Khu chuyển đổi của thôn An Thượng, xã Thượng Vực nằm gần trục đường chính nên giao thông đi lại khá thuận tiện. Trong khu trang trại xanh mướt bóng cây của gia đình, ông Đỗ Văn Huynh luôn bận rộn, lúc cắt tỉa cành cho cây cảnh, cây ăn quả, lúc cho đàn gà ăn. Với diện tích 1,2ha, ông Huynh quy hoạch thành từng khu trồng 130 cây bưởi Diễn, 150 cây ổi, 500 – 700 cây cảnh các loại. Dưới tán cây, ông nuôi gà thả vườn với số lượng 500 – 1.000 con tùy thời điểm. Ông Huynh chia sẻ, mô hình chuyển đổi làm kinh tế trang trại cho thu nhập khá ổn định, bình quân đạt từ 500 – 700 triệu đồng/năm. Ngoài ra, trang trại còn tạo điều kiện cho nhiều lao động thời vụ ở địa phương.
Mô hình chuyển đổi của gia đình ông Đỗ Văn Huynh, xã Thượng Vực, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Quang Thiện |
Cách nhà ông Huynh không xa là trang trại rộng 4.000m2 của gia đình bà Cao Thị Mai. Nhờ dồn điền đổi thửa, bà Mai có điều kiện quy hoạch vườn trại, mở rộng diện tích chăn nuôi lên hàng ngàn con gà thả vườn. Chia sẻ về bí quyết chăn nuôi, bà Mai cho biết, gà thả vườn dưới tán cây ăn quả, thức ăn chủ yếu là ngô hạt nghiền và thóc nên chất lượng thịt tốt, đầu ra ổn định. Bình quân mỗi năm, gia đình bà thu được hơn 100 triệu đồng từ chăn nuôi gà.
Toàn xã Thượng Vực có khoảng 360ha đất nông nghiệp, đất đai màu mỡ, thuận lợi cho việc thâm canh tăng vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Từ năm 2012, Đảng ủy xã Thượng Vực đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về thực hiện dồn điền đổi thửa gắn với chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Sau dồn điền đổi thửa, với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ dân đã chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang mô hình tập trung, xa khu dân cư, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đến nay, toàn xã Thượng Vực có hơn 6.800 con lợn và 76.000 con gia cầm, hơn 40,1ha diện tích nuôi trồng thủy sản với giá trị kinh tế đạt gần 140 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Bá Đồng – Phó Chủ tịch HĐQT HTX Nông nghiệp Thượng Vực cho biết, trước đây, nhiều hộ dân không có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất lớn. Tuy nhiên, với hạ tầng sản xuất đảm bảo như hiện nay và điều kiện tích tụ ruộng đất lớn, nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế tổng hợp, mua máy ấp trứng, ứng dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp nên thu nhập cao hơn. Bình quân mỗi lao động trong chăn nuôi có thu nhập 6 – 7 triệu đồng/tháng. Toàn xã hiện chỉ còn 28 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,7%.