Công tác triển khai xây dựng mô hình
Năm 2018, Trung tâm triển khai thực hiện tổng số 26 dạng mô hình, trong đó Trồng trọt có 17 dạng mô hình, Chăn nuôi, thuỷ sản có 09 dạng mô hình trên địa bàn các quận, huyện, thị xã có sản xuất nông nghiệp của Thành phố.
Các mô hình sản xuất ở vụ xuân đã thu hoạch xong, bước đầu cho kết quả khả quan, được các hộ nông dân đánh giá cao. Đặc biệt là các mô hình trình diễn giống lúa mới năng suất chất lượng: với các giống lúa tham gia trình diễn là Đông A1, LTH31, Lam Sơn 116, HDT 10 đều là những giống lúa có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, chịu thâm canh, chống chịu với sâu bệnh, năng suất đạt khoảng 65 tạ/ha. Riêng giống lúa Đông A1 cho năng suất cao trên 70 tạ/ha. Mô hình xây dựng cánh đồng lúa cấy một giống gắn với tiêu thụ sản phẩm: Các giống tham gia trình diễn là Thiên Ưu 8, LTH 31, Nếp cô tiên, Đài thơm 8, Bắc Hương 9. Nhìn chung lúa sinh trưởng đồng đều, ít sâu bệnh, năng suất trung bình đạt trên 60 tạ/ha. Riêng giống lúa Bắc Hương 9 cho năng suất cao 75 tạ/ha. Về tiêu thụ sản phẩm tại huyện Quốc Oai đã được công ty TNHH Nông nghiệp nhiệt đới thực hiện bao tiêu 130 tấn lúa tươi với đơn giá 6.600 đ/kg; huyện Ứng Hòa đã được công ty Giống cây trồng Trung Ương thực hiện bao tiêu được 10 tấn lúa khô với đơn giá 7.500 đồng/kg. Mô hình trình diễn giống ngô lai mới, ngô biến đổi gen: Sử dụng giống ngô lai P4554 và giống ngô biến đổi gen NK3400 Bt/GT. Cả 2 giống tham gia trình diễn đều sinh trưởng, phát triển mạnh, thân cây to khỏe, khả năng chống chịu với các điều kiện ngoại cảnh tốt, năng suất trung bình đạt trên 60 tạ/ha. Đặc biệt giống P4554 có tiềm năng năng suất cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên khu vực Hà Nội. Mô hình Chăm sóc Cam V2 năm thứ 2, quy mô 5 ha, thực hiện trên địa bàn huyện Ba Vì: Cây cam sinh trưởng và phát triển tốt, hiện đang trong giai đoạn phát triển thân cành và tạo tán. Cán bộ chỉ đạo mô hình tiếp tục chỉ đạo các hộ thường xuyên theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của cây và sâu bệnh hại để có biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời đôn đốc các hộ bón thúc và tưới nước giữ ẩm cho cây. Mô hình sản xuất hoa Chi Mai thế trồng chậu năm 2018, quy mô 3.000 cây, triển khai trên địa bàn các huyện Mê Linh, Hoài Đức: Cây Chi Mai đang trong giai đoạn phát triển thân cành, sinh trưởng, phát triển chậm do thời tiết nắng nóng kéo dài. Cán bộ chỉ đạo mô hình tiếp tục chỉ đạo các hộ thường xuyên tưới nước giữ ẩm cho cây. Các mô hình cơ giới hóa: Mô hình máy gặt đập liên hợp, dây chuyền gieo mạ khay tự động, nhà lạnh bảo quản nông sản, máy cấy lúa, máy làm đất đa năng công suất <10HP, hệ thống tưới phun cho cây rau, hoa, quả. Có 11/28 điểm đã mua máy và được kiểm tra tiến độ (05 máy cấy lúa, 02 máy làm đất đa năng, 3 máy gặt đập liên hợp và 01 dây chuyền gieo mạ khay tự động), các điểm cơ bản thực hiện đúng theo yêu cầu mô hình. Mô hình trồng cây Sachi: quy mô 01ha thực hiện tại xã Vật Lại – Ba Vì: Các hộ đã trồng xong, hiện cây đang bén rễ hồi xanh. Cán bộ chỉ đạo mô hình thường xuyên đôn đốc các hộ tưới nước giữ ẩm cho cây, đặc biệt trong những ngày nắng nóng.
