưa vào sản xuất qua việc liên kết với các HTX, nông dân trong lĩnh vực trồng trọt như nhà màng, nhà lưới có hệ thống tự động hóa trong điều khiển hệ thống tưới, bón phân, điều chỉnh độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng…; hệ thống quản lý sản xuất theo chuỗi thực phẩm an toàn…
Ứng dụng sản xuất công nghệ cao là yếu tố cần thiết để hình thành một nền nông nghiệp thông minh, hiện đại. Đơn cử, một hệ thống giám sát có thể phân tích đất đai, dự báo năng suất, phát hiện sâu bệnh, dịch hại, tính toán lượng nước tưới, phân bón phù hợp nhằm giảm chi phí sản xuất. Để bắt nhịp với các công nghệ tiên tiến, HTX rau sạch Chúc Sơn đã chia sản xuất thành nhóm, đồng thời gửi các nhóm trưởng đi tập huấn để nắm vững các kỹ năng sử dụng phần mềm công nghệ. Hiện nay, HTX có 5ha trồng rau, sản lượng đạt 6 tấn/ngày, trong đó 1/3 sản lượng có hợp đồng tiêu thụ ổn định. Giám đốc HTX Rau sạch Chúc Sơn Hoàng Văn Khảm cho biết: “Giá rau thấp nhất HTX thu mua cho xã viên là 8.000 đồng/kg nên nông dân yên tâm sản xuất. Tham gia vào HTX rau sạch, mỗi hộ trồng rau có thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng/tháng, cao hơn trồng rau truyền thống”.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ khẳng định, việc ngày càng có nhiều DN, HTX đầu tư khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất đã và đang khẳng định hướng đi đúng của Hà Nội trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào sản xuất. Đây cũng là một trong nội dung cụ thể nhằm hiện thực hóa mục tiêu Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân" giai đoạn 2016 – 2020.