Đồng chí Nguyễn Mạnh Phương - Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT và đồng chí Hoành Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Mê Linh đồng chủ trì hội nghị; tham dự Hội nghị gồm đại diện Lãnh đạo, chuyên viên các phòng chuyên môn và đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, đại diện Sở Nội vụ Hà Nội, các phòng Nội vụ, Kinh tế, Kế hoạch-Tài chính thuộc UBND huyện Mê Linh và Giám đốc, Phó Giám đốc và Trưởng, Phó phòng thuộc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Mê Linh.
Bà Nguyễn Thị Chinh - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Mê Linh báo cáo đánh giá việc thành lập thí điểm Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Mê Linh là đã bước đầu đã tinh gọn bộ máy tổ chức, tinh gọn địa điểm làm việc (từ 03 địa điểm với 12 phòng nay chỉ còn 04 phòng làm việc, giảm 02 đại điểm và 08 phòng làm việc), chỉ đạo nhất quán, tập trung, toàn diện về phát triển nông nghiệp từng bước tạo tiền đề, điều kiện để triển khai phát triển sản xuất nông nghiệp một cách đồng bộ, tập trung. Trong 6 tháng thực hiện việc thí điểm, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của UBND Thành phố, các Sở ngành liên quan và UBND huyện đã nâng cao tính chủ động của Trung tâm, cũng như năng lực, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của mạng lưới kỹ thuật nông nghiệp cấp huyện.
Công tác trồng trọt và bảo vệ thực vật: thực hiện hướng dẫn nhân dân biện pháp phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng, tổ chức chiến dịch diệt chuột vụ Xuân trên đại bàn. Bám sát điều tra, dự tính dự báo chính xác, kịp thời sâu bệnh hại cây trồng đặc biệt tại các vùng sản xuất rau an toàn, vùng hoa tập trung. Hiện nay công tác sản xuất rau an toàn từng bước đi vào nề nếp, sản phẩm rau sản xuất ra đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cung cấp cho người dân Thủ đô; Tổ chức 03 lớp tập huấn về thâm canh lúa bằng phương pháp SRI; Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện kiểm tra, khảo sát, chọn điểm, chọn hộ và phối hợp tập trung hướng dẫn chỉ đạo triển khai các mô hình trình diễn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Mê Linh; Phối hợp với một số doanh nghiệp sản xuất giống, phân bón, vật tư nông nghiệp để khảo nghiệm, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật từ nguồn xã hội hóa như: mô hình khảo nghiệm phân bón hữu cơ 01 lần trong sản xuất lúa Xuân tại xã Thanh Lâm với quy mô 10ha, liên kết tiêu thụ lúa gạo JO2.
Công tác chăn nuôi-thú y: triển khai, hướng dẫn UBND các xã, thị trấn quy trình triển khai kế hoạch tiêm phòng đợt 1/2023, 04 đợt phun khử trùng tiêu độc môi trường; Tổ chức cấp phát vật tư, vắc xin tiêm phòng cho các xã, thị trấn tổ chức tiêm phòng kịp thời, đúng tiến độ kế hoạch giao; Phân công cán bộ kiểm tra, giám sát, đôn đốc các xã, thị trấn tổ chức tiêm phòng, phun khử trùng tiêu độc cho đàn gia súc, gia cầm; Giám sát dịch bệnh chặt chẽ đến từng hộ chăn nuôi trên địa bàn, thông tin báo cáo, điều tra xác minh kịp thời; Tổ chức lấy mẫu 40 mẫu phân, nước thải trong các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện giám sát sự lưu hành của vi rút Dịch tả lợn Châu Phi. Kết quả tỷ lệ bảo hộ của vắc xin đạt trên 80%.
Công tác khuyến nông: thực hiện phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai các chương trình tập huấn chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tổ chức kiểm tra, khảo sát, chọn điểm chọn hộ triển khai 04 mô hình gồm: mô hình 02 ha hoa cúc tại xã Tự Lập và xã Chu Phan; 10ha ngô sinh khối tại xã Chu Phan và 10ha khoai tây thương phẩm tại xã Liên Mạc..
Tuy nhiên, có một số tồn tại, khó khăn: Một số chế độ, quyền lợi đối với viên chức của đơn vị bị ảnh hưởng sau khi hợp nhập, đã tác động đến tinh thần làm việc của người lao động (đã có 03 viên chức xin nghỉ việc); Hoạt động cung ứng dịch vụ nông nghiệp của đơn vị còn khó khăn, do chưa có danh mục sự nghiệp công lĩnh vực nông nghiệp và đơn giá, sản phẩm dịch vụ nông nghiệp do Trung tâm cung ứng trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật của ngành nông nghiệp; cơ sở vật chất thiếu về trụ sở làm việc riêng, chưa có địa điểm cung ứng dịch vụ và trưng bày giới thiệu nông sản. Chế độ chính sách đội ngũ nhân viên chăn nuôi - thú y cấp xã còn thấp.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ những tồn tại, hạn chế trong triển khai nhiệm vụ, hoạt động của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh, và đưa ra những giải pháp, đề xuất nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc để tập trung hoàn thành kế hoạch 6 tháng cuối năm 2023.
Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Anh Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Mê Linh cho biết việc thành lập thí điểm Trung tâm là chủ trương đúng đắn, thực hiện tinh gọn, giảm đầu mối, sử dụng kinh phí tiết kiệm, các hoạt động chỉ đạo thống nhất hơn; Trung tâm đã chủ động, bám sát chức năng nhiệm vụ, quyền hạn để xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động; kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền, cấp ủy Trung tâm thông suốt, đồng bộ, nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho nông dân; tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ tiến tới thực hiện cơ chế tự chủ; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, các phòng, ban ngành của huyện và các xã, thị trấn trong thực hiện nhiệm vụ; đề nghị các cơ quan chuyên môn tham mưu UBND Thành phố ban hành đơn giá, dịch vụ nông nghiệp trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật của ngành nông nghiệp và cơ chế triển khai thực hiện để huyện Mê Linh có cơ sở chỉ đạo.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Phương-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT ghi nhận kết quả Trung tâm đã đạt được trong 6 tháng đầu năm, đồng thời đề nghị UBND huyện Mê Linh phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Trung tâm tập trung hoàn thành kế hoạch hoạt động 6 tháng cuối năm, chú trọng tới cung cấp dịch vụ công, tiếp tục thực hiện hiện tốt các hoạt động sự nghiệp về khuyến nông, chăn nuôi, thú y, trồng trọt, bảo vệ thực vật, các dịch vụ thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn. Thực hiện tổng hợp các ý kiến thảo luận chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong quá trình hoạt động của Trung tâm để báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố.