Mới đây UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị định hướng sản xuất ngành hàng lúa gạo thích ứng với BĐKH gắn với thị trường.
Thời tiết biến đổi gây bất lợi
Theo nhận định của các chuyên gia, BĐKH đang làm cho việc sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất lúa gạo nói riêng của Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn, Đồng Tháp không nằm ngoài sự ảnh hưởng đó.
Biến đổi trước tiên đó là nhiệt độ ngày càng tăng dẫn đến khô hạn, mưa kéo dài, diễn biến lũ bất thường... Bên cạnh nguyên nhân do tự nhiên còn có yếu tố từ con người, bằng việc xây dựng đê bao ngăn lũ, đập thuỷ điện và cả việc sản xuất nông nghiệp của nông dân như phá rừng ngập mặn, thâm canh lúa, bón phân không đúng cách.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Đồng Tháp cho biết, nguyên nhân giảm năng suất là do nông dân xuống giống vụ ĐX sớm (khoảng tháng 9, tháng 10), nhiệt độ trung bình cao, cây lúa tăng tốc độ ra lá, làm rút ngắn thời gian sinh trưởng. Khi lúa ở giai đoạn từ 35 ngày (thời điểm tượng khối sơ khởi đến chín) có biên độ nhiệt thấp và số giờ nắng thấp, làm giảm số bông, khả năng quang hợp. Vụ ĐX 2016 - 2017 có nhiều cơn mưa trong tháng 11, tháng 12 khi lúa đang trỗ, ảnh hưởng đến thụ phấn, làm lúa bị lem lép hạt, giảm năng suất.
Do đó, bà Ánh khuyến cáo nông dân phải bố trí lại mùa vụ, thời vụ hợp lý giữa các vùng sản xuất 2 vụ lúa hoặc 1 vụ lúa – 1 thuỷ sản, vùng 2 lúa – 1 màu, vùng 3 vụ lúa. GS.TS Nguyễn Bảo Vệ, giảng viên cao cấp Trường ĐH Cần Thơ cho rằng, thời vụ sản xuất lúa của nông dân Đồng Tháp chưa né tránh những bất lợi của thời tiết, hầu hết các tháng trong năm đều làm lúa. Nông dân phải khai thác có hiệu quả tài nguyên đất, nước, khí hậu để giảm chi phí trồng lúa, đặc biệt là không độc canh cây lúa, không sản xuất lúa 3 vụ, phải để đất trống từ 30 - 40 ngày giữa các vụ, cày ải, rút nước giữa vụ giúp cho đất phóng thích nhiều kali hữu dụng cho cây lúa.
TS Nguyễn Thanh Mỹ, GĐ Cty CP Rynan Agrifoods chỉ rõ, phân đạm là nguồn phát thải khí nhà kính và một trong những cách để khắc phục đó là sử dụng phân chậm tan (phân thông minh). Nó được bao bọc bằng lớp polyme, giúp giảm khí nhà kính hơn 60%, giảm đến 60% lượng phân bón cần sử dụng, chỉ bón duy nhất một lần và tăng lợi nhuận cho nông dân trồng lúa gần 20%. Cùng với đó là áp dụng biện pháp ngập khô xen kẽ, bằng cách ứng dụng công nghệ điện toán đám mây.
Đồng Tháp không tăng diện tích lúa vụ 3 từ 2017
Bên cạnh yếu tố thời tiết gây bất lợi, việc nông dân khai thác tài nguyên đất quá mức, trong đó có sản xuất lúa 3 vụ/năm làm chi phí sản xuất tăng lên do phải tăng thêm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh.
Với cách sản xuất này đã bộc lộ rõ nhiều nguy hại cho nền nông nghiệp. Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh, từ năm 2017 Đồng Tháp sẽ không tăng diện tích lúa vụ 3. Hiện nay diện tích lúa vụ 3 của Đồng Tháp chiếm 75% diện tích sản xuất lúa toàn tỉnh. Đây là con số đáng báo động. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là sinh kế cho người dân như thế nào khi không làm lúa vụ 3.
Tỉnh cũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương quan tâm phát triển ngành nghề nông thôn để tạo việc làm cho người dân, chuyển dịch lao động sang các khu vực khác. Để nông dân thay đổi tập quán sản xuất, ngành nông nghiệp cần chứng minh bằng những mô hình sản xuất hiệu quả, có như vậy mới thuyết phục được nông dân đổi mới và phát triển ngành hàng lúa gạo không chỉ thích ứng biến đổi khí hậu mà còn phải gắn với tiêu thụ./.