Tại hội nghị, các đại biểu đã đánh giá kết quả Đề án “Phát triển sản xuất và tiêu thụ chè an toàn thành phố Hà Nội” giai đoạn 2012 – 2016. Theo đó, năm 2012, diện tích cây chè của thành phố Hà Nội là 3.058 ha, chiếm 17% diện tích cây lâu năm và gần 2% diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Phân bổ tập trung chủ yếu ở các huyện: Ba Vì, Quốc Oai, Sóc Sơn, Chương Mỹ.
Từ khi thực hiện đề án “Phát triển sản xuất và tiêu thụ chè an toàn thành phố Hà Nội” giai đoạn 2012 - 2016, Trung tâm Phát triển cây trồng đã trồng mới và trồng thay thế được 182ha chè tại vùng đồi gò và vùng bán sơn địa các xã: Trần Phú, huyện Chương Mỹ; xã Yên Bài, Ba Trại, Thuần Mỹ, Cẩm Linh, huyện Ba Vì; Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn; Hòa Thạch, huyện Quốc Oai bằng những giống chè mới có năng suất, chất lượng tốt như: LDP1, LDP2, Phúc Vân Tiên.
Bên cạnh đó, cũng phát triển chăm sóc, thâm canh chè an toàn được 345 ha tại các xã Trần Phú - huyện Chương Mỹ; Yên Bài, Ba Trại, Thuần Mỹ, Cẩm Linh, huyện Ba Vì; Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn; Hòa Thạch, Hòa Phú, Long Phú - huyện Quốc Oai. Trong đó 110 ha chè sản xuất theo VietGAP.
Các đại biểu kiểm tra mô hình sản xuất chè an toàn tại xã Ba Trại, huyện Ba Vì
Đồng thời, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đưa cơ giới vào sản xuất, chế biến chè được được 100 ha. Nâng cao trình độ quản lý, thâm canh sản xuất chè cho cán bộ, nông dân tại các vùng trồng chè thông qua các lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật. Đào tạo, tập huấn trực tiếp trên nương đồi; tổ chức cho cán bộ, nông dân đi thăm quan học tập những mô hình tiêu biểu; đào tạo chuyên sâu tại các cơ sở chuyên sâu về chè như Viện KHKT nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc…
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đánh giá hiệu quả xã hội của Đề án, trong đó, Đề án đã tạo thêm thu nhập giúp xóa đói giảm nghèo. Điều này có ý nghĩa lớn với hộ dân tộc, hộ nghèo. Nâng cao được kiến thức và năng lực cho nông dân qua các buổi tập huấn, thăm quan, làm mô hình và tiếp cận được nhiều hơn với thị trường, khoa học kỹ thuật, hạn chế sử dụng các chất hóa học trong sản xuất, hạn chế xói mòn rửa trôi đất…
Đóng góp phương hướng trong giai đoạn 2017 - 2020, nhiều đại biểu cho rằng vùng chè hầu như ổn định trong các huyện và xã hiện tại nhưng về diện tích thì cần xem xét điều chỉnh để tránh tự phát và ản hưởng tới các cây trồng khác. Một số nhà khoa học cho rằng, nên điều chỉnh nâng lên diện tích vì hiện nay chưa nhiều, muốn tác động thêm về chế biến, có thương hiệu, xuất khẩu thì cần có diện tích nhiều hơn, tránh manh mún. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần đẩy nhanh hơn nữa việc trồng mới cải tạo vườn chè. Hỗ trợ người dân tìm ra nơi cung ứng giống, vật tư có chất lượng, không để cho các bên cung ứng đưa hàng kém phẩm chất ảnh hưởng đến vườn chè… Cùng với đó, phải phát triển chè theo hướng công nghệ cao.
Ông Ngô Đại Ngọc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT đã tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu để tổng hợp, trình lên cấp trên để xem xét và đưa ra những chính sách hợp lý tạo động lực thúc đẩy việc xây dựng và phát triển diện tích cũng như chất lượng của cây chè trong thời gian tới.