Nhằm tiếp tục hướng dẫn, cụ thể hóa và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc ghi nhãn hàng hoá, rõ ràng, minh bạch, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về nhãn hàng hoá; đồng thời tăng cường bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong việc lựa chọn các sản phẩm, hàng hoá có nhãn hàng hoá minh bạch rõ ràng và tuân thủ quy định pháp luật về nhãn hàng hoá. Ngày 26/6/2019, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành Thông tư số 05/2019/TT-BKHCN quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về Nhãn hàng hóa.
Thông tư này quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa (sau đây viết là Nghị định số 43/2017/NĐ-CP), cụ thể như sau:
Về Đối tượng áp dụng: Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam; tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa; cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Thông tư này gồm 3 chương và 16 điều, nội dung tóm tắt một số điểm chú ý như sau:
- Phân biệt bao bì chứa đựng hàng hóa không phải bao bì thương phẩm với bao bì thương phẩm (Khoản 5 Điều 3).
- Vị trí nhãn hàng hóa (Điều 4).
- Ngôn ngữ trình bày trên nhãn hàng hóa (Khoản 2, Khoản 4 Điều 7).
- Ghi tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa (Khoản 1, Khoản 3, Khoản 6 Điều 12).
- Ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa (Khoản 3 Điều 14).
- Ghi thành phần trên nhãn hàng hóa (Khoản 1 Điều 16).
- Ghi thông số kỹ thuật, thông tin cảnh báo trên nhãn hàng hóa (Khoản 5 Điều 17).
- Ghi nhãn thực phẩm biến đổi gen trên nhãn hàng hóa (Khoản 5 Phụ lục I).
- Ghi nhãn hóa chất gia dụng (Khoản 15 Phụ lục I).
- Ghi định lượng hàng hóa trên nhãn hàng hóa (Điểm 2 Khoản 1 và Điểm 3 Khoản 2 Phụ lục II).
- Ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa (Khoản 1 Phụ lục III).
- Ghi thành phần, thành phần định lượng của hàng hóa trên nhãn hàng hóa (Điểm 1 Khoản 1 Phụ lục IV).
Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản cần lưu ý một số nội dung sau:
Tại điểm 2, Điều 4. Vị trí nhãn hàng hóa quy định: Hàng hóa có cả bao bì trực tiếp và bao bì ngoài
a) Hàng hóa trên thị trường có cả bao bì ngoài, không bán riêng lẻ các đơn vị hàng hóa nhỏ có bao bì trực tiếp bên trong thì phải ghi nhãn trên bao bì ngoài.
b) Hàng hóa trên thị trường có cả bao bì ngoài và đồng thời tách ra bán lẻ các đơn vị hàng hóa nhỏ có bao bì trực tiếp bên trong thì phải ghi nhãn đầy đủ cho cả bao bì ngoài và bao bì trực tiếp.
Ví dụ: Hộp cà phê gồm nhiều gói cà phê nhỏ bên trong:
- Trường hợp bán cả hộp cà phê không bán lẻ các gói cà phê nhỏ thì ghi nhãn đầy đủ cho cả hộp;
- Trường hợp bán cả hộp cà phê và đồng thời tách ra bán lẻ những gói cà phê nhỏ bên trong thì phải ghi nhãn đầy đủ cho cả hộp cà phê và các gói cà phê nhỏ bên trong;
- Trường hợp thùng carton đựng các hộp cà phê đã có nhãn đầy đủ bên trong, có thể mở ra để xem các hộp cà phê trong thùng carton thì không phải ghi nhãn trên thùng carton đó.
Điểm 3. Điều 4 quy định Trường hợp bao bì ngoài trong suốt có thể quan sát được nội dung ghi nhãn sản phẩm bên trong thì không bắt buộc ghi nhãn cho bao bì ngoài.
Tại các điểm 1, 2, 3. Điều 6. Ghi tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa (khoản 1, khoản 3, khoản 6 Điều 12 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP)
1. Tên riêng của tổ chức, cá nhân và địa danh ghi trên nhãn hàng hóa không được viết tắt, từ chỉ đơn vị hành chính có thể viết tắt.
Ví dụ: “xã” là X; “phường” là P; “huyện” là H; “quận” là Q; “thành phố” là TP; “tỉnh” là T.
2. Hàng hóa nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất và ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu.
Hàng hóa được sản xuất tại nhiều cơ sở sản xuất khác nhau, có cùng thương hiệu thì ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu thương hiệu đó hoặc tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở Việt Nam trên nhãn hàng hóa nếu được chủ sở hữu thương hiệu đó cho phép, nhưng phải bảo đảm truy xuất được cơ sở sản xuất ra hàng hóa khi cần thiết và/hoặc khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền quản lý và ghi rõ xuất xứ hàng hóa trên nhãn hàng hóa.
3. Hàng hóa chỉ thực hiện việc san chia, sang chiết để đóng gói, đóng chai khi được tổ chức, cá nhân sản xuất ra hàng hóa cho phép và phải bảo đảm chất lượng như công bố của nhà sản xuất trên nhãn gốc.
Ví dụ: cho phép san chia, sang chiết để đóng gói, đóng chai theo hợp đồng.
Hàng hóa được san chia, sang chiết để đóng gói, đóng chai trên nhãn hàng hóa phải ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân đóng gói, đóng chai và ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất ra hàng hóa trước khi đóng gói, đóng chai.
Điều 7. Ghi ngày sản xuất, hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa (khoản 3 Điều 14 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP)
Hàng hóa san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại bắt buộc phải ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP. Cụ thể phải thể hiện đầy đủ 03 nội dung sau:
a) Ngày sản xuất;
b) Ngày san chia, sang chiết, nạp, đóng gói không được viết tắt;
c) Hạn sử dụng.
Thông tư số 05/2019/TT-BKHCN có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2021. Ngoài ra, khuyến khích tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp áp dụng quy định của Thông tư này trước ngày có hiệu lực thi hành.
Tích cực mở rộng dây truyền sản xuất thực phẩm sạch cho thành phố(18/10/2012)
Kiểm soát chặt việc giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm(18/10/2012)
Phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông Chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch(19/10/2012)
Kế hoạch công tác vệ sinh an toàn thực phẩm Thành phố Hà Nội năm 2012(25/03/2013)