Nâng giá trị cho nông sản Thủ đô
Để thúc đẩy phát triển nông sản, đặc sản, Hà Nội đang tập trung hỗ trợ hợp tác xã, người dân xây dựng, quảng bá thương hiệu cho sản phẩm đặc trưng của địa phương gắn với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Qua đó nâng cao giá trị nông sản và mở rộng thị trường.

 

Gian hàng giới thiệu các sản phẩm gạo đặc sản của Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hưng (huyện Thanh Oai). Ảnh: Ánh Ngọc

Có nhãn hiệu vẫn khó tiêu thụ

Chủ tịch Hội Chăn nuôi và Tiêu thụ gà đồi Ba Vì Trần Đình Thành chia sẻ, nhờ có nhãn hiệu, tem nhãn nhận diện nguồn gốc xuất xứ, tem kiểm soát giết mổ mà giá bán của sản phẩm gà đồi Ba Vì luôn ổn định và cao hơn 10% so với thời điểm trước khi chưa có nhãn hiệu. Hiện, sản phẩm “Gà đồi Ba Vì” cũng đã có mặt trong hệ thống các cửa hàng nông sản thực phẩm an toàn, một số siêu thị tại Hà Nội. Tuy nhiên, lượng hàng tiêu thụ qua kênh liên kết với DN còn khiêm tốn, phần lớn đầu ra của sản phẩm vẫn chủ yếu bán qua thương lái, giá cả bấp bênh...

Tương tự, nhãn chín muộn là một trong 4 loại cây trồng chủ lực của Hà Nội với diện tích lên tới hơn 600ha, tập trung tại các huyện: Quốc Oai, Hoài Đức, Chương Mỹ, Mỹ Đức… Nhãn chín muộn Hà Nội đã được xuất khẩu sang các thị trường: Mỹ, Australia, Malaysia.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp xã Đại Thành (huyện Quốc Oai) Trần Anh Khoa, Đại Thành có hơn 1.600 hộ trồng nhãn, diện tích 215ha, trong đó, 60ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng ước đạt 2.500 tấn quả/vụ. Sản phẩm nhãn chín muộn đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) công nhận nhãn hiệu tập thể. Song đến nay, loại đặc sản này vẫn loay hoay với bài toán tiêu thụ vì số lượng DN liên kết xuất khẩu rất ít, nông dân phải tự tìm kênh phân phối cho sản phẩm.

Theo báo cáo đánh giá của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện toàn TP có 40 nhãn hiệu nông sản được bảo hộ, trong đó có 25 sản phẩm trồng trọt, 15 sản phẩm chăn nuôi. Mặc dù Hà Nội có nhiều nông sản đặc sản, song số lượng sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu còn khiêm tốn. Nhiều hộ nông dân chưa chú trọng việc bảo vệ thương hiệu. Mặt khác, sản xuất nông sản đặc sản địa phương còn manh mún, chưa tạo thành vùng tập trung để thu hút DN xây dựng nhà máy sơ chế, chế biến phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại

Để phát huy hiệu quả kinh tế từ nông sản, đặc sản địa phương, nhiều đại diện chủ sở hữu cho rằng, cùng với tuyên truyền để nông dân chăn nuôi đặc sản gà đồi theo hướng an toàn, sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường, rất cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm trên các kênh bán hàng điện tử. Mặt khác, các cơ quan chức năng của TP cần hỗ trợ hợp tác xã, nông dân trong liên kết với DN, tăng cường tiêu thụ qua hợp đồng, nâng cao giá trị sản phẩm...

Ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho hay, huyện đã và đang hỗ trợ các đơn vị, hợp tác xã khai trương các điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm nông sản, đặc sản của địa phương như: Gạo thơm Bối Khê, nếp cái hoa vàng Tam Hưng, giò chả Ước Lễ… Thời gian tới, cùng với quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất và tiêu thụ, Thanh Oai tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, nhất là thương mại điện tử nhằm quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí,
Hà Nội tiếp tục tập trung phát triển Chương trình OCOP gắn với sản phẩm chủ lực từng địa phương, làng nghề. Trên cơ sở đề xuất của các địa phương, Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng hỗ trợ nông dân quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho đặc sản địa phương qua hình thức chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, nâng cao giá trị nông sản gắn với địa danh.

Về giải pháp chiến lược, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, để nâng cao đời sống cho người dân khu vực nông thôn, Hà Nội tập trung phát triển sản xuất các loại đặc sản địa phương gắn với Chương trình OCOP. Thời gian tới, TP ưu tiên lựa chọn và phát triển sản phẩm lợi thế nhằm phát huy bản sắc, khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của người dân, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Các địa phương cần tập trung tuyên truyền để người dân, các DN hiểu giá trị sản phẩm địa phương; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, ứng dụng thương mại điện tử nhằm mở rộng kênh phân phối. Trên cơ sở đó tìm kiếm, huy động các nguồn kinh phí đầu tư.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ

Nguồn Báo kinh tế Đô thị

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 3436
Tổng lượng truy cập: 22087799