Kết quả lớp học đồng ruộng về Quản lý dịch hại tổng hợp ở Hà Nội năm 1993-2017

Những năm của thế kỷ 20, công nghiệp ở nhiều nước trên thế giới phát triển mạnh mẽ với tốc độ nhanh. Nhiều công cụ cơ khí được phát minh, sáng chế phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Công nghiệp hóa chất tạo ra nhiều loại phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật để sử dụng trong sản xuất nông nghiệp. Năng lượng hóa thạch được sử dụng trong nông nghiệp ngày càng nhiều đã tạo điều kiện đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất cây trồng. Những thành tựu của sinh học, chọn tạo giống cây trồng đã đưa năng suất cây trồng tăng nhanh, nhiều giống cây được chọn tạo cho năng suất cao gấp nhiều lần so với các giống cây trồng địa phương, tạo tiền đề cho cuộc “cách mạng xanh”; tạo điều kiện cho con người tác động lên thiên nhiên mạnh mẽ hơn, đa dạng hơn, rộng lớn hơn, sâu sắc hơn và gây nên nhiều hậu quả nghiêm trọng. Sử dụng nhiều lần với lượng lớn phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật là nguyên nhân của ô nhiễm môi trường, tích luỹ các chất độc hại trong nông sản gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Chế độ canh tác thiếu hợp lý, là nguyên nhân bùng phát dịch sâu bệnh, phải sử dụng lượng lớn hóa chất BVTV, gây ô nhiễm môi trường. Dư lượng các chất độc hại trong nông sản gây hại tức thời, tác động có hại lâu dài, tác động di truyền cho thế hệ tiếp theo đối với người sử dụng. Trong khi người nông dân thiếu kiến thức, kỹ năng tổng hợp bảo vệ cây, chỉ biết phun thuốc nhiều lần để phòng trừ sâu bệnh.

          Từ những thách thức và yêu cầu trên, Tổ chức lương thực-nông nghiệp liên hợp quốc (FAO) đã nghiên cứu, tổng kết và phổ biến cho toàn thế giới lớp học đồng ruộng (FFS) về Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) để tăng cường kiến thức, kỹ năng, đào tạo và khuyến nông.

          IPM/FAO có 4 nguyên tắc: (1) trồng cây khỏe, (2) bảo tồn thiên địch, (3) thăm đồng thường xuyên, (4) nông dân thành chuyên gia. FAO không những chú ý đến yếu tố tự nhiên, môi trường sinh thái, kỹ thuật mà còn chú ý tới yếu tố xã hội của áp dụng IPM với chủ thể là nông dân quyết định áp dụng các biện pháp kỹ thuật nên phải đào tạo kỹ năng kỹ thuật, kỹ năng huấn luyện, kỹ năng hoạt động tập thể cho nông dân. Thực hiện 4 nguyên tắc của IPM chính là thực hiện IPM theo hướng giảm thiểu sử dụng thuốc BVTV, phân bón hóa học, hướng hữu cơ sinh học thông qua lớp học đồng ruộng.

          Để IPM theo hướng hữu cơ phải thực hiện triệt để nguyên tắc trồng cây khỏe và các biện pháp không sử dụng thuốc BVTV, phân bón hóa học có ý nghĩa quan trọng, trong đó canh tác tiên tiến áp dụng biện pháp bón khô dầu đậu tương, bột đậu tương cho rau, quả, chè, lúa, cho các cây trồng, áp dụng giống lúa đặc sản, cấy lúa bản địa mật độ siêu thưa có ý nghĩa quyết định.

          1. Kết quả lớp học đồng ruộng:

          Chương trình Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) triển khai ứng dụng ở Việt Nam từ năm 1992 trên cây lúa tại tỉnh Tiền Giang để đáp ứng yêu cầu của sản xuất nông nghiệp bền vững. Vấn đề cơ bản của IPM là phương pháp nâng cao kiến thức kỹ năng đó là nông dân được được đào tạo nghề hay “cầm tay chỉ việc” theo phương pháp học tập thực tế trên đồng ruộng, nông dân tham gia các lớp học đồng ruộng kéo dài suốt vụ được tổ chức thành các lớp học khoảng 30 người, các thí nghiệm đồng ruộng với một nhóm người và mô hình ứng dụng với vài chục đến trăm người; nông dân được học tập từ thực tế và học từ kinh nghiệm để nâng cao kiến thức kỹ năng canh tác và bảo vệ cây trồng, IPM sử dụng phương pháp học tập trên đồng ruộng giúp nông dân khám phá, so sánh và lựa chọn kỹ thuật mới, phù hợp với khung cảnh địa phương để ứng dụng vào sản xuất nên nông dân ứng dụng được ngay. Phương pháp học tập trên đồng ruộng của IPM khác biệt với phương pháp khuyến nông hiện nay là sử dụng kỹ thuật có sẵn, tổ chức các mô hình sử dụng tập huấn ngắn hạn trong nhà và hỗ trợ vật tư nên nông dân khó có lòng tin để ứng dụng vào sản xuất,  

