Nhãn hàng bánh sữa Ba Vì
Nằm về phía Tây Bắc của thủ đô Hà Nội, Huyện Ba Vì có tổng diện tích tự nhiên 421,8 km2, dân số khoảng 31.000 người. Ba Vì được thiên nhiên ưu đãi với nguồn tài nguyên đất, nước, khí hậu ôn hòa, là vùng đất thích hợp cho việc phát triển sản xuất nhiều loại cây, con có giá trị. Năm 2022, giá trị sản xuất nhóm ngành Nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt hơn 12.700 tỷ đồng. Diện tích gieo trồng hằng năm gần 22.600 ha. Giá trị sản xuất trên 01 ha canh tác đạt 198 triệu đồng.
Cùng với đó, chăn nuôi phát triển ổn định. Tổng đàn gia súc trên 328.300 con; đàn gia cầm 6 triệu con; Diện tích nuôi trồng thủy sản 2.600ha. huyện có 10 HTX nuôi trồng thủy sản, trong đó, có 4 vùng nuôi trồng tập trung (xã Cổ Đô, Phú Đông, Vạn Thắng, Cẩm Lĩnh); khoảng 200 lồng bè nuôi cá tập trung tại các xã ven sông Đà, sông Hồng và hồ Suối Hai. Sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản theo hướng hàng hóa, trên địa bàn đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao, điển hình như mô hình trồng bưởi kết hợp nuôi gà thả vườn ở xã Vật Lại, trồng cam xã Khánh Thượng, nuôi bò sữa tại các xã Minh Châu, Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài, mô hình nuôi Đà điểu xã Vân Hòa, Tản Lĩnh ...
Tính đến nay, toàn huyện hiện có 102 hợp tác xã đang hoạt động, trong đó, có 14 hợp tác xã liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, 9 hợp tác xã ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất và 7 hợp tác xã được cấp các loại giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGap và vệ sinh an toàn thực phẩm. Trên địa bàn huyện có 125 trang trại, 20 làng nghề được công nhận.
Với nhiều tiềm năng và lợi thế để đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP đem lại thương hiệu và giá trị kinh tế cao cho địa phương, được nhiều thị trường của thủ đô Hà Nội và các huyện, tỉnh lân cận ưa chuộng. Nổi bật gồm 5 sản phẩm: Sữa, chè, khoai lang Đồng Thái, Gà đồi, Miến dong Minh Hồng đã được Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể.
Huyện Ba Vì xác định việc đặt mục tiêu phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, phát triển nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, đẩy mạnh chương trình OCOP có vai trò đặc biệt quan trọng, là hạt nhân để đẩy mạnh các sản phẩm có chất lượng cao, khối lượng lớn, có giá trị gia tăng cao. Từ đó, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế nông thôn, giúp cho đời sống người dân ở nông thôn được cải thiện, UBND huyện Ba Vì đã tập trung triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; đến nay, các địa phương trên địa bàn huyện Ba Vì đã được UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định công nhận 138 sản phẩm OCOP, trong đó, có 60 sản phẩm 4 sao, 78 sản phẩm 3 sao.
Mật ong núi Ba Vì
Năm 2023, huyện phấn đấu có thêm 20 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP. Các sản phẩm OCOP của huyện gồm nhiều sản phẩm đa dạng như: bầu, mướp, rau cải, mồng tơi của hợp tác xã nông nghiệp Chu Quyến, rau khoai lang, khoai lang Đồng Thái, rau cải ngồng, rau húng, bưởi Lê của hợp tác xã rau quả sạch Huy Hùng; bưởi Yên Bài; Vật Lại….các loại sản phẩm chế biến như: sữa tươi tiệt trùng, sữa tươi thanh trùng, sữa chua uống các vị, sữa chua nếp cẩm, kaka thức uống dinh dưỡng sữa cacao lúa mạch của Công ty cổ phần sữa Ba Vì; sữa chua các vị, caramen của hợp tác xãđầu tư Nông trại xanh và Phát triển chăn nuôi…
Hiện nay, huyện Ba Vì tiếp tục bám sát chủ trương về phát triển nông nghiệp nông thôn cũng như phát huy được thế mạnh của địa phương, trong định hướng phát triển, huyện Ba Vì đang tập trung phát huy thế mạnh sẵn có về tiềm năng như: nghề chăn nuôi bò thịt, bò sữa, chế biến sữa, đà điểu, trồng và chế biến chè, cây thuốc Nam; mở rộng các cây ăn quả có múi và nguồn nhân lực, vật lực, củng cố hoàn thiện mẫu bao bì sản phẩm, mức chất lượng; đồng hành cùng với các chủ thể sản phẩm, xác định mục tiêu thị trường mà sản phẩm hướng đến để có kế hoạch sản xuất cho phù hợp, từ đó, khơi dậy nội lực, sự tâm huyết của mỗi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc sản xuất, tạo ra giá trị sản phẩm, dịch vụ đảm bảo nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, huyện Ba Vì cũng đang hướng đến phát triển ngành dịch vụ du lịch gắn với nông nghiệp xanh, phát huy nền tảng văn hóa tinh thần, văn hóa truyền thống của các dân tộc, các lễ hội, các sản phẩm văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá của huyện đến du khách.