Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại phiên chất vấn
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Lan Hương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Đại cho biết, với việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp muốn đạt hiệu quả cao nhất phải hình thành các liên kết chuỗi. Hiện, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp không nhiều. Năm 2022, có 526 doanh nghiệp, đến năm 2023, số doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp giảm còn 422 doanh nghiệp.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Đại trả lời chất vấn
Tuy nhiên, đặc thù của nông nghiệp Thủ đô là manh mún, ở các huyện hình thành nhiều mô hình các hộ gia đình sản xuất trang trại với trên 1.600 trang trại. Hà Nội đã hình thành 588 vùng sản xuất chuyên canh tập trung, trong đó, có 172 chuỗi và 406 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dựng công nghệ cao. Con số này cao so với cả nước nhưng tính về tỷ lệ không cao do doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp chưa nhiều.
Với số lượng người dân nông thôn hơn 4 triệu dân nên diện tích đất nông nghiệp/hộ dân manh mún. Bên cạnh đó, giá đền bù GPMB so với các dự án khác không cao nhưng để thực hiện dự án phát triển nông nghiệp khi thu hồi đất thì giá lại rất cao và rủi ro khi đầu tư lớn.
Cùng với đó, các cơ chế chính sách hiện nay không thu hút đầu tư được, Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 08/2023-HĐND ngày 4/7/2023 quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp thành phố Hà Nội. Mặc dù so với các nghị quyết trước về hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã tương đối mạnh mẽ, tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Hà Nội mới đạt 46% do tập trung theo hướng hữu cơ, sinh thái, trong đó, các dự án trực tiếp có công nghệ cao từng phần. Ví dụ như sản xuất rau không làm toàn bộ thủy canh mà làm trên đất nhưng áp dụng công nghệ kỹ thuật, cảm biến tưới nước tự động...
Thừa nhận việc đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao còn thấp có trách nhiệm của ngành, Giám đốc Sở Nguyễn Xuân Đại cho biết, vừa qua, Sở đã tham mưu UBND Thành phố trình HĐND Thành phố ban hành Nghị quyết 08/2023-HĐND; đồng thời, đã đưa vào Quy hoạch Thủ đô 4 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mục tiêu đến năm 2030 thực hiện được 2 khu.
Theo Luật Thủ đô 2024 đã giao cho Thành phố quyết định khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và phê duyệt quy chế thực hiện trong khu nông nghiệp đó. Luật Thủ đô có các nội dung tháo gỡ khó khăn trong kêu gọi đầu tư, trong đó cho phép đưa vào sử dụng hằng năm với diện tích đất bãi ở 209 xã. Do đó, dự kiến, đến tháng 7/2025 và tháng 12/2025, Sở sẽ báo cáo UBND, trình HĐND Thành phố thông qua nghị quyết để tháo gỡ khó khăn trong việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cũng như chuyển một phần sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sinh thái kết hợp du lịch, trải nghiệm, một phần sản xuất giống và đặc biệt như chế biến ứng dụng công nghệ cao.
Làm rõ thêm nội dung này, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, qua quá trình triển khai thực hiện với phương châm phát triển nông nghiệp của Thủ đô phải khác với các địa phương khác, tập trung vào đa lĩnh vực và mang lại giá trị cao nhất. Trên cơ sở như vậy, Thành phố đã đề nghị chuyển mô hình đầu tư theo hướng nông nghiệp hữu cơ "mùa nào thức ấy"; chỉ tập trung vào phát triển lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao với một số sản phẩm, lĩnh vực, địa bàn phù hợp. Thành phố đã chỉ đạo ngành nông nghiệp rà soát, hoàn thiện, cập nhật vào quy hoạch.
Thời gian tới, Thành phố sẽ tập trung chỉ đạo các mô hình đa dạng, phát triển lĩnh vực nông nghiệp kết hợp du lịch.