Mô hình Chăn nuôi - Thủy sản: Tiếp tục chỉ đạo thực hiện các mô hình: Chăn nuôi bò sinh sản; Chăn nuôi gà Ai Cập sinh sản năm thứ hai (Năm 2018). Các hộ chăn nuôi đã áp dụng các biện pháp chăm sóc, phòng bệnh cho vật nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật. Đàn bò sinh trưởng, phát triển tốt, đang trong giai đoạn sinh sản; Đàn gà sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ đẻ đạt trên 70%.
Mô hình ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi tôm càng xanh siêu đực thương phẩm; Ứng dụng công nghệ sinh học trong nuôi cá rô phi; Nuôi cá chép áp dụng công nghệ “Sông trong ao”: Hiện tôm, cá sinh trưởng, phát triển tốt. Tôm đang trong giai đoạn lột xác lần 7, chiều dài trung bình đạt khoảng 66-68mm/con; Cá rô phi đạt 16-17cm/con (9-10 con/kg), cá chép đạt 19-20cm/con (5-6 con/kg). Cán bộ chỉ đạo tiếp tục chỉ đạo các hộ lưu ý những ngày nắng nóng cần thường xuyên quạt nước để cung cấp oxy trong ao nuôi, tăng cường hoạt động của tôm, cá tạo điều kiện cho quá trình tiêu hóa và hấp thụ thức ăn được tốt. Đặc biệt theo dõi giai đoạn lột xác của tôm để kịp thời bổ sung dinh dưỡng và khoáng chất cần thiết giúp tôm tăng trưởng tốt, tránh hao hụt và tích cực chăm sóc và vận hành hệ thống sông theo đúng quy trình kỹ thuật. Chế phẩm sinh học được sử dụng theo đúng hướng dẫn nên môi trường ao nuôi luôn được kiểm soát và đảm bảo các yếu tố PH, O2, NH3, NO2... ở ngưỡng phù hơp với sự sinh trưởng, phát triển của tôm, cá.
Mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi gà thả vườn: Đã cấp đủ 100.000 con gà giống 01 ngày tuổi cho các điểm tha gia mô hình. Gà khỏe mạnh, đều con, không dị tật, dị hình, không mang mầm bệnh và đã được tiêm phòng Marek, tỷ lệ trống mái là 1:1, trọng lượng 31-35gram /con.
Các mô hình còn lại: Hệ thống làm mát trong chăn nuôi; Chăn nuôi bò sinh sản đã hoàn thiện hồ sơ ban đầu và xây dựng kế hoạch triển khai, tổ chức tập huấn và hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật chuẩn bị chuồng trại theo đúng tiêu chí của mô hình.
