Trước đây, xã Đông Dư chủ yếu trồng lúa và rau. Tuy nhiên, hàng năm, khi mùa nước lên, diện tích trồng rau màu thường bị ngập nên năng suất không cao. Nhận thấy tiềm năng của cây ổi địa phương, người dân Đông Dư bắt đầu chuyển hướng sang trồng ổi. Đến nay, diện tích trồng ổi tại xã Đông Dư đã tăng lên 110ha. Từ năm 2006, ổi Đông Dư đã được cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận thương hiệu ổi đặc sản. Để nâng cao chất lượng và chỗ đứng trên thị trường, những năm qua, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đông Dư đã giúp bà con nơi đây biết cách khai thác thế mạnh từ chính cây ổi của địa phương kết hợp với cách làm tập trung, quy mô và sản xuất theo quy trình VietGAP. Ông Nguyễn Quang Huy – Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Đông Dư cho biết: Năm 2015, mô hình trồng ổi Đông Dư được chứng nhận quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP). Sản lượng ổi Đông Dư qua các vụ đều ổn định, đạt trung bình từ 27 - 30 tấn/ha/năm. Cây ổi cho thu hoạch quanh năm, giá bán tại vườn dao động ổn định từ 10.000 đến 15.000 đồng/ kg. Sản phẩm quả ổi Đông Dư ngày càng được thị trường đón nhận đem lại thu nhập cao và ổn định cho người dân xã Đông Dư.
Để nâng cao chất lượng giống ổi Đông Dư nhằm cung cấp ra thị trường những cây giống tốt nhất, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đông Dư phối hợp với Trung tâm thực nghiệm và đào tạo nghề (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) đã làm hồ sơ đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội bình tuyển 11 cây ổi Đông Dư. Đây là những cây ổi được trồng cách đây 8 năm. Cây có khả năng sinh trưởng khoẻ, tán cây hình dù, cây cao trung bình 3,2m – 3,6m, có 2-6 cành cấp 1, 5- 10 cành cấp 2, cây đang ở giai đoạn kinh doanh cho năng suất cũng như chất lượng tốt nhất. Trọng lượng trung bình từ 70,1 – 79,1 g/quả. Năng suất trung bình đạt 32,5 – 50,5 kg/cây. Quả ổi hình cầu, khi chín màu quả xanh trắng sáng hoặc vàng sáng, vỏ sần, thịt quả màu trắng xanh, ăn giòn, ngọt và thơm đặc trưng . Để đáp ứng được những tiêu chí về đặc điểm hình thái, tuổi cây, sinh trưởng của cây, năng suất và chất lượng của cây đầu dòng đòi hỏi người trồng ổi ở Đông Dư phải có chế độ chăm sóc cây đúng kỹ thuật, theo từng thời kỳ phát triển của cây. Đối với những cây đạt tiêu chuẩn và được công nhận cây đầu dòng sẽ được chăm sóc, bảo vệ và khai thác nguồn giống theo đúng quy trình kỹ thuật.
Tổ chức bình tuyển cây đầu dòng là một quá trình đánh giá chặt chẽ từ khâu sơ tuyển đến khâu tiếp nhận hồ sơ và thẩm định thực tế của Hội đồng thẩm định do Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội thành lập. Hội đồng thẩm định hồ sơ là những chuyên gia hàng đầu về cây ăn quả đã kiểm tra thực địa về đặc điểm, sinh trưởng, phát triển của cây bình tuyển theo yêu cầu kỹ thuật và tiêu chí chất lượng tại tiêu chuẩn quốc gia về cây đầu dòng. Hội đồng bình tuyển cây ổi Đông Dư, sau khi nghiên cứu kết quả phân tích, đánh giá và điểm số của các cây tham gia bình tuyển do tổ công tác cung cấp, kết hợp với đánh giá cảm quan, thử nếm, thời vụ thu hoạch. Kết quả điểm số các chỉ tiêu chính của các cây tham gia bình tuyển được làm cơ sở khoa học cho Hội đồng bình tuyển xét chọn cây đạt tiêu chuẩn đầu dòng. Theo đó, 8 cây trên tổng số 11 cây đề nghị bình tuyển đạt tiêu chuẩn cây đầu dòng. Kết quả này cũng sẽ là cơ sở để địa phương khai thác và phát triển nguồn giống (mắt ghép hoặc chiết cành) cung cấp cho các vùng lân cận.
Trong tương lai không xa, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đông Dư dự định tiếp tục đầu tư thêm về hệ thống nhận diện thương hiệu cho quả ổi đặc sản nhằm giúp ổi Đông Dư nâng cao được giá trị thương phẩm, xứng đáng với thương hiệu ổi thơm, ổi sạch đất Hà thành. Bên cạnh đó, việc bình tuyển, lựa chọn được một số cây đầu dòng giống ổi Đông Dư sẽ góp phần tạo nguồn gen ổn định phục vụ nhu cầu phát triển, mở rộng diện tích trồng giống ổi này tại địa phương và các vùng lân cận Hà Nội./.