1. Bệnh lùn sọc đen phương Nam
Bệnh lùn sọc đen Phương Nam hại lúa do Virus Southern Rice Black Streaked Dwarf Virus gây ra và rất nguy hiểm, bệnh lây lan nhanh, có thể truyền từ vụ lúa này sang vụ lúa tiếp theo và không có thuốc đặc trị. Bệnh do rầy lưng trắng là môi giới truyền bệnh chính trên đồng ruộng, cả rầy non và rầy trưởng thành đều tham gia truyền bệnh, rầy sau khi đã nhiễm virus có thể truyền bệnh đến khi chết. Virus tồn tại trong cơ thể rầy lưng trắng ở những nơi bị bệnh di chuyển rất xa theo gió và bão để gây bệnh cho lúa và cây trồng khác ở những nơi chưa bị bệnh.
Cây lúa ở giai đoạn đẻ nhánh bị nhiễm virus sẽ không trỗ được và giảm mạnh năng suất. Cây lúa bị bệnh có triệu chứng chung là thấp lùn, lá xanh đậm hơn bình thường. Lá lúa bị bệnh có thể xoăn ở đầu lá hoặc toàn bộ lá. Gân lá ở mặt sau bị sưng lên. Khi cây còn non gân chính trên bẹ lá cũng bị sưng phồng. Từ giai đoạn làm đòng và khi lúa có lóng, cây bị bệnh thường nảy chồi trên đốt thân và mọc nhiều rễ bất định. Trên bẹ và lóng thân xuất hiện nhiều u sáp và sọc đen. Bị bệnh nặng cây lúa không trỗ bông được hoặc trỗ bông không thoát và hạt thường bị đen.
Bệnh lùn sọc đen lần đầu tiên phát sinh, gây hại ở các tỉnh phía Bắc Việt Nam từ vụ mùa năm 2009. Bệnh diễn biến rất phức tạp, đã có 18 tỉnh, thành phía Bắc bao gồm vùng Bắc trung bộ, đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc bị nhiễm bệnh với diện tích lúa bị thiệt hại nặng trên 3 vạn ha.Vụ hè thu và vụ mùa năm 2017 bệnh tái bùng phát và gây thiệt hại nặng cho sản xuất lúa vụ mùa ở 23/31 tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Tổng diện tích nhiễm 62.098 ha, trong đó mất trắng 22.726 ha, (năm 2009 diện tích nhiễm 27.412 ha, mất trắng 24.272 ha). Các tỉnh Bắc Bộ, diện tích nhiễm 54.603 ha, mất trắng 18.644ha (Nam Định nhiễm 23.254 ha, mất trắng 9.432,6ha; Thái Bình nhiễm 18.826 ha, mất trắng 6.492 ha; Ninh Bình nhiễm 3.450 ha, mất trắng 751 ha,…).
Nguyên nhân bệnh lùn sọc đen gây thiệt hại nặng, diện rộng ở các tỉnh bạn do: (1) thời tiết nắng nóng đầu vụ, mưa bão nhiều giữa đến cuối vụ rất thuận lợi cho rầy di cư, phát sinh, truyền bệnh và gây hại; (2) canh tác không hợp lý, cây lúa yếu (gieo cấy dày, nhiều dảnh/khóm, bón thừa đạm); (3) giống nhiễm rầy nặng chiếm phần lớn diện tích; (4) mất cân bằng sinh thái do sử dụng nhiều thuốc BVTV dẫn đến rầy lưng trắng phát sinh sớm với mật độ cao, truyền bệnh khi lúa đẻ nhánh; (5) bệnh mới, không xuất hiện thường xuyên; thiếu trang thiết bị và kỹ năng phát hiện, dự báo hạn chế; chủ quan và thiếu kinh nghiệm chỉ đạo, hướng dẫn phòng trừ.
Hà Nội là địa phương hầu như không bị bệnh lùn sọc đen gây hại (nhiễm 0,4 ha) do canh tác hợp lý (tổ chức được nhiều lớp học đồng ruộng, nhiều mô hình về Hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI)), diện tích ứng dụng SRI khoảng 60%; công tác dự báo, chỉ đạo, hướng dẫn phòng trừ kịp thời; lượng sử dụng thuốc BVTV thấp (chỉ bằng 16-20% so với trung bình của cả nước).
Tuy nhiên, bệnh lùn sọc đen có nguy cơ bùng phát thành dịch, gây hại nghiêm trọng năm 2018 và các năm tới nếu không chỉ đạo phòng chống quyết liệt do: (1) còn 40% diện tích lúa chưa áp dụng SRI, cây lúa sẽ yếu dễ nhiễm bệnh từ việc cấy dày, nhiều dảnh/khóm, bón thừa đạm; (2) có những diện tích sử dụng nhiều thuốc BVTV làm mất cân bằng sinh thái, nguy cơ rầy lưng trắng phát sinh sớm với mật độ cao và truyền bệnh khi lúa đẻ nhánh; (3) thiếu trang thiết bị phát hiện và dự báo bệnh lùn sọc đen; (4) kỹ năng phát hiện, dự báo hạn chế; (5) tư tưởng chủ quan, thiếu kinh nghiệm trong chỉ đạo sản xuất và phòng chống dịch bệnh.