 Hà Nội có tổng diện tích tự nhiên 332,89 nghìn ha, diện tích đất nông nghiệp 197.795 ha, diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 157.050 ha, diện tích gieo trồng cây hàng năm gần 300 nghìn ha và trên 21 nghìn ha cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm.

Với phương pháp học tập hiệu quả nên Hà Nội là địa phương triển khai ứng dụng sớm bắt đầu năm 1993. Từ năm 1993 đến 2017 cử đi đào tạo bằng nguồn kinh phí của FAO cho 117 giảng viên IPM lúa, rau; đào tạo bằng nguồn kinh phí thành phố, huyện 21 khóa IPM lúa với 595 giảng viên; 12 khóa IPM rau với 278 giảng viên,

Tổ chức 5011 lớp học đồng ruộng về IPM cho 124.703 nông dân; trong đó: lúa 1709 lớp (IPM, SRI, Bucap, quản lý bệnh hại lúa, OBV, chuột, học sinh), rau 1641 lớp, hoa 46 lớp, ngô 2 lớp, lạc 2 lớp, đậu tương 2 lớp, chè 3 lớp, cây ăn quả 6 lớp, cho 100.793 người; mỗi lớp 30 người, học suốt vụ với 14-16 buổi, mỗi tuần một buổi. Tổ chức 953 lớp nghiên cứu cho 18.000 nông dân học suốt vụ với 14-16 buổi, mỗi tuần một buổi và 205 lớp mô hình SRI (từ 4 đến 50 ha) với diện tích 4.272 ha cho 18.000 nông dân.

2. Hiệu quả của lớp học đồng ruộng:

Các lớp học đồng ruộng hiệu quả cao về kinh tế, xã hội, môi trường: ở Hà Nội đến năm 2016 diện tích ứng dụng từng phần và toàn phần Hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) là 60% (120.000 ha/năm); năng suất lúa tăng 16% (năm 2000: 5,1 tấn/ha…), chi phí giống giảm 53% (năm 2000: 55 kg/ha, năm 2016: 14 kg/ha), chi phí đạm giảm 33% (năm 2000: 210 kg/ha, năm 2016: 140 kg/ha); có trên 1000 ha lúa nếp cái hoa vàng hiệu quả rất cao (giá trị sản xuất đạt 100 triệu đồng/ha/vụ, chi phí 5-10 kg giống/ha, 80-100 kg đạm/ha). Diện tích rau được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất đạt trên 5000 ha, rau hữu cơ trên 50 ha, năng suất rau tăng 53% (năm 2000: 13,1 tấn/ha, năm 2016: 21 tấn/ha), có trên 1200 ha rau giá trị sản xuất đạt 01 tỷ đồng/ha/năm; tỷ lệ sử dụng thuốc sinh học khoảng 60%, số lần sử dụng thuốc giảm 30%, chi phí sử dụng thuốc giảm 50%, tỷ lệ mẫu rau tại cơ sở sản xuất vượt dư lượng tối đa cho phép 1-2%, rau cơ bản an toàn.

Theo số liệu thống kê (2016) Việt Nam có 10,2 triệu ha đất trồng cây nông nghiệp. Tiêu thụ 10,8 triệu tấn phân bón (1060 kg/ha): đạm 2,2 triệu tấn (216 kg/ha), DAP 0,9 triệu tấn (88 kg/ha), SA 0,9 triệu tấn (88 kg/ha), kali 0,96 triệu tấn (94 kg/ha), lân 1,8 triệu tấn (176 kg/ha), NPK 4 triệu tấn (392 kg/ha), phân vi sinh, phân bón lá 0,5 triệu tấn (49 kg/ha) và tiêu thụ 100 nghìn tấn thuốc BVTV ( 9,8 kg/ha) - không kể tạm nhập tái xuất 15%.

