Kim An bứt phá từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng
Nhờ nhạy bén chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã Kim An (huyện Thanh Oai) tạo bứt phá trong phát triển kinh tế. Đặc biệt, thu nhập cao từ trồng cam Canh đã giúp người dân nơi đây nâng cao đời sống, đoàn kết chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM).

Ngay từ những ngày đầu Xuân, nông dân xã Kim An đã hối hả bắt tay vào vụ sản xuất mới. Anh Nguyễn Văn Hoa, thôn Tràng Cát chia sẻ: “Vụ vừa rồi, vườn cam 200 gốc của gia đình cho thu hoạch 16 tấn quả. Với giá bán trung bình 40.000 - 45.000 đồng/kg, thu lãi gần nửa tỷ đồng”. Cách đó không xa, vườn cam cảnh, bưởi cảnh của anh Nguyễn Văn Mùa nức tiếng gần xa bởi hàng trăm chậu cam Canh, bưởi Diễn đẹp nhất vùng. Chỉ tính riêng dịp giáp Tết Đinh Dậu, anh đã bán được 60 chậu cam, bưởi cảnh cho thu nhập trên dưới 400 triệu đồng, thu nhập cả năm của gia đình đạt tới gần tỷ đồng. Không chỉ có hộ gia đình anh Hoa, anh Mùa, ở Kim An giờ không hiếm những nông dân thành tỷ phú nhờ trồng cam Canh. 

\"\"Mô hình trồng cam Canh tại xã Kim An, huyện Thanh Oai cho giá trị kinh tế cao.

Ảnh: Ánh Ngọc

 

 

 

 

Với sự cần cù, nhạy bén, ngay từ năm 2001, cây cam Canh đã được nông dân Kim An đưa về trồng tại địa phương. Đến nay, toàn xã có hơn 400 hộ trồng cam với hơn 100ha. Những năm gần đây, được Sở NN&PTNT Hà Nội hỗ trợ về kỹ thuật thâm canh nên cây cam ngày càng tăng nhanh về sản lượng và chất lượng. Ông Đỗ Hùng Cường – Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Kim An cho biết: \"Hiện nay, so với các cây trồng khác thì cam là cây mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất cho người nông dân với giá trị thu nhập trung bình đạt 500 - 700 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có những hộ đạt hơn 2 tỷ đồng đồng/ha\".

Xác định sản xuất an toàn là hướng phát triển bền vững cho cây cam nên nông dân Kim An luôn đặt việc đảm bảo quy trình kỹ thuật lên hàng đầu. Hiện nay, hầu hết các hộ đều sử dụng đậu tương làm phân bón, bởi theo kinh nghiệm sản xuất lâu năm của người dân, sử dụng loại phân bón này, quả cam sẽ đạt chất lượng cao nhất.

Giá trị hàng hóa của sản phẩm cam Kim An không ngừng được nâng cao qua các năm, từ đó tạo đầu ra ổn định và tăng thu nhập cho nông dân. Năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 30 triệu đồng. Thu nhập tăng không chỉ giúp nông dân được nâng cao đời sống mà họ còn sẵn sàng góp sức xây dựng NTM. Năm qua, người dân trong xã đã đóng góp ngày công hoàn thiện hệ thống công trình đường giao thông nội đồng với tổng chiều dài 3,6km. Đáng chú ý, trong năm 2016, xã đã hoàn thành thêm 4 tiêu chí, gồm: Y tế, môi trường, giao thông và văn hóa. Hiện, Kim An đã đạt 14/19 tiêu chí NTM, xã đặt mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2017 đạt thêm 3 tiêu chí trở lên và về đích NTM vào năm 2018.

Theo ông Trần Văn Phấn – Bí thư Đảng ủy xã Kim An, trong thời gian tới, cùng với việc duy trì sản xuất 130ha cây ăn quả, trong đó chủ đạo là cam Canh, xã đang đầu tư mạnh cho sản xuất rau an toàn quy mô 20ha. Thời gian tới, xã tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây ăn quả và rau an toàn trên cơ sở nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa và đảm bảo ATTP. 

 

Năm 2014, sản phẩm cam Kim An được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng công nhận nhãn hiệu tập thể \"Cam đường Kim An\". Năm 2016, xã tiếp tục được ngành nông nghiệp công nhận 18,8ha cam sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP.

 

Theo kinhtedothi.vn

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 7546
Tổng lượng truy cập: 25344896