Thời gian qua, nhờ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa, huyện Gia Lâm đã xây dựng thành công nhiều vùng sản xuất tập trung chuyên canh cho giá trị kinh tế cao. Hoạt động này đã góp phần quan trọng vào quá trình chuyển dịch kinh tế nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho người dân.
Mô hình trồng cam tại xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Ngọc Ánh |
|
Thu nhập cao nhờ chuyển đổi
Đa Tốn là xã điển hình về hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện Gia Lâm. Từ nhiều năm nay, xã đã vận động nông dân chuyển đổi, cho thuê đất canh tác, chuyển từ trồng lúa thu nhập thấp sang trồng cây ăn quả như: Bưởi, cam Canh, cam Vinh, ổi bốn mùa…
Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đa Tốn Lê Thanh Phương chia sẻ, do một phần diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn xã nằm trong quy hoạch thực hiện các dự án đô thị nên hiện nay đất canh tác chỉ còn 231ha, trong đó 191ha trồng cây ăn quả, 40ha trồng lúa. Nếu như trước đây, mỗi héc ta đất trồng lúa chỉ cho thu nhập 70 triệu đồng/năm thì nay việc chuyển đổi sang trồng ăn quả đã cho thu nhập từ 300 - 450 triệu đồng/ha/năm.
Thời gian tới, Gia Lâm tiếp tục phát triển các vùng sản xuất sau chuyển đổi theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tập trung sản phẩm có lợi thế cạnh tranh như: Lúa nếp cái hoa vàng, hoa lan, rau an toàn, bưởi, chuối, ổi. Huyện đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có 1.600ha lúa chất lượng cao, 1.500ha cây ăn quả, 70ha hoa, 450ha rau an toàn. Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần |
Tại xã Kiêu Kỵ, sau khi thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, toàn xã có 40ha lúa, 3ha rau màu và 142ha cây ăn quả, hoa cây cảnh cho thu nhập khá. Chủ tịch UBND xã Kiêu Kỵ Đinh Văn Giảng cho hay, triển khai thực hiện Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng nông nghiệp chuyên canh, xã có 4 khu sản xuất rau an toàn tập trung tại các thôn Gia Cốc, Báo Đáp, Chu Xá, Hoàng Xá và khoảng 20ha trồng cây ăn quả an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP tại thôn Báo Đáp. Đặc biệt, các mô hình trồng cây ăn quả trên địa bàn xã cho giá trị kinh tế cao từ 400 - 600 triệu đồng/ha/năm.
Cùng với đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Gia Lâm còn nhạy bén trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp. Nhờ đó, trên địa bàn huyện đã hình thành được 17 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 8 mô hình trồng trọt gồm: Hoa lan, rau thủy canh, trồng cam, chuối theo tiêu chuẩn VietGAP… cho hiệu quả kinh tế cao.
Quy hoạch đi đôi với hỗ trợ
Nhằm hỗ trợ các xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Gia Lâm đặc biệt quan tâm tới công tác quy hoạch vùng tập trung chuyên canh, sản xuất theo hướng hàng hóa. Đồng thời, huyện đầu tư hệ thống thủy lợi nội đồng, nâng cấp, cải tạo các tuyến kênh mương cấp III với tổng mức đầu tư gần 78 tỷ đồng, tạo thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất. Đáng chú ý, để nâng cao giá trị vùng trồng cây ăn quả, huyện Gia Lâm đã tổ chức lập hồ sơ đăng ký chứng nhận và cấp chứng nhận sản xuất an toàn cho hơn 27ha vùng trồng cây ăn quả tập trung tại các xã Kiêu Kỵ, Kim Sơn. Bên cạnh đó, huyện phối hợp với đơn vị tư vấn hỗ trợ các xã lập hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của từng địa phương.
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần cho biết, để tạo đột phá trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Gia Lâm luôn coi trong công tác quy hoạch và dự báo thị trường cho sản phẩm. Từ đó, căn cứ vào điều kiện thực tế của mỗi địa phương để xác định quy mô, loại cây trồng chuyển đổi cho phù hợp.
Cụ thể, tại các xã có tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp còn ít, huyện định hướng chuyển đổi sang các mô hình công nghệ cao. Đối với các xã vùng bãi, huyện hỗ trợ về hạ tầng đường điện, giao thông nội đồng, đặc biệt là xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chủ lực để nông dân thuận lợi tiêu thụ. “Mặc dù Gia Lâm có 2 sản phẩm chủ lực có sản lượng lớn là chuối tiêu và rau an toàn nhưng chưa khi nào bị rơi vào cảnh được mùa, mất giá” – ông Thuần nhấn mạnh.