Hà Nội năm 2014, 2015, 2016, 2017 sử dụng tương ứng 251-287-316-265 tấn thuốc BVTV, sử dụng cho 01 ha sản xuất nông nghiệp từ 1,6-2 kg thuốc BVTV, 346-395 kg/ha phân bón (trung bình toàn quốc gần 10 kg/ha thuốc BVTV, 1104 kg/ha phân bón, cao hơn Hà Nội 5-6 lần thuốc BVTV và gần 3 lần phân bón), hàng năm Hà Nội tiết kiệm khoảng 1000 tỷ đồng.

Theo tiến sĩ Jonathan Pincus Đại học Luân Đôn nghiên cứu những thay đổi của nông dân trước và sau khi tham gia lớp học đồng ruộng (trong 3 năm 1996-1997-1998) trên 79 nông dân của 17 xã (11 huyện) với 235 thửa ruộng cho thấy: nông dân sau khi học đã thay đổi tập quán canh tác, giảm số lần sử dụng thuốc (từ 1,1 lần xuống 0,2 lần/vụ) trong đó thuốc trừ sâu giảm 80% (từ 0,74 lần xuống 0,1 lần/vụ), số thửa không sử dụng thuốc BVTV từ 40% tăng lên 82%, chi phí thuốc BVTV  giảm từ 106 xuống 23 nghìn đồng/ha. Nông dân cũng thay đổi sử dụng phân bón cả về loại, liều lượng và thời điểm bón phân (bón đạm giảm, bón kali tăng), giảm mật độ cấy và số dảnh/khóm, năng suất lúa tăng 10-15%.

Theo tiến sĩ John Pontius-chuyên gia IPM/FAO vùng Nam-Đông nam châu Á và nhóm đánh giá tác động của lớp học đồng ruộng ở 4 xã huyện Ứng Hòa đã đánh giá 240 nông dân (165 nông dân học IPM, 75 nông dân chưa học IPM) trong 2 năm 1999-2000 cho thấy nông dân học IPM so với nông dân chưa học IPM trên lúa: năng suất tăng từ 7-25% (trung bình 19%), chi phí giảm 8-27% (trung bình 21%), cơ cấu sử dụng phân bón thay đổi: phân đạm giảm 8%, phân lân tăng 27%, phân kali tăng 57%, số lần phun thuốc và chi phí BVTV giảm 76%, lợi nhuận tăng 10-37% (trung bình 24%). Trên rau: năng suất tăng 15%, chi phí thuốc BVTV và số lần phun thuốc giảm 50%, chuyển cơ bản từ sử dụng thuốc hóa học sang thuốc sinh học hoặc thuốc có nguồn gốc sinh học,chi phí phân đạm giảm 30%, lợi nhuận tăng 22%.

Nông dân sau khi học IPM: chủ động lựa chọn những biện pháp kỹ thuật trên đồng ruộng, biết cách tổ chức một lớp IPM từ công tác chuẩn bị đến huấn luyện nông dân, tuyên truyền cho nông dân khác, thuyết phục lãnh đạo địa phương có chính sách về kinh phí và tổ chức thực hiện.

Hiệu quả xã hội cũng rất nổi bật: nông dân có điều kiện trao đổi kinh nghiệm, được giao tiếp, học hỏi, khám phá rộng hơn, mạnh dạn hơn, chủ động đề xuất với lãnh đạo địa phương hoặc nói trước đám đông. Trách nhiệm được nâng lên trong việc truyền đạt kiến thức cho người khác hoặc thuyết phục lãnh đạo địa phương, mối quan hệ trong cộng đồng gắn bó hơn, các hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống được khơi dây.

