Trên địa bàn thành phố có 738 cơ sở, điểm, hộ giết mổ (62 cơ sở giết mổ trâu bò, 232 cơ sở giết mổ lợn, 429 cơ sở giết mổ gia cầm, 20 cơ sở giết mổ động vật khác). Có 07 cơ sở giết mổ công nghiệp; 58 cơ sở bán công nghiệp; 673 cơ sở giết mổ thủ công. Số lượng gia súc gia cầm giết mổ hàng ngày có cán bộ Thú y kiểm soát với trâu bò khoảng 300 con, lợn ở thời điểm cao khoảng 6 -7 ngàn con, gia cầm 50 - 80 ngàn con. Một số cơ sở giết mổ tập trung lớn như cơ sở giết mổ lợn Thịnh An (Vạn Phúc - Thanh Trì)từ 1.600-1.800 con/ngày; cơ sở giết mổ lợn Minh Hiền (Thanh Oai) khoảng 600 - 800 con/ngày; 03 cơ sở giết mổ tại huyện Chương Mỹ khoảng 600 - 800 con/ ngày; số lợn trên khoảng 60% nhập từ các tỉnh thành về; Cơ sở giết mổ gia cầm Công ty Liên doanh CP (Chương Mỹ) khoảng 35-40 ngàn con/ngày; Công ty Lan Vinh tại (huyện Gia Lâm) khoảng 5 ngàn con/ngày; Có 98 kho lạnh bảo quản sản phẩm động vật; 1.343 chợ, điểm, hộ kinh doanh động vật, sản phẩm động vật; 604 siêu thị, cửa hàng tiện ích có bán sản phẩm động vật. cơ sở chế biến 398 cơ sở; kho bảo quản lạnh sản phẩm động vật 125 kho. Các cơ sở này cung cấp nguồn thực phẩm cho các siêu thị, chợ truyền thống tại Hà Nội và cả các tỉnh lân cận.
Hà Nội là thành phố tiêu thụ lượng lớn sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, trong đó khoảng 60% từ chăn nuôi của Thành phố, còn lại nhập từ các tỉnh, thành phố và nước ngoài. Hiện nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô khoảng 20.000 tấn thịt lợn hơi/ tháng, thịt bò 5.230 tấn/tháng, thịt gà 5.200 tấn/tháng, thực phẩm chế biến 5.050 tấn/tháng…
Những năm qua với sự quan tâm của các cấp các ngành, đặc biệt sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống Thú y từ thành phố đến các quận huyện công tác quản lý động vật và sản phẩm động vật đã có chuyển biến tích cực, cụ thể:
Quản lý và thực hiện nghiêm túc quy trình kiểm soát giết mổ và các cơ sở giết mổ được các cấp chính quyền cho phép. Công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y được đẩy mạnh.
Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm trên địa bàn được thực hiện thường xuyên, đúng quy định của pháp luật và theo phân cấp quản lý; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển chăn nuôi, đồng thời gắn với quy hoạch giết mổ, chế biến gia súc gia cầm trên địa bàn Thành phố theo mô hình chuỗi liên kết sản phẩm. Đến nay UBND Thành phố đã ban hành Quyết định “về việc phê duyệt mạng lưới giết mổ”, theo đó gồm 08 cơ sở giết mổ công nghiệp, 08 cơ sở giết mổ tập trung, 13 cơ sở giết mổ tập trung quy mô nhỏ. Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người chăn nuôi, hộ kinh doanh và cả người tiêu dùng, qua đó mới bảo đảm được vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Phối hợp với các tỉnh, thành phố trong trao đổi thông tin, thông báo dịch bệnh, kết quả công tác kiểm dịch, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật trong công tác quản lý và xử lý vi phạm.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn, tồn tại cần khắc phục như: việc kiểm soát sản phẩm động vật rất khó khăn do chăn nuôi trên địa bàn thành phố và các tỉnh còn nhỏ lẻ (khoảng 60 %), số cơ sở chăn nuôi đủ tiêu chuẩn an toàn dịch bệnh còn ít. Việc kiểm tra kiểm soát hoạt động giết mổ còn gặp nhiều khó khăn do các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, rải rác ở các khu dân cư của các huyện, thị xã; Mặt khác do đặc thù của hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm chủ yếu diễn ra vào ban đêm, trong khi đó, lực lượng cán bộ thú y mỏng. Chính quyền địa phương cơ sở chưa quyết liệt, chưa chú trọng triển khai quy hoạch giết mổ và còn thiếu chỉ đạo, kiểm tra xử lý vi phạm trong quản lý giết mổ, kinh doanh, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật không đảm bảo vệ sinh thú y, mất an toàn thực phẩm. Nhận thức, thói quen của người tiêu dùng còn dễ dãi, dễ chấp nhận sản phẩm giết mổ không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm
Thực trạng tiêu dùng sản phẩm động vật:
Việt Nam hiện là một trong số ít các quốc gia trên thế giới còn thói quen sử dụng thịt nóng - ấm (warm meat) ngay sau giết mổ. Loại thịt này khó kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, dễ nhiễm khuẩn ngay từ khâu giết mổ đến bày bán. Tại Hà Nội, khái niệm thịt mát cũng đã được nhắc đến nhiều nhưng vẫn ít người tiêu dùng sử dụng bởi thói quen sử dụng thịt tươi sống, một số người vẫn quan niệm, thịt mát là sản phẩm không tươi ngon, không dinh dưỡng bằng thịt vừa mới ra từ lò mổ. Thói quen tiêu dùng sản phẩm động vật của người dân chủ yếu vẫn là nhu cầu mua bán từ chợ truyền thống đặc biệt là các loại thịt tươi (thịt nóng).
Do ảnh hưởng của Dịch tả lợn Châu Phi nên nhu cầu nhập khẩu thịt đông lạnh tăng cao, đặt ra yêu cầu cần tăng cường quản lý chặt chẽ chất lượng thịt đông lạnh nhập khẩu để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên tình trạng sản phẩm thịt đông lạnh không rõ thông tin về nước nhập khẩu đang gây khó khăn cho quá trình kiểm tra, kiểm soát. Một số doanh nghiệp sau khi nhập sản phẩm đã xé lẻ, đóng gói để bán cho người tiêu dùng, gây khó cho các ngành chức năng trong quá trình kiểm tra chất lượng sản phẩm.
Vấn đề cần đặt ra là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, khuyến cáo người tiêu dùng nên lựa chọn những sản phẩm thịt cấp đông có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đã qua kiểm dịch. Cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường kiểm tra những lô hàng nhập khẩu, đảm bảo đầy đủ thông tin về nguồn gốc và chất lượng. Những doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm đông lạnh phải phối hợp với sở, ngành thành phố xây dựng điểm kinh doanh thực phẩm an toàn, có phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm để khẳng định hàng hóa bày bán trong hệ thống của đơn vị rõ về xuất xứ, giúp khách hàng nhận biết thực phẩm an toàn và không an toàn.
Thực trạng và nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm tại các chợ truyền thống:
Hiện nay, toàn Thành phố có 454 chợ, gồm 15 chợ hạng I, 65 chợ hạng 2, 311 chợ hạng III, 63 chợ chưa phân hạng. Có 02 chợ đầu mối (chợ đầu mối phía Nam, chợ đầu mối Minh Khai); 04 chợ hoạt động mang tính chất đầu mối (chợ Long Biên, chợ gia cầm Hà Vỹ, chợ cá Yên Sở, chợ đêm Văn Quán …).
Có 310/454 chợ đã được phê duyệt phương án bố trí sắp xếp ngành hàng, 144 chợ chưa được phê duyệt phương án sắp xếp ngành hàng. Qua thực tế kiểm tra, các chợ đều có phân khu riêng biệt cho từng ngành hàng, nhóm hàng, đặc biệt đối với các ngành hàng thực phẩm thịt cá, rau, củ, quả tươi sống và thực phẩm chế biến bao gói sẵn.
