Nhằm kiểm soát tận gốc các mặt hàng nông sản bán ra thị trường, bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân, sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp cũng khuyến cáo các địa phương cần tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức của người dân trong việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch.
Bà Đặng Thị Minh ở xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên) cho biết, hiện nay gia đình có 1ha nuôi trồng thủy sản, kết hợp với chăn nuôi gia cầm và chủ yếu nuôi theo phương thức truyền thống nên thực sự chưa kiểm soát được chất lượng sản phẩm. Còn theo ông Ngô Văn Hùng ở xã Cao Dương (huyện Thanh Oai): “Tôi trồng 3 sào rau màu, hằng ngày chăm sóc và bón phân theo quy định, nhưng có thời điểm gặp thời tiết xấu nên cũng sử dụng thêm thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh…”.
Nói về khó khăn trong kiểm soát chất lượng nông sản, ông Trần Thế Anh, Chủ tịch UBND xã Cao Dương (huyện Thanh Oai) cho biết, người nông dân sản xuất nhỏ lẻ trên cánh đồng, trong khi xã chỉ có một cán bộ bảo vệ thực vật và một cán bộ chăn nuôi - thú y nên rất khó có thể kiểm soát được toàn bộ quy trình sản xuất. Do đó, chất lượng các mặt hàng nông sản bán ra thị trường chưa được giám sát chặt chẽ. Mặt khác, người tiêu dùng vẫn còn dễ dãi trong việc mua và sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ...
Với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, việc kiểm soát chất lượng cũng khó khăn, theo ông Phạm Khắc Diến, Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội, trong tháng 1-2020, Thanh tra của Sở đã thanh tra, kiểm tra 53 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực bảo vệ thực vật, nông sản. Qua đó đã xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 370 triệu đồng đối với 38 tổ chức, cá nhân. Các lỗi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hết hạn sử dụng hoặc sai nhãn mác... “Số lượng cơ sở sản xuất lên tới con số 17.709, nhưng chủ yếu nhỏ lẻ, nằm xen kẽ trong khu dân cư. Thậm chí có những cơ sở kinh doanh theo thời vụ, mang hàng hóa không rõ nguồn gốc bán ra thị trường, các lực lượng chức năng rất khó kiểm soát” - ông Phạm Khắc Diến cho biết thêm.
Để bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, theo ông Ngô Đình Loát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Hà Nội, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân sản xuất theo hướng an toàn; đồng thời tăng cường kiểm tra, lấy mẫu giám sát chất lượng các loại nông sản bán ra thị trường, kịp thời xử lý vi phạm. Mặt khác, các địa phương cần rà soát các cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn, kiểm soát chặt chẽ chất lượng các mặt hàng trong danh mục cho phép, khuyến cáo người dân hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh trong chăn nuôi…
Liên quan đến việc kiểm soát chất lượng nông sản, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin: Các lực lượng chức năng của Sở NN&PTNT sẽ kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực nông nghiệp và sẽ xử lý nghiêm. Đồng thời, tiếp tục tổ chức các đoàn kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực: Giống cây trồng, phân bón, thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, giống vật nuôi; vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp; lâm nghiệp.
"Bên cạnh việc xử phạt, đối với những cơ sở kinh doanh nông, lâm, thủy sản, các đơn vị của ngành Nông nghiệp sẽ hướng dẫn người dân về những thủ tục còn thiếu như: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; vệ sinh nơi sản xuất, trưng bày sản phẩm bảo đảm yêu cầu theo quy định của nhà nước..." - ông Tạ Văn Tường thông tin.
Tích cực mở rộng dây truyền sản xuất thực phẩm sạch cho thành phố(18/10/2012)
Kiểm soát chặt việc giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm(18/10/2012)
Phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông Chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch(19/10/2012)
Kế hoạch công tác vệ sinh an toàn thực phẩm Thành phố Hà Nội năm 2012(25/03/2013)