Tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp
Trong 5 năm qua, kiên định mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển bền vững, lĩnh vực trồng trọt của Hà Nội đã tạo bước đột phá lớn, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và bảo đảm an ninh lương thực. Đây là nền tảng để thành phố đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Trong 5 năm qua, kiên định mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển bền vững, lĩnh vực trồng trọt của Hà Nội đã tạo bước đột phá lớn, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và bảo đảm an ninh lương thực. Đây là nền tảng để thành phố đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Tăng nhanh diện tích cây trồng chủ lực

Phân tích kỹ giá trị kinh tế của các cây trồng truyền thống, 5 năm qua, mặc dù diện tích giảm, song Hà Nội xác định lúa vẫn là cây trồng chủ lực trong nội ngành trồng trọt. Ông Nguyễn Mạnh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực Hà Nội cho biết: Diện tích gieo cấy năm 2020 của thành phố là 171.033ha, giảm 29.497ha so với năm 2015. Song năng suất, chất lượng sản phẩm lúa gạo tăng vọt nhờ đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trong trồng trọt, nông dân đã tích cực chuyển đổi cơ cấu giống chất lượng. Tại các huyện trọng điểm về trồng lúa như: Sóc Sơn, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Thanh Oai, Đông Anh..., diện tích gieo trồng giống lúa chất lượng chiếm 58% và sử dụng trên 90% là giống lúa ngắn ngày, năng suất đạt từ 55-60 tạ/ha.

Theo ông Nguyễn Mạnh Phương, các giống lúa chất lượng cao đưa vào gieo trồng trên địa bàn thành phố đang dần chiếm ưu thế, qua đó, góp phần làm tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất lúa bình quân từ 10 - 12 triệu đồng/ha. Đáng chú ý, thành phố duy trì được trên 200 vùng sản xuất lúa chất lượng cao tập trung với diện tích trên 40.000ha canh tác, tương đương khoảng 80.000ha/năm, diện tích mỗi vùng từ 50ha trở lên, có những vùng đạt trên 300ha. Bên cạnh đó, thành phố đang mở rộng một số mô hình trồng các giống lúa chất lượng cao có khả năng chinh phục thị trường xuất khẩu như: Lúa hữu cơ, Japonica.

Song song với việc đưa vào gieo trồng các cây trồng: Ngô, rau, đậu thực phẩm, Hà Nội cũng đã tích cực mở rộng diện tích trồng rau, hoa cảnh, cây cảnh, cây ăn quả bằng các giống chất lượng, góp phần vào việc nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu cho bà con nông dân. Trong đó, diện tích trồng rau, thành phố đang duy trì ổn định trồng 5.044ha rau an toàn với năng suất đạt 217 tạ/ha. Sản lượng rau đáp ứng được khoảng 76% nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô. Diện tích trồng hoa cảnh, cây cảnh trung bình là hơn 5.932ha/năm. Con số này ước thực hiện cả năm 2020 là hơn 6.473ha. Riêng diện tích gieo trồng hoa chất lượng cao ước đạt trên 30%, gồm các chủng loại: hoa hồng, ly, lan, cúc giống mới, đào, quất... Hiệu quả sản xuất tăng hơn so với trồng hoa thông thường 25-30%.

Điểm nổi bật trong cơ cấu nội ngành trồng trọt của Hà Nội là mở rộng diện tích trồng cây ăn quả. Đến nay, mở rộng được 21.880ha, tăng 39% so với năm 2015. Ước tính sản lượng quả năm 2020 đạt 300.886 tấn, tăng 35% so với năm 2015. Sản phẩm cây ăn quả của Hà Nội tương đối đa dạng, mùa nào thức đó, trong đó 60% diện tích trồng các loại quả đặc sản như: Cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn, chuối sử dụng giống nuôi cấy mô, ổi Đông Dư... Bên cạnh các loại cây ăn quả đặc trưng, một số loại giống cây ăn quả mới cũng được du nhập và phát triển trên địa bàn thành phố, như: Xoài chịu lạnh, thanh long ruột đỏ, táo, ổi không hạt, đu đủ ruột tím... bước đầu mang lại giá trị kinh tế cao.

Nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song theo đánh giá của Sở NN&PTNT, sức cạnh tranh của sản phẩm trồng trọt thấp do giá thành cao, chất lượng không đồng đều, tỷ lệ nông sản có thương hiệu, được sơ chế còn thấp. Thiếu sự gắn kết giữa sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nên hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp chưa cao; sản phẩm có giá trị để trở thành hàng hóa còn ít, phần lớn nông sản đang được tiêu thụ và xuất khẩu ở dạng thô, sơ chế, giá trị gia tăng thấp. Hình thức tổ chức sản xuất mặc dù đã có chuyển biến tích cực, song số hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả chưa nhiều. Vấn đề liên kết sản xuất, cung ứng, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị giữa người nông dân với các tổ chức kinh tế, hợp tác xã, doanh nghiệp còn chưa nhiều và rộng khắp.

Để phát triển lĩnh vực trồng trọt đạt được mục tiêu đề ra, ông Nguyễn Xuân Đại, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ tập trung thực hiện các giải pháp, như: Phát triển sản xuất trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ hiện đại và kỹ thuật sản xuất tiên tiến, tạo ra sản phẩm sạch, có chất lượng cao. Mở rộng các vùng chuyên canh, các vành đai xanh, các tuyến nông nghiệp sinh thái và xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo quy hoạch.

Sở NN&PTNT cũng sẽ ưu tiên cải tiến tổ chức sản xuất, gia tăng quy mô sản xuất nhóm sản phẩm chủ lực cấp thành phố, gồm: Sản xuất giống cây trồng (lúa, cây ăn quả đặc sản); ưu tiên phát triển lúa hàng hóa chất lượng cao, rau an toàn, cây ăn quả đặc sản, hoa, cây cảnh và lúa chất lượng cao hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững dựa trên đổi mới quan hệ sản xuất; đẩy mạnh liên kết giữa sản xuất và thị trường; ứng dụng khoa học công nghệ. Thành phố phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất trồng trọt 2-2,5%/năm; tốc độ tăng thu nhập trên một héc ta canh tác khoảng 3%/năm.

Cổng giao tiếp điện tử thành phố Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 2144
Tổng lượng truy cập: 22313801