Mô hình khuyến nông chăn nuôi, thủy sản tại Ba Vì: Chăn nuôi theo hướng tích cực và bền vững
Là huyện nằm trong vùng bán sơn địa với 3 tiểu vùng khác nhau: vùng núi, vùng trung du đồi gò và vùng đồng bằng ven sông Hồng, huyện Ba Vì đặc biệt quan tâm đẩy mạnh thực hiện các dự án chăn nuôi bò sữa, bò thịt, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc gia cầm… đưa tỷ trọng chăn nuôi chiếm 54% trong cơ cấu kinh tế ngành. Nhằm khai thác thế mạnh từng vùng, giúp bà con nông dân nâng cao thu nhập, những năm qua Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã chỉ đạo Trạm Khuyến nông Ba Vì triển khai các dạng mô hình chăn nuôi thủy sản cho hiệu quả kinh tế xã hội cao, phù hợp với định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Xã Cổ Đô, huyện Ba Vì là một trong những xã trọng điểm được quy hoạch phát triển chăn nuôi thủy sản, với 4 HTX dịch vụ chăn nuôi thủy sản, đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển kinh tế huyện. Sản phẩm thủy sản chủ yếu là nhóm cá truyền thống như cá trôi, mè, trắm, chép.  Tuy nhiên, 2 năm gần đây những đối tượng thủy sản này đang gặp khó khăn về tình hình dịch bệnh, giá cả thị trường. Vì vậy, năm 2016 Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã giao cho Trạm khuyến nông Ba Vì triển khai mô hình “Bước đầu ứng dụng công nghệ Biofloc trong nuôi thâm canh cá rô phi”  tại xã Cổ Đô, nhằm giảm chi phí thức ăn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nuôi. Mô hình được thực hiện từ tháng 4 đến tháng 11, quy mô 2ha với 6 hộ thuộc HTX nuôi trồng thủy sản Tân Đô, xã Cổ Đô tham gia. Các hộ tham gia mô hình có đủ điều kiện về ao, vốn đối ứng, nhân công và kỹ thuật phù hợp để thực hiện mô hình. Mô hình hỗ trợ 100% cá rô phi đơn tính Novit giống 6-8cm/con, hỗ trợ biofloc mồi, rỉ đường, 21.840 kg thức ăn hỗn hợp cho cá có vảy. Do là công nghệ mới được áp dụng trong chăn nuôi thủy sản, đòi hỏi người dân phải thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật, nên trước khi cấp cá giống cho các hộ tham gia mô hình, Trạm Khuyến nông huyện Ba Vì đã tổ chức tập huấn kỹ thuật ứng dụng công nghệ Biofloc trong nuôi thâm canh rô phi cho 30 hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã Cổ Đô, giúp các hộ nắm được kiến thức cơ bản về công nghệ Biofloc. Đến nay, mô hình đã được triển khai theo đúng kế hoạch, đảm bảo yêu cầu về tiến độ, nội dung và chất lượng. Mô hình đã giúp thay đổi nhận thức về tập quán nuôi cá, tạo nguồn thực phẩm sạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước do thói quen nuôi cá truyền thống, đồng thời giúp các hộ dân tham gia mô hình hiểu và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong nuôi trồng thủy sản.

Những mô hình khuyến nông chăn nuôi được triển khai năm 2016 trên địa bàn huyện Ba Vì cũng rất được bà con ghi nhận và đánh giá cao, đó là mô hình gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học ( quy mô 10.000 con với 24 hộ thuộc 2 xã Thái Hòa và Đông Quang tham gia), chăn nuôi lợn bản địa thương phẩm (quy mô 60 con với 12 hộ trên địa bàn 2 xã Cẩm Lĩnh và Tiên Phong tham gia) và mô hình nuôi bồ câu Pháp sinh sản ( quy mô 300 đôi với 4 hộ tại 2 xã Ba Trại và Tản Hồng tham gia). Các mô hình không những cho hiệu quả kinh tế cao, tạo ra sản phẩm thịt chất lượng, an toàn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, mà còn làm thay đổi tư duy về phương thức chăn nuôi theo hướng tích cực và bền vững.

Với mục đích đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, gắn liền với chủ trương, quy hoạch phát triển vùng tại địa phương, vừa nâng cao giá trị sản phẩm vừa góp phần thay đổi dần tập quán sản xuất của người dân. Các mô hình khuyến nông chăn nuôi thủy sản được triển khai trên địa bàn huyện Ba Vì năm 2016 cơ bản đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận về quá trình triển khai, nội dung và mục đích của các mộ hình.  Từ công tác chọn điểm, chọn hộ, tập huấn, chuyển giao TBKT đến công tác giao con giống đúng tiêu chuẩn và kiểm soát chặt chẽ quy trình kỹ thuật đều được Trạm Khuyến nông huyện Ba Vì nghiêm túc thực hiện. Để mô hình đạt kết quả tốt và có thể nhân rộng trên địa bàn những năm tiếp theo, Ông Trần Đức Tĩnh -  Trạm trưởng Trạm khuyến nông Ba Vì khuyến cáo với bà con tham gia mô hình cần xác định vật nuôi phù hợp, đồng thời khi tham gia mô hình bà con phải tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật do cán bộ khuyến nông hướng dẫn, bà con cũng nên liên kết các hộ chăn nuôi để trao đổi kinh nghiệm cũng như hỗ trợ nhau trong khâu tiêu thụ…

Theo kế hoạch, năm 2016, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai tổng số 20 dạng mô hình, trong đó có 13 dạng mô hình trồng trọt; 4 dạng mô hình chăn nuôi và 3 dạng mô hình thủy sản. Kết quả của các mô hình Khuyến nông sẽ là tiền đề quan trọng để nhân rộng mô hình trên địa bàn các quận, huyện, thị xã. Nhiều mô hình khuyến nông đã được chính quyền địa phương ghi nhận và đánh giá cao, góp phần không nhỏ vào định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị trên 1 hecta canh tác tại các địa phương trên địa bàn Thành phố./.

                                                       

Lưu Phượng - Trung tâm Khuyến nông Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 7478
Tổng lượng truy cập: 25344896