* Biện pháp phòng trừ:
- Thu dọn tàn dư, làm sạch cỏ bờ,...Làm đất sớm, cày vùi gốc rạ để ngăn ngừa lúa chét, lúa tái sinh phát triển. Nơi có trồng ngô vụ đông cần dọn sạch tàn dư cây ngô. Gieo mạ có che phủ nilon để chống rét đồng thời ngăn chặn rầy lưng trắng xâm nhập truyền bệnh, không gieo mạ ở nơi có nguồn bệnh. Bảo vệ cây lúa non từ gieo/cấy đến kết thúc phân hóa đòng: những vùng đã nhiễm bệnh vụ trước tiến hành phun thuốc nội hấp cho mạ trước khi cấy để trừ rầy.Thường xuyên kiểm tra tỷ lệ rầy lưng trắng mang virus trên đồng ruộng để phun trừ kịp thời. Gieo cấy giống lúa ít bị nhiễm nhiễm rầy. Ứng dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI), nhất là cấy 1dảnh/khóm, cấy thưa 25-35 khóm/m2, giảm bón đạm giúp cây lúa khỏe, tăng tính chống chịu.
- Khi bệnh phát sinh trên đồng ruộng phải thường xuyên thăm đồng, kết hợp với theo dõi bẫy đèn để dự báo mật độ rầy trên đồng ruộng, phân tích mẫu xác định rầy có virus, tổ chức phun triệt để nơi rầy di trú. Những ruộng lúa nhiễm bệnh dưới 30% số khóm cần nhổ bỏ, tiêu hủy lúa bị bệnh (vùi sâu xuống bùn) và tỉa dặm bằng lúa không bị bệnh. Phun thuốc trừ rầy, chăm sóc để lúa hồi phục. Những diện tích lúa nhiễm bệnh trên 30% số khóm ở giai đoạn dưới 40 ngày sau cấy, sạ: với những ruộng lúa có khả năng phục hồi cần nhổ bỏ, tiêu hủy lúa bị bệnh và tỉa dặm bằng lúa không bị bệnh. Phun thuốc trừ rầy, chăm sóc để cây lúa hồi phục. Những ruộng lúa không có khả năng phục hồi cần tiêu hủy toàn bộ ruộng, phun thuốc trừ rầy có tác động tiếp xúc. Nếu còn thời vụ nên gieo, cấy lại bằng các giống ngắn ngày. Nếu không còn thời vụ nên chuyển đổi cây trồng khác. Giai đoạn lúa trên 40 ngày sau cấy, sạ: nhổ bỏ, tiêu hủy lúa bị bệnh và tỉa dặm bằng lúa không bị bệnh, phun thuốc trừ rầy. Nếu ruộng bị quá nặng phải tiêu hủy toàn bộ ruộng, trước khi tiêu hủy cần phun thuốc trừ rầy để ngăn ngừa rầy phát tán sang ruộng khác.
2. Bệnh đạo ôn
Bệnh Đạo ôn do nấm Pyricularia oryzae hay P. grisea gây ra. Bệnh lây lan bằng bào tử và phát tán nhờ gió. Bào tử nấm nảy mầm và xâm nhiễm gây hại khi gặp những giọt nước đọng trên các bộ phận của cây lúa (lá, cổ bông, cổ áo lá,…). Bệnh phát sinh gây hại mạnh ở điều kiện ấm, ẩm (nhiệt độ từ 18 – 20oC, ẩm độ không khí trên 90%), đặc biệt khi thời tiếti có mưa phùn. Bệnh hại ở tất cả các giai đoạn sinh trưởng của lúa từ giai đoạn mạ đến chín và trên các bộ phận của cây như lá, cổ lá, cổ bông, cổ gié, hạt; bệnh trên lá ban đầu vết bệnh chỉ là những chấm nhỏ, màu xanh xám, sau lớn lên có dạng hình thoi đặc trưng, viền nâu, tâm vết bệnh có màu xám trắng, bệnh nặng các vết bệnh liên kết lại làm lá bị cháy khô; trên cổ bông, cổ gié vết bệnh ban đầu là một chấm nhỏ màu đen đoạn cổ giáp tai lá về sau lớn dần làm cổ bông héo, bông lúa trắng hoặc lép lửng.
