Qua tìm hiểu tại xã Đội Bình (huyện Ứng Hòa), phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy, nhiều nông dân không mặn mà với đồng ruộng nhưng vẫn muốn giữ đất. Để giải quyết thực trạng này, xã đã huy động sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể, như: Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân và Hợp tác xã Nông nghiệp phát triển các mô hình tích tụ ruộng đất. Những hợp tác xã tiên phong trong vấn đề này, là: Đoàn Kết và Nghi Lộc, đã xây dựng được các mô hình canh tác quy mô lớn từ 10ha đến 40ha.
Theo Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đội Bình Đặng Thị Phương, hội đã triển khai mô hình trồng giống lúa nếp cái hoa vàng trên quy mô 3 mẫu tại cánh đồng Cừ, thôn Xuân Quang. Kết quả, vụ mùa năm 2024 thắng lợi cả về năng suất và giá trị kinh tế. Mô hình này đã góp phần lan tỏa phong trào tích tụ ruộng đất tại Đội Bình, giúp nông dân gắn bó hơn với sản xuất nông nghiệp.
Chính quyền xã cũng đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ nông dân tích tụ ruộng đất, hỗ trợ vay vốn ưu đãi, nạo vét kênh tiêu, mở các lớp tập huấn kỹ thuật và khuyến khích cơ giới hóa sản xuất. Bên cạnh đó, các hộ tham gia tích tụ ruộng đất còn được trợ giá sản xuất, giúp giảm chi phí và tăng lợi nhuận. Phó Chủ tịch UBND xã Đội Bình Dư Đình Quyền cho rằng, việc tích tụ ruộng đất tại Đội Bình là cả một quá trình dài, đòi hỏi sự kiên trì và đồng thuận từ người dân. Xã đã tổ chức mô hình điểm, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, từ đó tạo được lòng tin và sự ủng hộ rộng rãi. Giờ đây, đồng ruộng không còn bị bỏ hoang, thay vào đó là những cánh đồng lúa xanh tốt, tạo nên sức sống mới cho nông thôn.
Tương tự, tại thôn Đặng Giang (xã Hòa Phú, huyện Ứng Hòa), các mô hình tích tụ ruộng đất cũng đạt được những kết quả ấn tượng. Gia đình ông Nguyễn Văn Tân đã tích tụ 7,9ha đất để trồng sen bách diệp, một giống sen có giá trị kinh tế cao và phù hợp với điều kiện địa phương. Trong khi đó, gia đình ông Đào Văn Bộ tích tụ 16ha và gia đình bà Đỗ Thanh Huyền tích tụ 11,8ha, chuyển đổi từ cấy lúa truyền thống sang trồng lúa nếp cái hoa vàng, góp phần đa dạng hóa sản phẩm gạo chất lượng cao của địa phương.
Ông Nguyễn Văn Tân chia sẻ: “Việc tích tụ ruộng đất giúp chúng tôi tối ưu hóa sản xuất, thu nhập ổn định hơn. Với diện tích lớn, chúng tôi có thể triển khai sản xuất chuyên sâu, tiết kiệm chi phí và nâng cao lợi nhuận. Nhờ vậy, nhiều gia đình đã tự tin gắn bó lâu dài với nghề nông nghiệp”.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch cho biết, mô hình tích tụ ruộng đất tại huyện Ứng Hòa được triển khai dưới nhiều hình thức khác nhau, phù hợp với nhu cầu của nông dân. Một số hộ đã tự vận động các hộ liền kề cho mượn, thuê hoặc thầu ruộng để canh tác quy mô lớn. Các hợp tác xã đóng vai trò nòng cốt, kết hợp với chính quyền thuê, thầu lại ruộng từ các hộ không có nhu cầu sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện xây dựng những cánh đồng mẫu lớn, thuận lợi cho cơ giới hóa sản xuất.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Văn Định, việc tích tụ ruộng đất là giải pháp tất yếu để hình thành các cánh đồng lớn, tăng năng suất và giá trị sản xuất. Huyện đã hỗ trợ liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, kỹ thuật để khuyến khích nông dân giữ đất, phát triển bền vững.
Qua thực tiễn, mô hình tích tụ ruộng đất ở Ứng Hòa đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Nhờ các chính sách hỗ trợ toàn diện từ huyện và xã, nhiều hộ dân giảm bớt chi phí đầu tư, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, ổn định đời sống. Các mô hình tích tụ ruộng đất quy mô lớn còn giúp thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư nông nghiệp, hướng đến nền nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị đất đai.
“Thời gian tới, huyện Ứng Hòa tiếp tục đồng hành cùng những nông dân có tâm huyết với nghề, đồng thời khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp có năng lực tài chính và kỹ thuật. Mục tiêu là phát triển nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả và tránh tình trạng bỏ hoang ruộng đất, gây lãng phí”, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Văn Định nhấn mạnh.