Có sự bất bình đẳng
Hiện toàn Thành phố Hà Nội mới có trên 100ha rau, củ, quả, gạo… sản xuất theo phương pháp hữu cơ. Từ đó, hình thành 9 chuỗi tiêu thụ với 47 cửa hàng, đại lý. Hình thức tiêu thụ sản phẩm chủ yếu thông qua hợp đồng thu mua với các công ty, cửa hàng bán nông sản an toàn, đơn đặt hàng trực tiếp của các hộ gia đình. Trung bình mỗi tháng, các nhóm hộ nông dân, doanh nghiệp sản xuất hữu cơ cung cấp ra thị trường hơn 100 tấn nông sản các loại.
Đến thăm nơi sản xuất rau hữu cơ lớn nhất Hà Nội (hơn 30ha) của trang trại Hoa Viên (xã Yên Bình, huyện Thạch Thất) chúng tôi nhận thấy thực hiện mô hình này không dễ dàng. Trang trại phải tuân thủ khắt khe các khâu từ quản lý hệ sinh thái và đa dạng cây trồng, đất canh tác, nguồn nước, các biện pháp phòng ngừa ô nhiễm, lựa chọn loài và giống cây trồng phù hợp; ghi chép, lưu giữ hồ sơ, quản lý sử dụng phân bón; phòng trừ sâu bệnh cỏ dại; thu hái, sơ chế và vận chuyển sản phẩm; xử lý cỏ dại và tàn dư thuốc bảo vệ thực vật…
Tuy nhiên, bà Trương Kim Hoa, chủ trang trại cho rằng, đang có sự bất bình đẳng giữa các đơn vị sản xuất hữu cơ do chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, chưa có đơn vị chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ dẫn tới công tác kiểm tra, giám sát chất lượng còn hạn chế.
Tại Hà Nội, từ năm 2008 đến năm 2012, được sự hỗ trợ của tổ chức ADDA (Đan Mạch) và hướng dẫn của Ban điều phối PGS Dự án phát triển nông nghiệp hữu cơ, mô hình này đã triển khai tại xã Thanh Xuân (Sóc Sơn). Trước đòi hỏi của thực tế và yêu cầu của công tác quản lý nhà nước, năm 2013, Sở NN&PTNT Hà Nội đã ban hành “Quy trình kỹ thuật tạm thời về sản xuất rau hữu cơ”.
Năm 2014, Sở NN&PTNT Hà Nội ban hành 10 quy trình kỹ thuật về sản xuất rau hữu cơ cho một số loại rau chính, trên nguyên tắc không được phép sử dụng chất hóa học tổng hợp trong các vật tư đầu vào, chỉ sử dụng phân hữu cơ đã ủ, ngâm hoai mục; tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, thuốc kích thích sinh trưởng, các vật liệu biến đổi gen...
Quy chuẩn về nông nghiệp hữu cơ
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, hiện nay tại Việt Nam, ngoài TCVN số 11041:2015 (Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành) hướng dẫn sản xuất, chế biến, ghi nhãn và tiếp thị thực phẩm sản xuất theo phương pháp hữu cơ, thì đang tồn tại song song một số hình thức sản xuất hữu cơ khác theo tiêu chuẩn của tổ chức phi Chính phủ hoặc của các nước đang hoạt động tại Việt Nam. Thực tế, hầu như chưa có mô hình hữu cơ nào áp dụng theo TCVN11041:2015 nên các cơ quan chức năng cũng gặp nhiều khó khăn trong công tác thanh, kiểm tra,...
Ông Ngô Đại Ngọc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng: Sản xuất nông sản hữu cơ vốn là một phương pháp canh tác “nguyên thủy” nhất trên tinh thần hài hòa với thiên nhiên... Tuy nhiên, do chạy theo năng suất, nông dân đã quen với việc sử dụng các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học, nên để quay lại với phương pháp canh tác truyền thống này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn, cần sự hỗ trợ về đào tạo, huấn luyện dài hạn ít nhất từ 6 tháng đến 12 tháng. Do đó, Hà Nội không khuyến khích phát triển nông sản hữu cơ ồ ạt, mà phải thận trọng, tránh tình trạng các cửa hàng lợi dụng uy tín, chất lượng của sản phẩm nông sản hữu cơ để đánh bóng thương hiệu, nhập nhèm giữa sản xuất VietGap sang hữu cơ gây hiểu lầm, ảnh hưởng tới dòng sản phẩm này.
Đồng quan điểm, ông Phạm Đồng Quảng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT) đánh giá: Tiêu chuẩn hữu cơ hiện là quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp cao cấp, khắt khe nhất. Đối với các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển hàng đầu thế giới thì diện tích, sản lượng nông sản hữu cơ cũng chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn. Bởi vậy, triển khai theo xu hướng đại trà là vấn đề không hề đơn giản, thậm chí sẽ dễ dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh.
Để bảo đảm sự công bằng cho người sản xuất và quyền lợi người tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, như bà Trương Kim Hoa - chủ trang trại rau hữu cơ Hoa Viên (Thạch Thất) kiến nghị Nhà nước sớm ban hành các quy định cụ thể về quản lý, quy chuẩn quốc gia về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; quy định về đăng ký, chứng nhận, chỉ định tổ chức chứng nhận chất lượng, nhãn sản phẩm hữu cơ; đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng kiên quyết trong quản lý, thanh - kiểm tra, xử lý vi phạm đối với mô hình sản xuất này.