      3. Những kỹ thuật mới được chuyển giao thông qua lớp học đồng ruộng:                  Ở Hà Nội đang nhân rộng ứng dụng Hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI): cấy thưa, 1 dảnh/khóm, mạ non, giảm phân đạm, rút kiệt nước; đang nhân rộng giống lúa đặc sản, bản địa thích ứng biến đổi khí hậu, chống chịu điều kiện bất thuận (nếp cái hoa vàng, tám xoan, tám ấp bẹ, séng cù, nàng thơm,.. với kỹ thuật cấy siêu thưa: 4-11 dảnh/m2 với chi phí 1,5-6 kg giống/ha, bón 450 kg khô dầu đậu tương/ha (không bón phân hóa học), năng suất đạt 5-6 tấn/ha, giá trị sản xuất đạt 100 triệu đồng/ha/vụ); nhân rộng lúa hữu cơ với giá trị sản xuất đạt hàng trăm triệu đồng/ha/năm. Đối với cây rau: áp dụng triệt để các biện pháp không sử dụng thuốc BVTV, đề cao đảm bảo an toàn thực phẩm kết hợp đề cao lợi ích của người sản xuất thông qua tăng vụ, tăng năng suất, giảm chi phí vật tư và công lao động như: che phủ nilon theo luống trồng rau trái vụ, sâu bệnh rất thấp, giảm tối đa thuốc BVTV, giá trị sản xuất đạt trên 01 tỷ đồng/ha/năm; bẫy Eugenol Methyl dẫn dụ côn trùng (Flykil,…) diệt ruồi đục quả họ bầu bí, ruồi đục lá họ đậu, cây ăn quả có múi, ổi, táo…; bẫy chua ngọt diệt trưởng thành họ ngài đêm như: sâu khoang (trên rau ngót, rau muống, rau họ hoa thập tự, họ đậu,…), sâu xanh da láng (trên hành, họ đậu, măng tây), sâu xanh đục quả cà chua,…; luân canh rau với ngâm nước ruộng 10 ngày diệt bọ nhảy trên rau họ hoa thập tự, bệnh héo xanh họ cà và các bệnh hại trong đất,…; bẫy pheromone diệt trưởng thành sâu tơ; bẫy dính màu vàng, màu xanh dẫn dụ diệt bọ trĩ, bọ phấn, bọ nhảy,…chế phẩm sinh học emina  xử lý tàn dư cây trồng; đặc biệt Hà Nội đang nhân rộng bón khô dầu đậu tương (không bón phân hóa học)  trên các cây trồng, nhất là trên các loại rau. Các kỹ thuật trên đều tổng kết từ thực tiễn, bổ sung thành cơ sở lý luận của kỹ thuật mới để chuyển giao đến nông dân với đầu tư thấp, hiệu quả cao, cộng đồng dễ thực hiện.

         Với bối cảnh thế giới đang có những diễn biến phức tạp, đi liền với đó là sự tác động khó lường từ biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, đi liền với thách thức, khó khăn và kết quả to lớn trên Hà Nội vẫn có cơ hội để tăng tốc phát triển nông nghiệp, đó là: (1) kiên định phát triển nông nghiệp xanh, bền vững, chấp nhận cuộc đấu tranh về lợi ích giữa phát triển nóng, sản xuất bẩn với sản xuất bền vững, xanh, sạch từ canh tác đến chế biến, bảo quản, tiêu thụ, (2) sản xuất lớn, tập trung áp dụng kỹ thuật mới tổng kết từ thực tiễn, công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp, gắn kết sản xuất với tiêu dùng và liên kết sản xuất, (3) xử lý đất đai theo hướng nâng cao sức khỏe, hiệu quả sử dụng đất, tích tụ ruộng đất mạnh hơn để hình thành những vùng sản xuất tập trung, (4) giữ tài nguyên nước, tích trữ, phân phối, điều hòa nước hợp lý, kết nối liên thông hệ thống các công trình thủy lợi, hình thành mạng lưới tưới tiêu hoàn chỉnh, (5) xây dựng nền nông nghiệp có hệ thống phân bón và thuốc bảo vệ thực vật thân thiện với môi trường, trồng đậu tương làm phân bón, bón khô dầu đậu tương, bột đậu tương, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thảo mộc, giảm mạnh phân vô cơ, (6) bảo đảm giống tốt, phát triển giống đặc sản, bản địa, giữ gen nguyên thủy, gen quý, (7) nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở nông thôn, năng cao kiến thức kỹ năng cho nông dân, đào tạo “cầm tay chỉ việc” cho nông dân, khuyến khích ứng dụng kỹ thuật mới tổng kết từ thực tiễn, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, tiên tiến vào sản xuất.

           Để phát triển nông nghiệp bền vững, hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo an toàn thực phẩm Thành phố Hà Nội cần tiếp tục hỗ trợ đào tạo nghề cho nông dân theo phương pháp lớp học đồng ruộng về IPM.

Nguyễn Duy Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 1550
Tổng lượng truy cập: 25344896