Nền nông nghiệp nước ta nói chung, nông nghiệp thành phố Hà Nội nói riêng đang đứng trước nhiều thách thức không nhỏ, quá trình thâm canh nông nghiệp đang dẫn đến việc giảm đa dạng về cảnh quan nông nghiệp, suy thoái đất đai và suy giảm đa dạng sinh học từ đó ảnh hưởng đến sức khỏe cho nông dân và người tiêu dùng. Chính vì vậy, phát triển nông nghiệp gắn với mô hình du lịch nông nghiệp, sinh thái đã được thành phố Hà Nội quan tâm thực hiện và đạt được nhiều kết quả tốt. Đây là một trong những hướng đi mới của nông nghiệp thành phố nhằm nâng cao giá trị sản xuất cũng như thu nhập của người dân vùng nông thôn.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội có 11 trang trại có hoạt động kinh doanh theo hướng du lịch, trải nghiệm sinh thái nông nghiệp thuộc 7 quận, huyện gồm: Thanh Trì, Thường Tín, Phúc Thọ, Ba Vì, Chương Mỹ, quận Long Biên và Hà Đông. Đồng thời có 4 HTX chuyên ngành kết hợp giáo dục, du lịch trải nghiệm tại 4 huyện, thị xã: HTX rau hữu cơ Thanh Xuân huyện Sóc Sơn, HTX rau Đường Lâm Sơn Tây, HTX trải nghiệm xã Đồng Tiến Ứng Hòa, HTX Hồng Vân huyện Thường Tín. Các HTX nông nghiệp thành lập dựa trên nền tảng hoạt động nông nghiệp kết hợp làm du lịch, thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm làm giàu thêm kiến thức sống và nhất là được tự tay thu hái, thưởng ngoạn những sản phẩm đặc sản của địa phương. Loại hình phát triển này đã thu hút một số lượng lớn lao động trong vùng, góp phần tạo công ăn việc làm và tăng thêm thu nhập cho bà con địa phương. Số lao động trong các trang trại trung bình có 20 người/trang trại, chủ yếu là lao động thuê ngoài để phục vụ các hoạt động kinh doanh liên quan đến lĩnh vực du lịch. Còn lao động trong các HTX nông nghiệp chủ yếu là thành viên của HTX, trung bình mỗi HTX có 20 lao động đến 100 lao động thường xuyên phục vụ cho các hoạt động dịch vụ của HTX và các dịch vụ phục vụ khách du lịch như hướng dẫn thực hành hoạt động nông nghiệp: Trồng, chăm sóc rau, cày bừa hay gặt lúa nước và các hoạt động liên quan đến sản xuất nông nghiệp truyền thống…Bình quân doanh thu trang trại du lịch năm 2020 đạt 2,5 tỷ đồng/trang trại.
Một số mô hình nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch điển hình của Hà Nội
Hợp tác xã hoa, cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân: Năm 2014, xã Hồng Vân, huyện Thường Tín đã thành lập mô hình HTX hoa cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân nhằm liên kết các hộ nông nghiệp để sản xuất theo hướng chuyên canh. HTX phát triển nhiều mô hình, trong đó có: Chăn nuôi theo tiêu chuẩn Vietgap, hoa cây cảnh, rau an toàn. Các mô hình hoạt động hiệu quả dưới sự hỗ trợ của HTX trong xây dựng thương hiệu, lo các hành lang pháp lý về xây dựng chất lượng sản phẩm hợp quy với cơ quan chức năng, hỗ trợ kỹ thuật cho các thành viên, lên kế hoạch sản xuất hoa, cây cảnh cho các thành viên để mỗi hộ sản xuất một loại theo năng lực sở trường. Tận dụng lợi thế trên địa bàn xã có 2 làng được UBND thành phố Hà Nội công nhận là "làng nghề sinh vật cảnh" và điểm "du lịch làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân", HTX Hồng Vân nhanh chóng triển khai thêm dịch vụ du lịch trải nghiệm trong sản xuất nông nghiệp. Việc sản xuất nông nghiệp chuyên canh trồng hoa và cây cảnh đã tạo ra một phần cảnh quan trên địa bàn xã. HTX đã khai thác được các dịch vụ du lịch trải nghiệm. Quy trình sản xuất theo mô hình trồng hoa, cây cảnh, nuôi thả cá, trồng rau an toàn, đầu tư dịch vụ xe điện du lịch đưa đón du khách tham quan từ mô hình này đến mô hình khác... đã giúp các thành viên trong HTX liên kết, hoạt động theo chuỗi. Cùng với quy hoạch sản xuất hoa cây cảnh gắn với du lịch cộng đồng đã tạo một diện mạo xanh, sạch đẹp cho miền quê này. Hiện tại, với gần 10ha trồng hoa cây cảnh, nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP, mỗi năm hợp tác xã đón khoảng 20.000 lượt khách về tham quan, trải nghiệm với doanh thu từ du lịch đạt hơn 1 tỷ đồng/năm.
Trang trại đồng quê Ba Vì: Trang trại Đồng quê Ba Vì là một điển hình về du lịch sinh thái trải nghiệm. Trang trại có địa hình thiên nhiên nông nghiệp đa dạng (rừng, hồ, ao, suối, sông ngòi) tiêu biểu cho cho nền văn minh lúa nước thuộc châu thổ sông Hồng. Trang trại có có diện tích 2ha, vốn đầu tư 8 tỷ đồng, doanh thu năm 2019 đạt 2 tỷ đồng, có 20 lao động thuê ngoài làm việc tại trang trại. Ở đây xây dựng mô hình trang trại du lịch trải nghiệm nông nghiệp phù hợp cho việc sinh hoạt theo nhóm các gia đình, nhóm bạn, học sinh các cấp đi trải nghiệm hoạt động nông nghiệp; các du khách tham gia trực tiếp vào các hoạt động du lịch nông nghiệp mang đậm dấu ấn văn hóa đồng quê như: Cấy lúa, úp nơm, bắt cá; trồng và hái các loại rau rừng; tự hái và sao chè khô; cho đà điểu, dê, thỏ, bò sữa ăn…
Nông trại Dê trắng: Với diện tích khoảng 12 ha dưới chân núi Ba Vì với phương châm “Nông trại xanh, sống an lành” chuyên nuôi dưỡng, chăm sóc các loại dê sữa. Nông trại với không gian rộng lớn, đa dạng các trang trại gia súc, gia cầm đã phát triển dịch vụ du lịch trải nghiệm nông trại, các tour du lịch nông trại kết hợp thắng cảnh và trải nghiệm thu hút được rất nhiều trường học, du khách tham gia trong năm 2020 thu hút ước được trên 10 nghìn lượt khách, đạt doanh thu trên 2,2 tỷ đồng.
Trang trại Hoa Viên (Thạch Thất, Hà Nội): Hoạt động theo mô hình khép kín từ khâu sản xuất giống, thức ăn chăn nuôi đến tiêu thụ sản phẩm kết hợp với trồng cây tạo vườn du lịch sinh thái du lịch trải nghiệm. Ngoài ra trang trại Hoa Viên còn sở hữu một vùng trồng rau hữu cơ quy mô lớn đầu tiên tại Hà Nội. Tại đây có cả triệu gốc rau rừng với các giống rau quý hiếm như rau sắng (ngót rừng), bò khai (dạ hiến), rau mỏ, rau dền chua đỏ, hoa và củ chuối rừng, măng rừng, sung nếp... Ngoài rau rừng, các loại rau ăn lá, rau ăn củ, quả khác như: Rau chùm ngây, rau ngót, rau cải các loại, hoa thiên lý, rau muống tiến vua, rau lang ngọt, rau dền, mướp hương, bầu, bí, su su... cũng vươn tốt phủ xanh khắp cả một vùng đồi. Đây là mô hình nông nghiệp có hiệu quả và tạo được sản phẩm sạch cho người tiêu dùng. Hiện trang trại vẫn thường xuyên đón tiếp các khách du lịch đi tham quan trải nghiệm.