Hà Nội là địa phương bị bệnh đạo ôn gây hại nhẹ: vụ xuân năm 2017 bệnh đạo ôn lá phát sinh gây hại trên giống nhiễm nặng: J02, BC15, nếp, TBR225,...từ 10-15/3, cao điểm gây hại 10 - 20/4, diện tích nhiễm 706 ha, nặng 15 ha (năm 2016: 216 ha, nặng 2,6 ha); bệnh đạo ôn cổ bông phát sinh gây hại từ đầu tháng 4, cao điểm gây hại 05 – 15/5, diện tích nhiễm 326 ha, nặng 30 ha (năm 2016: 1 ha). Trong khi đó ở Hà Tĩnh bệnh đạo ôn lá nhiễm 2.024 ha, nhiễm nặng 124 ha; đạo ôn cổ bông nhiễm 20.782 ha, nhiễm nặng 7.633 ha, mất trắng 13.149 ha chủ yếu trên giống lúa Thiên ưu 8).
Bệnh đạo ôn gây hại nhẹ do canh tác hợp lý, thời điểm lúa trỗ thời tiết nắng nóng không thích hợp cho bệnh đạo ôn gây hại, diện tích giống nhiễm nặng không nhiều (khoảng 300 ha chủ yếu Ứng Hòa), nhiều diện tích ứng dụng SRI đạt cao (60%), công tác dự báo chính xác, chỉ đạo và hướng dẫn phòng trừ kịp thời,
Tuy nhiên, bệnh đạo ôn có nguy cơ bùng phát thành dịch, gây hại nghiêm trọng lúa vụ xuân năm 2018 và vụ xuân các năm tới nếu không chỉ đạo, thực hiện quyết liệt kế hoạch sản xuất nhất là sử dụng giống chống chịu, cơ cấu hợp lý các loại giống, một địa phương không được gieo cấy một loại giống với diện tích quá lớn (quản lý bệnh tốt nhất là giống kháng, giống chống chịu: trong khi đó vụ xuân năm 2018 giống nhiễm rất nặng bệnh đạo ôn là JO2 tăng 10 lần-khoảng 3000 ha, nguồn bệnh sẽ liên tục tích lũy, lây lan và gây hại nặng ở các giai đoạn của lúa); còn phần lớn diện tích chưa áp dụng SRI, cây lúa yếu dễ nhiễm bệnh do cấy dày, nhiều dảnh/khóm, bón thừa đạm; tư tưởng chủ quan, thiếu kinh nghiệm trong chỉ đạo sản xuất và phòng chống dịch bệnh; thời tiết ấm, ẩm trùng với giai đoạn lúa đẻ nhánh rộ, trỗ bông (rất mẫn cảm) tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh đạo ôn phát sinh, lây lan, gây hại.
* Biện pháp phòng trừ:
- Sử dụng giống chống chịu, cơ cấu hợp lý các loại giống, một địa phương không được gieo cấy một loại giống với diện tích quá lớn. Tuyệt đối không lấy giống từ ruộng đã từng bị đạo ôn ở vụ trước. Ứng dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI), nhất là cấy 1dảnh/khóm, cấy thưa 25-35 khóm/m2, bón giảm đạm,...để có cây lúa khỏe, tăng tính chống chịu với bệnh. Vệ sinh đồng ruộng: thu dọn tàn dư, làm sạch cỏ bờ,...; làm đất sớm, cày vùi gốc rạ để ngăn nguồn bệnh trên đồng ruộng.
- Xử lý hạt giống khi gieo mạ; gieo, sạ thưa, che phủ nilon chống rét, không bón đạm cho mạ để mạ khỏe tăng khả năng chống chịu với bệnh. Kiểm tra ruộng mạ thường xuyên, phát hiện và phòng trị bệnh kịp thời.
- Đối với đạo ôn lá: điều tra, theo dõi diễn biến của bệnh đạo ôn trên đồng ruộng, đặc biệt chú ý những diện tích cấy giống nhiễm nặng (J02, BC15, nếp, TBR225, Thiên ưu 8,,...), diện tích bón thừa đạm, đã bị bệnh ở vụ trước, năm trước,… khi lúa bị bệnh >5% số lá phải phun trừ bệnh kịp thời. Nếu bệnh nặng cần ngắt lá bệnh đem tiêu hủy trước khi phun thuốc; có thể phun kép, lần 2 cách lần 1 từ 5-7 ngày.
- Đối với bệnh đạo ôn cổ bông: điều tra, theo dõi diễn biến của bệnh đạo ôn trên đồng ruộng, đặc biệt chú ý những diện tích lúa ở giai đoạn đòng già và chuẩn bị trỗ bông, những giống nhiễm nặng (JO2, BC15, nếp, TBR225, Thiên ưu 8,…), những diện tích bị bệnh đạo ôn lá gây hại, thời tiết ấm, ẩm (âm u, mưa phùn). Phải phòng trừ những diện tích lúa có ≥ 1% số lá đòng hoặc cổ áo lá áp đòng bị bệnh. nếu áp lực bệnh nhẹ chỉ phun 1 lần khi lúa bắt đầu trỗ, nếu áp lực bệnh nặng phải phun kép (lúc bắt đầu trỗ và sau đó 5-7 ngày).
- Sử dụng các loại thuốc đặc hiệu: Tricyclazole (Beam 75WP, Fillia 525SE, Bemsuper 750WP,…), Isoprothiolane (Fujione 40 EC,…),…