Đồng chí Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT và đồng chí Đỗ Hoàng Anh Châu - Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ đồng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện Lãnh đạo, chuyên viên các phòng chuyên môn và đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, đại diện Sở Nội vụ Hà Nội, các phòng Nội vụ, Kinh tế, Kế hoạch-Tài chính thuộc UBND huyện Chương Mỹ và Giám đốc, Phó Giám đốc và Trưởng, Phó phòng thuộc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Chương Mỹ.
Ông Tạ Văn Tường - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Bà Trần Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Chương Mỹ báo cáo đánh giá việc thành lập thí điểm Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Chương Mỹ đã bước đầu tinh gọn được bộ máy tổ chức và địa điểm làm việc, chỉ đạo nhất quán, tập trung, toàn diện về phát triển nông nghiệp từng bước tạo tiền đề, điều kiện để triển khai các chính sách phát triển nông nghiệp một cách đồng bộ, tập chung theo hướng chuyên môn hóa. Trong 6 tháng thực hiện việc thí điểm, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của UBND Thành phố, các Sở ngành liên quan và UBND huyện, Trung tâm đã hoàn thành tốt các chức năng nhiệm vụ được giao, thực hiện các chương trình chuyên môn nghiệp vụ thuận lợi, đúng kế hoạch, tiến độ và yêu cầu.
Công tác chỉ đạo sản xuất và bảo vệ thực vật: Thực hiện công tác trồng trọt và bảo vệ thực vật vụ Xuân năm 2023. Tổng hợp diện tích cây trồng vụ Xuân toàn huyện; Tham mưu UBND huyện về việc hỗ trợ thóc làm mồi diệt chuột cho các xã, thị trấn diệt chuột bảo vệ sản xuất vụ Xuân năm 2023; Tiếp nhận và cấp 1.074,8kg thuốc Antimice 3DP cho cho các xã, thị trấn để diệt chuột. Triển khai, hướng dẫn, giám sát kỹ thuật diệt chuột tại các xã, thị trấn. Tổng hợp kết quả tuần lễ diệt chuột đồng loạt bảo vệ sản xuất nông nghiệp vụ Xuân và sức khỏe cộng đồng từ ngày 03-10/3/2023. Kết quả ước diệt được khoảng 654.980 con chuột trong tuần lễ diệt chuột; Triển khai 32 lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại lúa Xuân tại 32 xã, thị trấn theo kế hoạch; Tổng hợp báo cáo tình hình sinh vật hại hàng tuần; Tiến hành làm phát dục bọ rầy và sâu đục thân hại lúa; Triển khai thực hiện mô hình thử nghiệm sử dụng bẫy dính màu để hạn chế sâu hại rau tại xã Đại Yên; Triển khai 10 lớp tập huấn kỹ thuật an toàn khi sử dụng thuốc BVTV tại các xã, thị trấn trọng điểm.
Công tác chăn nuôi và thú y: Hướng dẫn các cơ sở sản xuất lợn giống tại địa phương tăng cường việc nhân giống, cung ứng lợn giống có chất lượng và an toàn dịch bệnh cho người chăn nuôi để thực hiện việc tái đàn lợn; Công tác quản lý giám sát dịch bệnh được duy trì thường xuyên đến hộ chăn nuôi, thôn, xóm trên địa bàn các xã, thị trấn. Kịp thời phát hiện và khống chế, khoanh vùng ổ dịch; Triển khai vệ sinh, khử trùng và tiêu độc môi trường đợt sau tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023; Triển khai phun diệt ruồi và vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm đợt sau tiêm phòng; Hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Tổ chức thông tin tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nhất là thông qua hệ thống truyền thanh về các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh (cách ly, tiêm phòng, vệ sinh, sát trùng bằng hóa chất, vôi bột...), quản lý tái đàn lợn, tăng đàn lợn; Triển khai xong 32 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi An toàn sinh học và phòng chống dịch bệnh đàn gia súc, gia cầm năm 2023 tại 32 xã, thị trấn theo kế hoạch.
Công tác khuyến nông thực hiện phối hợp tốt với Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai đôn đốc thu nợ quá hạn đối với các hộ vay vốn các năm 2011, 2014, 2018, 2019 và kiểm tra việc sử dụng quỹ khuyến nông đối với các hộ vay vốn trên địa bàn huyện; đang hoàn thiện hồ sơ vay vốn cho 11 hộ với tổng số tiền là 4.350.000.000 đồng (gồm 05 hộ vay cơ giới hóa và 06 hộ vay sản xuất).
Tuy nhiên, hoạt động của Trung tâm còn có một số tồn tại, khó khăn: Thay đổi trong cơ chế quản lý, công việc, vị trí việc làm còn một số vấn đề phát sinh cần được từng bước giải quyết; Do mới đi vào hoạt động nên các văn bản hỗ trợ, hướng dẫn còn chưa đầy đủ, kịp thời; Điều kiện trang thiết bị, vật tư, máy móc đã cũ, hư hỏng nhiều chưa được thanh lý và cấp mới.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tích cực thảo luận làm rõ những tồn tại, hạn chế trong triển khai nhiệm vụ, hoạt động của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chương Mỹ, và đưa ra những giải pháp, đề xuất nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc để tập trung hoàn thành kế hoạch 6 tháng cuối năm 2023.
Ông Đỗ Hoàng Anh Châu - Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ
Phát biểu tại hội nghị, ông Đỗ Hoàng Anh Châu-Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ đã chỉ đạo Trung tâm ngay sau khi thành lập thí điểm, đã chủ động, bám sát chức năng nhiệm vụ, quyền hạn để xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động; kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền, cấp ủy Trung tâm thông suốt, đồng bộ, nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, các phòng, ban ngành của huyện và các xã, thị trấn trong thực hiện nhiệm vụ. Thời gian qua, Trung tâm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, do đơn vị mới thí điểm thành lập cần có thêm thời gian hoạt động thực tiễn để đánh giá hiệu quả quản lý.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, ông Tạ Văn Tường-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT ghi nhận kết quả Trung tâm đã đạt được trong 6 tháng đầu năm, đồng thời đề nghị UBND huyện Chương Mỹ phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Trung tâm tập trung hoàn thành phương hướng 6 tháng cuối năm; quan tâm đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất để thực hiện hiện tốt các hoạt động sự nghiệp về khuyến nông, chăn nuôi, thú y, trồng trọt, bảo vệ thực vật, các dịch vụ thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn. Tổ công tác rà soát, đánh giá sơ kết việc thành lập Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện thực hiện tổng hợp các ý kiến thảo luận chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong quá trình hoạt động của Trung tâm, đề xuất, báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố.