Xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên, Hà Nội nằm ven sông Hồng được bồi đắp phù sa của thiên nhiên ban nên bà con nông dân nơi đây có cuộc sống sung túc nhờ những sản phẩm nông nghiệp giá trị cao. Những người nông dân xã Hồng Thái luôn năng động, chịu khó, dám thử sức sản xuất những cây rau lạ đất theo hướng nông nghiệp hữu cơ sạch, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng. Những năm gần đây, xã Hồng Thái đã bắt đầu đưa vào trồng một thứ rau lạ, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đó là cây măng tây xanh – thứ rau không dễ thực hiện và đặc biệt tiêu tốn nhiều công sức của người trồng trọt.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, cây măng tây được trồng phổ biến tại Mỹ. Các tài liệu nghiên cứu khoa học của các nước này cũng khẳng định, măng tây là loại rau cao cấp vì hàm lượng dinh dưỡng cao gồm: 2,2% protein, đường 2,2%, chất xơ 2,3% và nhiều khoáng chất như kali, magie, canxi, sắt, kẽm. Ngoài ra, măng tây còn chứa nhiều vitamin quan trọng như B6, B2, B1, C, A… Hơn nữa, măng tây còn rất giàu dược tính, có tác dụng lợi tiểu, chữa táo bón, chống lão hoá, làm giàu sữa mẹ, giúp ổn định huyết áp… Măng tây có thể chế biến thành nhiều món ngon, bổ dưỡng, với các món xào lẫn tôm, thịt bò, thịt gà, hoặc các món súp, nộm…
Hiện nay, Măng tây được trồng nhiều ở xã Hồng Thái với diện tích sản xuất tập trung gần 3ha, với trên 10 hộ tham gia dự kiến trong thời gian tới mở rộng lên khoảng 5ha trên đất bãi Sông Hồng do thổ nhưỡng đất nơi đây rất hợp loại cây này. Điển hình cho các hộ tham gia sản xuất cây nông nghiệp có giá trị kinh tế cao này là bà Phan Thị Điệu, thôn Duyên Yết, một trong những hộ tiên phong trong việc trồng măng tây xanh của huyện Phú Xuyên. Từ tháng 9/2013, sau khi đi thăm quan, học hỏi các mô hình chăn nuôi, trồng trọt có hiệu quả trên địa bàn thành phố và được sự tư vấn, giúp đỡ của Hợp tác xã, bà Điệu đã quyết định chọn và đưa cây măng tây xanh vào sản xuất trên diện tích đất bãi của gia đình mình. Đối với cây măng tây xanh bệnh chủ yếu là nấm mốc, khô vằn… làm cây bị héo, nhũn đầu măng, thậm chí làm chết cây, khi cây bị bệnh chỉ cần rắc vôi bột, không phun thuốc hóa học. Trước khi xuống giống phải làm đất cẩn thận: Loại bỏ mầm cỏ, sâu bệnh, bón lót bằng phân hữu cơ hoai mục có thành phần là vỏ đậu, rơm rạ, mùn cưa… Đặc biệt, để cây sinh trưởng tốt và cho đọt măng đẹp, người trồng phải sử dụng nước trong và sạch tưới dưỡng. Vì vậy, ngoài giá trị dinh dưỡng cao, măng tây được coi là loại rau sạch tự nhiên…
Đến nay gia đình bà Điệu đã mở rộng diện tích lên 2ha trồng được hơn 20 nghìn gốc, tạo việc làm thường xuyên cho 5-6 lao động địa phương với mức thù lao 3,5-4 triệu đồng/người/tháng. Sau 6 tháng trồng, chăm bón theo đúng quy trình kỹ thuật, cây măng tây xanh sẽ cho thu hoạch và kéo dài trong 7 năm. Một năm thu hoạch liên tục trong 6-7 tháng từ tháng 3 đến tháng 9 dương lịch, năng suất năm đầu tiên đạt 2-2,5kg/sào/ngày, từ năm thứ ba trở đi có thể đạt từ 3-5kg/sào/ngày. Với giá thị trường hiện nay khoảng 70.000-100.000 đồng/kg măng thương phẩm, đối với gia đình bà Điệu, 2ha trồng măng tây xanh một ngày có thể thu từ 70-80kg sau khi trừ chi phí sản xuất, gia đình bà thu về khoảng 3 triệu đồng. Như vậy, rõ ràng lợi nhuận thu được từ cây măng tây xanh này so với trồng lúa và các loại hoa màu khác là rất lớn. Đến nay xã Hồng Thái đang mở rộng chuyển đổi cây trồng, phủ xanh cây măng tây xanh vùng đất bãi ven sông, phát triển măng tây thành cây trồng mũi nhọn, mở ra hướng phát triển kinh tế hộ gia đình ở địa phương.
Quý khách có nhu cầu về cây giống, hỗ trợ kỹ thuật trồng và liên kết tiêu thụ sản phẩm liên hệ theo địa chỉ:
Hộ sản xuất và kinh doanh măng tây xanh Sông Hồng
Đại diện: Bà Phan Thị Điệu
Địa chỉ: thôn Duyên Yết, xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
Điện thoại: 01697382512