Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu vay vốn ngày càng nhiều của hội viên, Hội Nông dân (HND) TP Hà Nội còn nhiều việc phải làm.
Nhiều mô hình hiệu quả
HND xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì là một trong những HND tiêu biểu trong xây dựng các mô hình kinh tế. Trong đó, nổi bật nhất là \"chuỗi liên kết chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi\". Nắm bắt tình hình thực tế và nhu cầu về thực phẩm an toàn, năm 2016, HND Cẩm Lĩnh đã mạnh dạn xây dựng chuỗi và được Quỹ HTND duyệt vay với số tiền 500 triệu đồng. Hiện nay, chuỗi gồm 61 hộ tham gia với tổng đàn gà lên tới 270.000 con, thu nhập bình quân mỗi hộ đạt 80 triệu đồng/năm. Ông Trần Đình Thành – Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gà đồi Ba Vì chia sẻ: \"Nhờ đồng vốn của Quỹ HTND TP mà các hộ tham gia chuỗi có điều kiện mua chung con giống, thức ăn, vì vậy mà chất lượng gà thương phẩm được nâng cao và rất đồng đều\".
Chăn nuôi gà đồi tại xã Ba Trại, huyện Ba Vì. Ảnh: Văn Thắng
HND TP Hà Nội lựa chọn năm 2016 là \"Năm xây dựng mô hình kinh tế tập thể\" với nhiệm vụ trọng tâm là triển khai hiệu quả hoạt động Quỹ HTND. Theo đó, HND các huyện, thị xã căn cứ tình hình thực tế tại địa phương đã chủ động xây dựng mới 56 mô hình điển hình vay vốn Quỹ HTND. Thông qua các mô hình, nông dân có cơ hội mở rộng, nâng cao quy mô sản xuất, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, nhằm tạo ra các loại nông sản hàng hóa chất lượng, đảm bảo ATTP. Bên cạnh đó, Quỹ HTND TP còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, chi hội ngành nghề, tiêu biểu như: Mô hình trồng hoa cây cảnh ở xã Hải Bối (Đông Anh), chăn nuôi lợn thịt ở xã Việt Hùng (Đông Anh), chuỗi liên kết chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi tại xã Cẩm Lĩnh (Ba Vì), nuôi trồng thủy sản (Thanh Trì)...
Tính đến hết năm 2016, Quỹ HTND TP đã phát triển được trên 28,9 tỷ đồng, đưa tổng nguồn Quỹ HTND TP lên gần 510 tỷ đồng cho 41.193 hộ hội viên nông dân vay vốn phát triển sản xuất. Đáng chú ý, nhiều huyện được HND TP bổ sung nguồn vốn cao như Sóc Sơn, Thanh Trì (1 tỷ đồng/đơn vị), Sơn Tây, Tây Hồ, Mê Linh, Thạch Thất (500 – 600 triệu đồng/đơn vị), Phú Xuyên, Ba Vì, Gia Lâm, Chương Mỹ, Hoài Đức (200 – 400 triệu đồng/đơn vị).
Tiếp tục huy động tăng nguồn vốn
Năm 2016 là năm đầu thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về \"Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 – 2020\", HND TP đã chủ động phối hợp với các ban ngành, đoàn thể vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ, tổ hợp tác. Từ đó, đẩy mạnh hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh có giá trị kinh tế cao, từng bước giúp nông dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Ông Trịnh Thế Khiết – Chủ tịch HND TP Hà Nội cho biết, để nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ HTND, Hội đã chỉ đạo mỗi huyện, thị xã hàng năm ít nhất xây dựng một mô hình điểm vay vốn Quỹ HTND. Qua kiểm tra thực tế cho thấy, các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, bước đầu đạt hiệu quả cao. Trong đó, nhiều hộ vươn lên trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi.
Mặc dù đã đạt được hiệu quả nhất định nhưng tốc độ tăng trưởng vốn Quỹ HTND ở một số nơi còn chậm, quy mô vốn của nhiều đơn vị còn hạn chế. Việc lựa chọn mô hình xây dựng các dự án theo hướng liên kết sản xuất hàng hóa ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, trong năm 2017, HND TP tiếp tục vận động để tăng thêm nguồn vốn, đặc biệt là phát triển nguồn ở cấp TP, huyện. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn để nông dân tiếp cận được với các chính sách hỗ trợ vốn phát triển nông nghiệp. Ngoài ra, Hội còn phối hợp với các sở, ngành mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, phối hợp với các DN tổ chức các dịch vụ hỗ trợ nông dân.
Hội ND TP Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, Quỹ HTND cấp TP đạt 800 tỷ đồng, 50% Quỹ HTND cấp huyện đạt 2 tỷ đồng trở lên/đơn vị. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và điều hành hoạt động Quỹ HTND. |