Công tác tuyên truyền, tập huấn
Trung tâm đã phối hợp với Đài PTTH Hà Nội (Kênh H2) thực hiện phát sóng 47 Chương trình Nông nghiệp & Nông thôn Hà Nội, 17 Chương trình Nông thôn Thủ đô hội nhập & Phát triển, phát sóng lại hàng tuần trên sóng phát thanh tần số 96 Mhz với thời lượng 15-20 phút/chương trình; 180 bản tin giá cả nông sản trong chương trình Sắc màu cuộc sống; 15 chương trình phát sóng trong chuyên mục "Nông nghiệp xanh" hàng tuần. Phối hợp với các Báo Hà Nội mới, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Báo Kinh tế Đô thị, Báo Nông thôn ngày nay, báo Việt Nam New, xây dựng 34 chuyên trang về “Nông nghiệp - Nông thôn Hà Nội”, 15 chuyên mục người dân cần biết; Phối hợp kênh VTC16 thực hiện 8 chương trình, phóng sự phát sóng trong chương trình khoa học và nông nghiệp và 12 Bản tin phát sóng chương trình thời sự nông thôn. Phối hợp với Trung tâm Văn hóa thông tin & Thể thao của 21 quận, huyện, thị xã thực hiện chuyên mục bạn của nhà nông với hơn 500 tin, bài. Thời lượng phát sóng và tiếp âm xuống các xã, phường:10-15 phút/chương trình, thực hiện hàng tuần; Tiếp tục duy trì, mở rộng hệ thống cơ sở dữ liệu, nội dung hình thức trên trang web khuyennonghanoi.gov.vn, cập nhật thường xuyên và đăng tải được 540 tin, bài, ảnh và video.... Nội dung tập trung tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của nhà nước và thành phố Hà Nội về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, về ATTP, giới thiệu các tiến bộ kỹ thuật mới, công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, tuyên truyền thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm trong những ngày lễ, tết. Phối hợp với Đài khí tượng thủy văn khu vực đồng bằng Bắc Bộ cập nhật và đăng tải 150 bản tin dự báo khí tượng thủy văn hàng ngày, 12 bản tin dự báo khí tượng thủy văn 10 ngày trên trang web khuyennonghanoi.gov.vn và Bản tin sản xuất & thị trường.
Điều tra thu thập và cung cấp được gần 500 địa chỉ nhu cầu mua và bán của các hộ, cơ sở sản xuất, kinh doanh và trang trại, 600 bản tin giá cả thị trường các mặt hàng thực phẩm, mặt hàng nông sản tại một số chợ trung tâm, đầu mối của 21 quận, huyện, thị xã và một số tỉnh khu vực phía Bắc.
Đồng thời , in và phát hành 17 số Bản tin Sản xuất & Thị trường với số lượng 17.000 cuốn; Tập san Nông nghiệp & PTNT số 1 và số 2 năm 2018 số lượng 10.000 cuốn.
Phối hợp với Văn phòng Sở Nông nghiệp & PTNT tổ chức thành công Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện cơ cấu Ngành Nông nghiệp & xây dựng kế hoạch cơ cấu ngành Nông nghiệp lĩnh vực trồng trọt và Hội nghị tổng kết công tác phối hợp thông tin tuyên truyền năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 giữa ngành Nông nghiệp & PTNT Hà Nội và các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và Hà Nội với sự tham gia của 100 đại biểu là lãnh đạo, cán bộ các đơn vị trực thuộc Sở, phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí.
Tổ chức thành công 07 Diễn đàn nhịp cầu nhà nông tại huyện Thanh Oai, Ba Vì, Thường Tín, Thạch Thất, Sóc Sơn, Phú Xuyên và Quốc Oai mỗi diễn đàn thu hút gần 190 đại biểu là nông dân, chủ trang trại, cán bộ các đơn vị về tham dự. Thông qua Diễn đàn, những thắc mắc, tìm hiểu về chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; các kỹ thuật trong chăn nuôi, thú y, thủy sản, trồng trọt, BVTV... đã được các chuyên gia hướng dẫn, giải đáp.
Tổ chức thành công 02 Hội thảo tăng cường kỹ năng nhận diện sản phẩm an toàn và chuỗi giá trị cho người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng tại quận Hai Bà Trưng và tại quận Hà Đông. Mỗi cuộc hội thảo thu hút 50 đại biểu là người tiêu dùng, đại diện doanh nghiệp, hiệp hội bán lẻ và người sản xuất trên địa bàn quận tham gia, tại đây người tiêu dùng được nghe giới thiệu về các chuỗi liên kết sản xuất thực phẩm an toàn, cũng như kỹ năng nhận diện sản phẩm nông nghiệp an toàn, đảm bảo chất lượng, đồng thời được tham quan các cơ sở sản xuất uy tín có sản phẩm đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố.
