Là một trong 4 loại trái cây nằm trong Đề án phát triển cây ăn quả đặc sản của Hà Nội, những năm qua, nhãn chín muộn đã trở thành sản phẩm nông sản chủ lực của ngành Nông nghiệp thành phố và đã xuất khẩu sang một số nước. Hiện, ngành Nông nghiệp đang hoàn thiện thủ tục xuất khẩu sản phẩm này sang thị trường Mỹ.
Cây trồng làm giàu
Được coi là “quê hương” của nhãn chín muộn, xã Đại Thành (huyện Quốc Oai) có hơn 115ha đang cho thu hoạch. Đây cũng là vùng đất lưu giữ và bảo tồn cây nhãn tổ có từ hàng trăm năm nay. Là một trong những hộ trồng nhãn chín muộn lâu năm nhất trong vùng, anh Nguyễn Văn Thành chia sẻ, nhãn chín muộn có 2 giống, đó là giống nhãn muộn HTM1 (quả méo) và HTM2 (quả tròn) với đặc điểm: Quả to, cùi dày, trọng lượng trung bình từ 50 đến 60 quả/kg và chín muộn hơn các giống nhãn khác từ 30 đến 45 ngày nên được gọi là nhãn chín muộn.
Theo anh Thành, trước kia trong vườn mỗi gia đình ở Đại Thành đều có một vài cây nhãn chín muộn. Ban đầu nhãn được trồng chủ yếu phục vụ nhu cầu gia đình nên năng suất, chất lượng không cao. Từ năm 2012, khi Hà Nội triển khai Đề án phát triển cây ăn quả đặc sản, nhãn chín muộn được chọn là một trong những cây trồng được tập trung và đầu tư phát triển. Với sự hỗ trợ về kỹ thuật, nhân rộng nguồn giống, đến nay đa số người dân Đại Thành đã phát triển được mô hình trồng nhãn chất lượng cao.
Cụ thể như gia đình anh Thành, từ cây nhãn cổ hơn 120 tuổi, anh đã sử dụng công nghệ cấy ghép để tạo ra vườn nhãn hơn 150 cây, đang cho thu hoạch. Vườn nhãn gia đình anh được áp dụng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, mỗi năm đạt hơn 15 tấn quả, giá bán bình quân tại vườn 40.000 đến 45.000 đồng/kg. Hiện, nhãn chín muộn của gia đình chủ yếu tiêu thụ tại các cửa hàng kinh doanh nông sản an toàn, các siêu thị lớn, rất ít bán lẻ. Ngoài ra, anh cung cấp cho thị trường hơn 2 vạn cây giống, thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm…
Đánh giá về giá trị kinh tế của nhãn chín muộn, Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm cho biết, nhãn chín muộn không chỉ là cây ăn quả đặc sản của Hà Nội mà còn là cây trồng chiến lược của huyện Quốc Oai nói chung, xã Đại Thành nói riêng. Theo thống kê của UBND xã Đại Thành, năm 2016, toàn xã thu về hơn 40 tỷ đồng từ trồng nhãn chín muộn. Nhờ cây trồng này, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu và ổn định cuộc sống.
Đặc biệt, năm 2013, nhãn chín muộn Đại Thành Quốc Oai được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Từ đó đến nay, sản phẩm nhãn chín muộn Đại Thành được xuất khẩu tới một số nước và bán trong hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch của Hà Nội.
Không riêng Đại Thành, nhãn chín muộn còn giúp nhiều hộ dân ở huyện Hoài Đức trở thành những tỷ phú. Theo Chủ tịch Hội Sản xuất và Kinh doanh nhãn chín muộn huyện Hoài Đức Triệu Tiến Ích, nhãn chín muộn được trồng tập trung ở các xã: Song Phương, Đông La, An Thượng. Những năm gần đây, nhãn chín muộn cho năng suất cao, chín lệch ngày so với các giống khác nên khi bán ra thị trường thường đạt giá cao.
Đẩy mạnh xuất khẩu
Thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, hiện tổng diện tích nhãn chín muộn của toàn thành phố khoảng hơn 500ha, tập trung ở huyện Hoài Đức và Quốc Oai, sản lượng bình quân đạt từ 8.000 đến 9.000 tấn/vụ. Năng suất bình quân 20 tấn/ha; cá biệt có diện tích đạt 50 tấn/ha, với giá bán buôn tại vườn trung bình 40.000 đồng/kg, hầu hết các vườn thu tiền tỷ/ha.
Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ khẳng định, thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo quản, đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại nhằm xuất khẩu nhãn chín muộn Hà Nội tới các thị trường quốc tế tiềm năng.
Để đạt mục tiêu đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội đã quy hoạch vùng phát triển nhãn chín muộn đến năm 2020. Theo đó, nhãn chín muộn Hà Nội sẽ tập trung phát triển tại một số vùng ven sông Đáy thuộc huyện Quốc Oai (xã Đại Thành) và huyện Hoài Đức (các xã: An Thượng, Đông La, Song Phương) với diện tích hơn 250ha; vùng nhãn ven sông Đáy thuộc huyện Chương Mỹ (các xã: Lam Điền, Thụy Hương) với diện tích quy hoạch 100ha.
Ngoài ra, Sở NN&PTNT Hà Nội đã chứng nhận, quản lý khoảng 100 cây nhãn chín muộn đầu dòng và vườn cây đầu dòng tại Hội Sản xuất và Kinh doanh nhãn chín muộn huyện Hoài Đức, Hợp tác xã Đại Thành (huyện Quốc Oai). Đây được coi là nguồn cung cấp cây giống chất lượng cao cho các vùng nhãn chín muộn của Hà Nội theo quy hoạch.