Anh Ngô Minh Trưởng, chủ vườn hoa lan ứng dụng công nghệ cao ở xã Mỹ Hưng cho biết, gia đình anh đã đầu tư hơn 6 tỷ đồng cải tạo, san lấp và xây dựng hệ thống nhà lưới, nhà màng cho việc trồng lan. Mô hình có quy mô 3.600m2, trồng giống lan hồ điệp nhập khẩu từ Đài Loan (Trung Quốc). Năm nay, gia đình anh Trưởng trồng 8 vạn cây lan với 20 màu khác nhau phục vụ thị trường Tết. Hệ thống trang thiết bị hiện đại, tự động điều khiển nhiệt độ, ánh sáng... giúp vườn lan tránh được sâu bệnh, phát triển theo ý muốn, tạo hiệu quả cao.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Dương Bá Mẫn nhận xét: Mô hình trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao ở xã Mỹ Hưng là một trong những mô hình hiệu quả, đã chứng minh sự thành công trong nâng cao giá trị canh tác nhờ đầu tư khoa học, công nghệ. Mô hình rất phù hợp với sản xuất nông nghiệp ven đô như huyện Thanh Oai khi đất sản xuất ngày càng thu hẹp. Ở đây, chỉ với 10 sào Bắc Bộ nhưng nhờ ứng dụng công nghệ cao đã mang lợi nhuận hàng tỷ đồng/năm cho mỗi hộ...
Nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam Thủ đô Hà Nội, huyện Thanh Oai được biết đến là vùng đất có nhiều thế mạnh để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, sự phát triển của huyện Thanh Oai chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Việc xây dựng chi tiết các đề án quy hoạch còn chậm triển khai; việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn lúng túng, nhất là các mô hình tạo ra sản phẩm chất lượng cao, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao… chưa nhiều.
Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, theo quy hoạch, huyện Thanh Oai nằm trong hành lang xanh của thành phố Hà Nội, cơ bản là nông nghiệp sinh thái kết hợp làng nghề và cụm đổi mới gắn liền phát triển công nghiệp và dịch vụ, du lịch, bảo vệ giá trị cảnh quan, môi trường sinh thái chất lượng cao, phát triển kinh tế tổng hợp. Huyện đã hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới, đang tập trung xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao gắn với thực hiện các tiêu chí trở thành quận giai đoạn 2025-2030. Do đó, Thanh Oai đã và đang xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế nhanh, bền vững trên nền phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao.
Mặt khác, Thanh Oai tiếp tục duy trì vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, diện tích hơn 3.000ha; vùng trồng cây ăn quả 300ha; vùng rau an toàn 100ha. Huyện cũng tiếp tục duy trì, phát triển các chuỗi liên kết: Chuỗi thực phẩm an toàn A-Z của Hợp tác xã Hoàng Long (xã Tân Ước), chuỗi gạo thơm Bối Khê (xã Tam Hưng), chuỗi trứng vịt Liên Châu (xã Liên Châu); các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Trồng hoa lan nhân cấy mô tại xã Thanh Cao, trồng hoa lan hồ điệp tại xã Mỹ Hưng, trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao tại xã Thanh Cao...
Mới đây, khi làm việc với UBND huyện Thanh Oai, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng gợi mở: Thanh Oai cần làm tốt công tác quy hoạch vùng, trong đó, với nông nghiệp, cần xác định rõ các khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, khu nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, nông nghiệp an toàn... Từ đó, hướng tới xây dựng đô thị xanh, đô thị thông minh, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, đáp ứng các tiêu chí quận sinh thái.