Ưu điểm vượt trội
Với lợi thế của vùng đất bãi rộng, được bồi đắp từ 2 con sông (Hồng, Đuống), khoảng 10 năm trở lại đây, nông dân huyện Gia Lâm đã đưa cây chuối vào trồng thay thế một số diện tích đất hoang hóa và canh tác rau màu kém hiệu quả. Mô hình đã cho hiệu quả cao hơn nhiều lần so với canh tác ngô, rau màu như trước đây. Một số giống chuối được trồng ở địa phương như chuối tiêu hồng, tiêu xanh, chuối tây Thái Lan… Để nâng cao hiệu quả sản xuất và khắc phục một số nhược điểm của giống chuối cũ có năng suất, chất lượng không cao, nhiều hộ dân trong huyện đã đưa các giống chuối nuôi cấy mô vào trồng, nhân rộng mô hình trồng chuối chất lượng cao ở địa phương.
Ông Nguyễn Viết Đoàn, thôn Kim Sơn, xã Kim Sơn, Gia Lâm giới thiệu về vườn chuối nuôi cấy mô của gia đình. |
Là một hộ tiên phong trong phong trào trồng chuối nuôi cấy mô, anh Nguyễn Viết Đoàn, thôn Kim Sơn, xã Kim Sơn cho biết, trước đây thường nhân giống bằng cách tách chồi từ cây mẹ. Tuy nhiên, do giống bị thoái hóa, năng suất không cao nên gia đình quyết định chuyển sang trồng giống chuối nuôi cấy mô. So với giống truyền thống thì giống nuôi cấy mô có nhiều ưu điểm vượt trội, với năng suất và chất lượng cao hơn. Trồng theo phương pháp truyền thống thì mỗi buồng chỉ đạt trọng lượng từ 20 - 25kg và thường chín không đều. Trong khi đó, chuối nuôi cấy mô sau 10 tháng trồng và chăm sóc, cây đã bắt đầu trỗ buồng, mỗi buồng được từ 11 - 13 nải, quả to, đẹp mã, sản lượng tăng từ 15 - 20% so với giống truyền thống. Ngoài ra, giống nuôi cấy mô đồng đều về tuổi cây và chất lượng sản phẩm cao. Đây chính là điều kiện cho việc xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh, áp dụng đồng bộ quy trình kỹ thuật trong canh tác, phục vụ cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu.
Gắn sản xuất với tiêu thụ
Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Trần Xuân Điệu cho biết: Hiện nay toàn huyện có 170ha trồng chuối. Trong đó có 40% diện tích sử dụng phương pháp nuôi cấy mô, với thu nhập ước đạt 300 - 350 triệu đồng/ha/năm.