Chợ truyền thống giữ được thế mạnh trong kinh doanh thực phẩm, nhất là thực phẩm tươi sống do thói quen tiêu dùng, sự tiện lợi, người mua có nhiều lựa chọn phù hợp với mức thu nhập (được tự do thỏa thuận về giá cả…). Thực phẩm tiêu thụ tại các chợ truyền thống chủ yếu là nhóm hàng thực phẩm tươi sống, thịt gia súc, gia cầm thực phẩm chế biến, thủy hải sản, rau quả, ngũ cốc và kinh doanh đồ ăn chín, dịch vụ ăn uống. Tỷ trọng cung cấp hàng hóa thực phẩm chiếm bình quân khoảng 70% nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.
Một trong những bất cập hiện nay là các chợ phát triển tự phát, tập trung chủ yếu ở nông thôn, cơ sở hạ tầng yếu kém, tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, nguy cơ ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng. Hàng hóa được phân phối tại các chợ rất đa dạng, rất khó khăn trong kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng, nhiều mặt hàng thực phẩm nông sản tươi sống không có bao bì, tem nhãn. Việc chấp hành đúng các quy định về kinh doanh hàng hóa đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm chỉ được thực hiện tốt ở các chợ lớn tại các quận nội thành. Các chợ nhỏ lẻ ở các quận, huyện còn chưa đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; cơ sở vật chất rất yếu kèm, xuống cấp, nhất là các chợ ở vùng nông thôn.
Tại một số chợ vẫn còn tình trạng thực phẩm đã nấu chín và thực phẩm tươi sống được bày bán cạnh nhau, thức ăn đã qua chế biến không được che đậy hoặc bày bán trong điều kiện mất vệ sinh. Phần lớn các gian hàng tại những chợ truyền thống mất an toàn thực phẩm là do không gian chật hẹp, các trang thiết bị, dụng cụ, giá kệ để thực phẩm không đạt tiêu chuẩn quy định, chưa đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm.
Sự hiểu biết các quy định về an toàn thực phẩm của cán bộ quản lý chợ và các hộ kinh doanh hàng thực phẩm trong chợ còn nhiều hạn chế, tình hình mất an toàn thực phẩm vẫn có nguy cơ xảy ra; Thói quen tiêu dùng và nhận thức về vệ sinh an toàn thực phẩm của đa số người dân tại các chợ truyền thống còn dễ chấp nhận việc dùng những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hệ thống quản lý, thanh tra, kiểm tra liên ngành và kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm của các chợ chưa đầy đủ, thiếu nhân lực, thiếu trang thiết bị kiểm tra nhanh tại chỗ, trình độ chuyên môn của cán bộ kiểm tra chưa đồng đều, phương tiện kiểm tra còn thiếu. Việc triển khai xét nghiệm lấy mẫu gặp nhiều khó khăn, trên thực tế để phát hiện ra các chất độc tố, hóa chất tồn dự thực phẩm đòi hỏi quy trình lấy mẫu kiểm định hết sức phức tạp, chi phí lớn, thời gian kéo dài, trong quá trình lấy mẫu và chờ kết quả kiểm định phải tạm dừng kinh doanh thực phẩm nghi có vi phạm.
Giải pháp quản lý an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống thời gian tới tại Hà Nội:
Một là: Về chỉ đạo, ngành Nông nghiệp đã và đang tích cực tham mưu để có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác quản lý ATTP, nhất là quản lý các chợ truyền thống. Trong đó phát huy vai trò lãnh đạo chỉ đạo của các cấp chính quyền quận huyện, chính quyền các xã phường. Sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn và các tổ chức đoàn thể. Trên thực tế ở đâu quan tâm chỉ đạo ở đó có các khu chợ vừa dẹp cảnh quan, vừa đảm bảo vệ sinh, sắp xếp khu vực bán hàng hợp lý, tiện lợi cho người dân, người tiêu dùng.
