Do ảnh hưởng của cơn bão số 1, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra mưa to và gió mạnh, ảnh hưởng đến một số diện tích cây trồng. Để bảo vệ diện tích lúa, hoa màu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành văn bản đề nghị các địa phương thực biện pháp phục hồi sản xuất.
Theo đó, tổng diện tích lúa và hoa màu bị úng ngập do ảnh hưởng của cơn bão số 1 là 6.446,8ha, trong đó lúa ngập sâu nước 4.178ha, ngập trắng 186ha và hoa màu 2.082,8ha. Thiệt hại nặng nề nhất là rau màu và hoa cây ăn quả. Trong khi chính quyền và nhân dân các địa phương đang nỗ lực khôi phục sản xuất, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, ở khu vực phía đông Philipin đang xuất hiện áp thấp nhiệt đới. Dự báo trong 24 đến 48 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15 - 20 km, có khả năng mạnh lên thành bão và hướng về Biển Đông.
Để bảo vệ diện tích lúa, hoa màu vụ mùa 2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn bám sát cơ sở để hướng dẫn nông dân nhanh chóng khắc phục thiệt hại, áp dụng các biện pháp: Đối với cây lúa, cần phân loại diện tích bị ngập úng, huy động mọi nguồn lực để tiêu úng, khơi thông các dòng chảy, không để cây lúa bị ngập lâu vì nếu gặp nắng nóng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sinh trưởng phát triển của cây lúa, thậm chí gây thối và chết lúa. Sau khi mưa kết thúc cần kiểm tra cụ thể từng ruộng, giống lúa để linh động tháo nước hay giữ nước cho lúa. Trong khi thoát nước nếu ruộng có rong rêu, bùn bám cần té nước lên lá lúa để tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa quang hợp tốt hơn sau ngập úng. Đối với những diện tích lúa vùng trũng ngập nước kéo dài không có nguy cơ hồi phục: Gieo sạ hoặc cấy lại ngay sau khi nước rút bằng các giống mạ dự phòng hoặc san tỉa từ những chân ruộng mới cấy không bị ảnh hưởng ngập úng ....; sử dụng các giống ngắn ngày như P6 đột biến, PC6, HN6… ngâm ủ làm mạ nền tiến hành gieo cấy kết thúc trước ngày 10/8.
Đối với cây rau, sau khi nước rút cạn tiến hành vệ sinh đồng ruộng, thu gom rác thải, tàn dư cây trồng để hạn chế sự lây lan, tích lũy nguồn bệnh. Khi mặt luống đã se khô thì tiến hành xới phá váng, bón bổ sung phân lân, phân bón lá để cây trồng nhanh hồi phục. Đối với những diện tích rau bị dập nát không có khả năng hồi phục, tận dụng đất, tranh thủ thời vụ để gieo trồng bổ sung các loại rau cho phù hợp. Chú ý đảm bảo cơ cấu các loại rau hợp lý để tiêu thụ dễ dàng. Đối với các loại rau có khả năng hồi phục, cần chăm sóc kịp thời, đúng kỹ thuật, tùy từng loại rau để tác động các biện pháp chăm sóc hợp lý. Để giúp cây rau phục hồi nhanh, phát triển tốt cần tập trung một số biện pháp chủ yếu sau: Đối với các loại rau ăn lá thấp cây, nước rút cạn đến đâu rửa lá bằng ô doa đến đó (các loại rau cải, mồng tơi...); sau khi nước rút cạn vệ sinh đồng ruộng, thu gom rác thải, tàn dư cây trồng về đúng nơi quy định để tiêu hủy, nhằm hạn chế đến mức tối đa sự lây lan và tích lũy nguồn bệnh cho cây trồng; khi mặt luống đã se khô thì tiến hành xới phá váng nhẹ trên mặt luống; bón bổ sung phân lân, phân bón lá để giúp cây trồng nhanh chóng hồi phục, phát triển.
Đối với cây ăn quả, tiếp tục khơi thông dòng chảy, tuyệt đối không để úng nước cục bộ trong vườn cây đặc biệt vùng trồng chuối, trồng cam, bưởi ngoài bãi tại các xã Đông La, Cát Quế (Hoài Đức), Hát Môn, Vân Hà (Phúc Thọ), Thượng Mỗ (Đan Phượng), Kim An, Cao Viên (Thanh Oai), Thanh Xuân, Phú Minh (Sóc Sơn). Xới xáo phá váng kịp thời sau khi mưa, cắt bỏ cành gẫy, cành sâu bệnh sao cho tán thông thoáng, cần tiến hành các biện pháp kỹ thuật để phục hồi bộ rễ và phòng trừ sâu bệnh hại. Sử dung các loại phân bón lá (phân bón lá Yogen; phân bón lá Đầu trâu) ... để tăng cường khả năng hồi phục của cây.
Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Phát triển cây trồng thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường cán bộ kỹ thuật bám sát đồng ruộng hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật chăm sóc lúa, rau màu, cây ăn quả khắc phục hậu quả sau mưa úng phù hợp với từng vùng, trà lúa, đối tượng cây trồng. Chi cục Bảo vệ thực vật dự tính, dự báo sớm các đối tượng sâu, bệnh hại cây trồng, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ sâu bệnh kịp thời, có hiệu quả.
Văn Quyết