Tham gia gian hàng trưng bày sản phẩm nông nghiệp Hà Nội tại Hội chợ Nông nghiệp – Thương mại vùng Trung du miền núi phía Bắc năm 2018, tổ chức tại tỉnh Thái Nguyên, thời gian từ ngày 15 – 21/5/2018. Gian hàng đã trưng bày và giới thiệu gần 100 mặt hàng tiêu biểu của Thủ đô là các sản phẩm làng nghề, các giống cây đặc sản, các sản phẩm rau an toàn, các mặt hàng nông sản, thực phẩm tiêu biểu được sản xuất theo dây truyền công nghệ hiện đại. Thông qua Hội chợ đã giới thiệu, quảng bá được đông đảo người tiêu dùng biết đến.
Bên cạnh đó, Trung tâm đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật cho hàng nghìn lượt hộ nông dân: tập huấn kỹ thuật sản xuất rau hữu cơ theo phương pháp FFS; tập huấn Kỹ thuật sử dụng đệm lót sinh học và chế biến thức ăn trong chăn nuôi gà theo phương pháp FFS; Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực về nghiệp vụ và chuyên môn kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ khuyến nông của toàn thành phố với nội dung: Nâng cao kỹ năng soạn bài giảng bằng PowerPoint và kỹ năng thuyết trình trong tập huấn khuyến nông; Kỹ năng chụp ảnh và kỹ năng cơ bản viết tin bài. Tổ chức tập huấn cho các tác nhân tham gia chuỗi tại các huyện Đông Anh, Thường Tín, Hoài Đức, Phúc Thọ, Thanh Oai, Ứng Hòa, Ba Vì, Thanh Trì, Phú Xuyên, Đan Phượng với sự tham gia của 300 học viên là các doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại và cán bộ quản lý cấp cơ sở.
Công tác quản lý, bảo toàn, phát triển Quỹ khuyến nông
Chỉ đạo phòng quản lý quỹ, các đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền cơ sở khảo sát, hướng dẫn các hộ có nhu cầu vay vốn lập hồ sơ vay vốn, trong đó ưu tiên đối với các vùng sản xuất tập trung. Hội đồng thẩm định cấp cơ sở và Hội đồng thẩm định cấp Thành phố đã tổ chức thẩm 3 đợt được 142 phương án vay vốn, với số tiền duyệt vay 40.150 tỷ đồng gồm: 115 phương án vay vốn sản xuất với số tiền 30,470 tỷ đồng; 27 phương án vay vốn thực hiện cơ giới hóa với số tiền 9,75 tỷ đồng;
Đã giải ngân cho 108 phương án với số tiền là: 30,22 tỷ đồng; Thu phí quản lý Quỹ Khuyến nông của 369 hộ với số tiền: 3,391123 tỷ đồng; Thu hồi vốn vay Quỹ Khuyến nông của 136 hộ với số tiền 25,101500 tỷ đồng. Đã tổ chức kiểm tra hoạt động Khuyến nông đợt 1/2018 trên địa bàn các huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thường Tín, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Thạch Thất, Sơn Tây, Thanh Oai. Tổ chức 01 lớp tập huấn Kỹ thuật quản lý, vận hành máy cơ giới nông nghiệp tại huyện Mỹ Đức từ ngày 24-26/5/2018 cho 30 học viên là người trực tiếp quản lý, sử dụng máy cơ giới nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Công tác điều hành quản lý được thực hiện nhịp nhàng, thống nhất, khắc phục được những mặt tồn tại hạn chế của năm trước. Công tác Đảng, đoàn thể được chú ý về nội dung hoạt động đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác cán bộ được quan tâm, tổ chức bộ máy từng bước được kiện toàn phù hợp với năng lực của cán bộ, chuyên môn nhiệm vụ được giao, nghiêm túc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính.