HTX rau hữu cơ Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn: Tuy lượng khách đến HTX phụ thuộc theo mùa và chủ yếu vào mùa hè và mùa đông nhưng lượng khách trung mỗi năm cũng đạt khoảng từ 35 đoàn - 50 đoàn đến tham quan, trải nghiệm chủ yếu là học sinh các trường mầm non, tiểu học trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận. Doanh thu năm 2019 của HTX đạt 8 tỷ đồng/năm.
Ngoài ra còn có các mô hình nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch điển hình khác như: Đường Lâm (Sơn Tây); Khoang Xanh - Suối Tiên; Khu du lịch Ao Vua; Hồ Tiên Sa, Khu du lịch Đồng Mô (Sơn Tây), hay hồ Quan Sơn (Mỹ Đức); Erahouse (phường Giang Biên, Long Biên). Nhiều hộ nông dân ở xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai cũng bước đầu xây dựng các mô hình sản xuất hoa lan công nghệ cao, hướng tới phát triển chuỗi du lịch nông nghiệp sinh thái. Điển hình là mô hình trang trại trồng hoa lan của gia đình anh Nguyễn Xuân Dưỡng ở thôn Thanh Giang (xã Thanh Cao); vùng bãi xã Kim An, huyện Thanh Oai với diện tích hơn 120ha trồng các loại cây ăn quả như cam Canh, bưởi Diễn, ổi Đài Loan, táo… đã trở thành vùng nông nghiệp sinh thái ven sông Đáy.
Việc phát triển nông nghiệp, làng nghề gắn với du lịch nhằm phục vụ nhu cầu khám phá của du khách và hứa hẹn giúp nâng cao giá trị sản xuất trên địa bàn Thành phố, là hướng đi phù hợp với xu thế của thời đại, đáp ứng nhu cầu của đông đảo du khách muốn tìm hiểu về văn hóa đặc sắc của vùng miền.
Tuy nhiên những khó khăn, vướng mắc mà nông nghiệp sinh thái Hà Nội gặp phải trong thời gian vừa qua bao gồm:
Một là, cơ sở hạ tầng chưa phát triển, chưa đồng bộ. Các doanh nghiệp đầu tư có nguồn vốn hạn chế chỉ đủ để xây dựng cơ sở hạ tầng nội bộ, nhưng cơ sở hạ tầng ở những vùng có các mô hình nông nghiệp sinh thái còn chưa hoàn thiện đặc biệt là hệ thống đường sá, thủy lợi.
Hai là, cơ chế thúc đẩy sự liên kết giữa các hộ gia đình trong vùng nông nghiệp sinh thái chưa rõ ràng, do đó thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các hộ gia đình trong những vùng này nhằm tạo ra một cộng đồng phục vụ nông nghiệp sinh thái gắn liền du lịch.
Ba là, sản phẩm nông nghiệp sinh thái còn chưa phong phú, chưa gắn với bản sắc văn hóa riêng của địa phương, đồng thời chưa có sự gắn kết của các doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp với các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành.
Bốn là, chưa có quy hoạch phát triển nông nghiệp sinh thái trên địa bàn thành phố.
Năm là, thiếu các cơ chế chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển trang trại, đặc biệt là các trang trại hoạt động kinh doanh theo mô hình trang trại kết hợp du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái.
Trên cơ sở thực trạng và khó khăn trong phát triển nông nghiệp sinh thái, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đã phối hợp cùng Học viện Nông nghiệp Việt Nam nghiên cứu Đề án phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và đưa ra một số giải pháp phát triển du lịch sinh thái gắn với du lịch, cụ thể: Giải pháp về quy hoạch; Giải pháp về khoa học công nghệ; Giải pháp thị trường; Giải pháp về cơ chế chính sách; Giải pháp về đất đai nhằm giúp cho du lịch sinh thái tại địa phương phát triển bền vững./.