Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tổ chức đánh giá kết quả vụ mùa và triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông năm 2018
Sáng ngày 22/9 tại Ủy ban nhân dân huyện Phúc Thọ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả vụ mùa, triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông năm 2018. ông Nguyễn Hồng Sơn – Cục trưởng Cục Trồng trọt về dự và chỉ đạo Hội nghị.

Vụ Mùa năm 2018, diễn biến thời tiết khá phức tạp đối với sản xuất nông nghiệp, liên tiếp các đợt nắng nóng kéo dài. Cơn bão số 3 gây mưa lớn kèm theo ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới gây mưa nhiều ngày ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Bên cạnh đó giá vật tư đầu vào không ổn định, giá bán sản phẩm nông nghiệp thấp gây tâm lý bất ổn cho người sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên dưới sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố. Sự kết hợp, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng cộng với việc áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật mới về giống, phân bón, bảo vệ thực vật, nông nghiệp thành phố về cơ bản đã đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra.

Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn – Cục trưởng Cục Trồng trọt; Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Tổng diện tích gieo trồng vụ Mùa năm nay đạt 109.369,7 ha đạt 97,83% kế hoạch (KH), trong đó: Diện tích lúa 91.859,5 ha đạt 98,77% KH; Diện tích rau màu 17510,21 ha đạt 93,1% KH, bao gồm:  Cây rau các loại 8845,72 ha; Ngô 4014,29 ha, Đậu tương 777,6 ha; Cây hoa, cây cảnh 1902,8 ha; Cây khác  1041,3 ha.

Kết quả khảo nghiệm năm 2018 cũng đề xuất các giống như: Kim Cương 111, Bắc Hương 9, QR1 đưa vào cơ cấu giống của thành phố; Xác định các giống lúa mới có triển vọng như Lam Sơn 116, Hà Phát 3 tiếp tục sản xuất thử nghiệm ở các vùng sinh thái khác nhau năm 2019 để theo dõi, đánh giá trên diện rộng.

Công tác phục tráng, chọn dòng và sản xuất giống lúa cấp siêu nguyên chủng thực hiện ở vụ Mùa năm 2018 với diện tích 03ha trên giống Bắc Thơm số 7 và giống BM9603 đã thu được G0 (220 dòng), G1 (19 dòng), G2 (7 dòng đạt 12 tấn). Các lô giống siêu nguyên chủng Bắc thơm số 7, BM9603 được kiểm định, kiểm nghiệm và đạt tiêu chuẩn quy định.

Vụ Mùa 2018 với kỹ thuật canh tác bền vững (ICM) đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong việc giảm chi phí giống, thuốc BVTV, công lao động, vì vậy hiệu quả kinh tế cao hơn canh tác địa phương là 5.000.000 - 5.500.000 đồng/ha. Bên cạnh đó còn giảm thiểu hiệu ứng nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trên cơ sở những kết quả đạt được trong vụ Mùa, vụ Đông năm 2018 được Sở NN & PTNT Hà Nội xác định với các nhiệm vụ trọng tâm là: Đảm bảo diện tích gieo trồng, chủ lực là cây rau, đậu tương, cây ngô ngắn ngày, tăng diện tích cây trồng ưa lạnh, rải vụ các cây trồng (rau màu, khoai tây, hoa cây cảnh) có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao.

Để hoàn thành được các chỉ tiêu nói trên, Sở NN & PTNT Hà Nội nhấn mạnh đến các giải pháp, trong đó cần có sự chủ động trong tưới, tiêu; Sử dụng cơ cấu giống ngắn ngày là chủ lực như đậu tương, ngô, lạc, khoai lang và các loại rau; Thực hiện đúng thời vụ gieo trồng. Bên cạnh đó cần chỉ đạo nông dân ủ phân hữu cơ, thu gom rơm rạ sau thu hoạch lúa mùa, chuẩn bị mùn, trấu, đất bột, bùn ao làm bầu, nilon, túi bầu để chủ động cho trồng cây vụ Đông trên nền đất ướt. Tăng cường đầu tư phân bón, bón đủ lượng, cân đối NPK (tăng kali) để nâng cao chất lượng sản phẩm; tận dụng nguồn phân hữu cơ, sử dụng phân hữu cơ vi sinh; thực hiện quy trình sản xuất rau an toàn. Phòng trừ sâu bệnh kịp thời: Coi trọng công tác phòng trừ sâu bệnh bảo vệ cây trồng vụ Đông, làm tốt công tác dự tính, dự báo: Thư­­ờng xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sâu bệnh hại và có biện pháp tổ chức phòng trừ kịp thời, không để lây lan thành dịch. Chú ý các đối tượng như: sâu khoang, sâu xanh... nhất là ở những nơi năm trước đã có ổ dịch.

Phát biểu tại Hội nghị lần này Đồng chí Nguyễn Hồng Sơn – Cục trưởng Cục Trồng trọt; Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đánh giá cao những kết quả đạt được của nông nghiệp Hà Nội trong vụ Mùa, đồng thời cho rằng để duy trì việc sản xuất hàng hóa lớn, Hà Nội cần đảm bảo được cả hai tiêu chỉ là vệ sinh an toàn thực phẩm và hiệu quả kinh tế; đẩy mạnh việc liên kết giữa doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân.

Bên cạnh các hướng đi lớn như tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng; Cải thiện giống cây trồng, phát triển các loại giống mới nhưng vẫn phải đảm tồn các cây đặc sản mang tính bản địa; Đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp chú trọng sản xuất sạch, an toàn, đi theo hương nông nghiệp hữu cơ gắn với xây dựng thương hiệu…thì trong vụ Đông sắp tới, nông nghiệp Hà Nội cần lưu ý, đây là vụ có thời gian ngắn nhưng mang lại hiệu quả kinh tế rất cao vì vậy công tác chuẩn bị phải chu đáo, cần thiết thì nên điều chỉnh lịch mùa vụ cho hợp lý với hệ sinh thái nông nghiệp xung quanh Thủ đô.

Kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Đại – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT khẳng định: Hà Nội sẽ phấn đấu thực hiện tốt vụ Đông để nâng cao hiệu quả sản xuất với tổng diện tích gieo trồng 39.000 ha, đạt giá trị trên 2.500 tỷ đồng; Đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đến năm 2020 Hà Nội sẽ có 60% lúa chất lượng cao; Đồng thời chọn tạo, khảo nghiệm các loại cây có giá trị kinh tế phù hợp với điều kiện sản xuất, vùng sinh thái, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu cho kết quả cao, tiếp tục đưa nông nghiệp Hà Nội theo hướng xanh - sạch – hiệu quả và bền vững./.

Phan Kế Hoàng - Trung tâm Phát triển Cây trồng Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 8282
Tổng lượng truy cập: 25332407