Về sản xuất, thực hiện tốt việc quản lý, xây dựng liên kết chuỗi từ khâu sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đây là khâu rất quan trọng để vừa phát triển sản xuất cung cấp các sản phẩm nông nghiệp (rau, thịt, cá …) vừa đảm bảo rõ nguồn gốc, xuất sứ rõ ràng, vừa để phát triển hiệu quả, bền vững.
Hai là: Xây dựng kế hoạch tuyên truyền và ký cam kết đối với các hộ kinh doanh không kinh doanh buôn bán hàng hóa không đảm bảo an toàn tực phẩm trong chợ; tiếp tục triển khai mạnh mẽ và đồng bộ các hoạt động thông tin, giáo dục và truyền thông để tuyên truyền, hướng dẫn cho người tiêu dùng có kiến thức và biết lựa chọn thực phẩm an toàn và thay đổi thói quen tiêu dùng từ dùng thịt nóng sang dùng thịt mát hoặc thịt đông lạnh có kiểm soát về an toàn thực phẩm;
Ba là: Tăng cường phổ biến quyền lợi của người tiêu dùng, nghĩa vụ của người sản xuất trong việc thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm; Thường xuyên tổ chức tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm tại các chợ cho đội ngũ cán bộ quản lý và hộ kinh doanh, để nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm. Các hộ kinh doanh phải được khám sức khỏe, tập huấn và xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm; có sổ sách, hóa đơn chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa; quầy sạp phải bảo đảm vệ sinh.
Bốn là: Tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước, hoạt động chuyên ngành và liên ngành trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; Tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát, thanh tra, truy xuất nguồn gốc hàng thực phẩm ra vào chợ, trong đó chú trọng các thực phẩm có nguy cơ cao như nhóm hàng nông sản tươi sống. Đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Năm là: Triển khai thực hiện xây dựng văn minh thương mại tại các chợ, từng bước quản lý chặt chẽ nguồn gốc hàng hóa ra vào chợ; bố trí kinh phí cho việc tuyên truyền, mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho việc kiểm tra, phân tích mẫu; trang thiết bị, cơ sở vật chất còn lạc hậu, chưa đồng bộ để phục vụ công tác kiểm tra, phát hiện ra các chất độc tố, hóa chất tồn dư thực phẩm trong chợ (đặc biệt là đối với các chợ đầu mối).
Sáu là: Đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị…tại các chợ đã xuống cấp, đặc biệt tại các chợ đầu mối như: cải tạo nâng cấp về hệ thống điện, hệ thống cấp nước sinh hoạt từ nguồn nước máy và giếng khoan đảm bảo an toàn hợp vệ sinh, phục vụ tốt cho các hộ kinh doanh. Nâng cao trách nhiệm của người kinh doanh thực phẩm và mỗi người dân cần nhận thức đầy đủ về các mối nguy hiểm từ việc sử dụng thực phẩm không bảo đảm an toàn nhằm phòng tránh ngộ độc thực phẩm để bảo vệ sức khoẻ cho bản thân, gia đình và góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Các giải pháp nêu trên được các cấp các ngành triển khai đồng bộ, người dân, người tiêu dùng đồng thuận thì chắc chắn công tác quản lý an toàn thực phẩm nói chung, tại các chợ truyền thống nói riêng sẽ có sự chuyển biến tích cực.
Tích cực mở rộng dây truyền sản xuất thực phẩm sạch cho thành phố(18/10/2012)
Kiểm soát chặt việc giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm(18/10/2012)
Phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông Chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch(19/10/2012)
Kế hoạch công tác vệ sinh an toàn thực phẩm Thành phố Hà Nội năm 2012(25/03/2013)