Trong 6 tháng cuối năm, Đảng ủy, Ban Giám đốc cùng toàn thể CBVC-NLĐ của Trung tâm tiếp tục khắc phục những khó khăn, hạn chế, bám sát vào tình hình diễn biến thời tiết và sự chỉ đạo của ngành để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Cụ thể:
Tiếp tục chỉ đạo thực hiện mô hình sản xuất vụ mùa, các mô hình cơ giới hóa, mô hình chăm sóc cam V2 (năm thứ hai), chi mai thế trồng chậu; Chỉ đạo các Trạm đánh giá kết quả, hiệu quả và hoàn thiện hồ sơ thanh quyết toán các mô hình đã thực hiện xong trong vụ xuân và các mô hình cơ giới hóa đã triển khai. Tập trung chỉ đạo thực hiện các mô hình vụ mùa; Theo dõi các mô hình chăn nuôi năm thứ 2, quá trình sinh trưởng, phát triển các mô hình thủy sản, đặc biệt trong những thời điểm có diễn biến thời tiết bất thường để có các biện pháp xử lý kịp thời. Tiếp tục tổ chức cấp hỗ trợ thức ăn cho mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi gà thả vườn đồng thời hướng dẫn các hộ chăm sóc gà theo đúng quy trình kỹ thuật.
Tiếp tục tham gia xây dựng Kế hoạch chương trình phát triển sản xuất rau, hoa ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2020. Tiếp tục xin ý kiến các Sở để Xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí chương trình hỗ trợ phát triển nông nghiệp nước bạn Lào.
Chỉ đạo phòng chuyên môn, phòng Kế hoạch -Tài chính phối hợp với đơn vị tư vấn đấu thầu xây dựng hồ sơ yêu cầu, trình Sở Nông nghiệp và PTNT phê duyệt hồ sơ yêu cầu, đăng báo mời thầu các gói thầu mua giống bò sinh sản, mua thức ăn chăn nuôi gà, mua giống bưởi; Thương thảo hợp đồng, trình Sở phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu mua cây giống hoa hồng; Xây dựng kế hoạch đấu thầu gói thầu mua củ giống Khoai tây, mua lợn giống, mua thức ăn sinh học chăn nuôi lợn và mua tài sản phục vụ chuyên môn 2018; Tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch hoạt động và dự toán thu chi Quỹ khuyến nông năm 2018 sau khi được Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội, Sở Tài chính thẩm định, phê duyệt.
Tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp với các cơ quan thông tấn: Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội, kênh VTC16; các báo Hà Nội mới, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam... Duy trì, mở rộng hệ thống cơ sở dữ liệu, nội dung hình thức trên trang web khuyến nông: website khuyennonghanoi.gov.vn; Tổ chức các Diễn đàn nhịp cầu nhà nông; Tập huấn cho các tác nhân tham gia chuỗi; Tổ chức thao giảng theo kế hoạch đã xây dựng; Xây dựng kế hoạch tổ chức tập huấn nâng cao năng lực và nghiệp vụ cho Khuyến nông viên cơ sở về kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng an toàn sinh học; Tổ chức quản lý, xuất bản các ấn phẩm của ngành, trang web của Trung tâm theo chương trình, nội dung đã được Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội phê duyệt;
Chỉ đạo Trạm Khuyến nông các quận, huyện, thị xã tiếp tục làm tốt công tác khảo sát nhu cầu vay vốn đối với các vùng sản xuất tập trung, đặc biệt là vay vốn để mua máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp; thu đúng, thu đủ phí quản lý quỹ, vốn vay đến hạn, tích cực đôn đốc thu hồi nợ quá hạn vốn vay QKN.
Quản lý, theo dõi công tác cán bộ; quan tâm và đảm bảo thực hiện đầy đủ các chế độ cho người lao động: chế bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các chế độ khác liên quan đến cán bộ, viên chức, lao động của Trung tâm./.