Nhằm tạo ra các mặt hàng nông sản chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và phục vụ mục tiêu xuất khẩu, Ngày 30/8/2019. UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch số 193/KH-UBND về cơ cấu lại lĩnh vực chế biến nông sản gắn với phát triển thị trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 ngành nông nghiệp thành phố
Tổng quan về sản xuất nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản của Thành phố
Sau 05 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức song sản xuất nông nghiệp thành phố Hà Nội vẫn đạt được nhiều kết quả quan trọng:
- Giá trị gia tăng ngành nông nghiệp giai đoạn 2013 – 2017 tăng bình quân 2,23%; tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 3,35%; trong đó: Trồng trọt tăng 2,4%, chăn nuôi tăng 4,0%, thủy sản tăng 6,06%.
- Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp đã có tiến bộ rõ rệt, cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực; đã hình thành nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung có hiệu quả kinh tế cao như vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng trồng cây ăn quả, vùng trồng hoa cây cảnh, vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, vùng nuôi trồng thủy sản ...
- Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã có chuyển biến tích cực, các giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao đã được đưa vào trong sản xuất (lúa chất lượng cao, hoa, cây ăn quả, bò BBB, ...), nhiều vùng trước đây sản xuất lúa kém hiệu quả đã được chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, rau, hoa có giá trị kinh tế cao.
- Việc ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, đưa các giống tốt và chất lượng vào sản xuất được tăng cường; việc củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã được quan tâm, nhiều hợp tác xã, tổ đội sản xuất, hình thức hợp tác mới được hình thành, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh.
- Đã hình thành 135 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia hợp tác xây dựng chuỗi. Đã xây dựng được trên 40 nhãn hiệu được bảo hộ như gà đồi Ba Vì, gà đồi Sóc Sơn, gà Mía Sơn Tây, vịt Vân Đình, nhãn Đại Thành, gạo thơm Bối Khê...
- Hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội có khoảng 13.441 cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản). Trong đó có 1.032 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản do cấp thành phố quản lý; 12.409 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản do cấp quận, huyện, xã phường quản lý. Trong đó có 400 cơ sở có hoạt động chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản, các cơ sở này hàng ngày cung cấp một lượng lớn các thực phẩm đã qua chế biến cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện nay đa phần các doanh nghiệp có quy trình công nghệ sản xuất thủ công và bán tự động, chỉ khoảng 10% doanh nghiệp có quy trình công nghệ sản xuất khép kín tự động. Khoảng 20% Doanh nghiệp đã xây dựng và áp dụng tốt chương trình quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm tiên tiến HACCP, ISO 220000…. Các cơ sở, Công ty có hoạt động chế biến này cùng với những định hướng, giải pháp hỗ trợ phát triển, liên kết, hợp tác theo chuỗi sẽ là tác nhân quan trọng trong phát triển các chuỗi và sản phẩm chế biến, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm ngành nông nghiệp.
Một số tồn tại, hạn chế của công tác chế biến gắn với thị trường
Ngành chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn Thành phố còn manh mún, nhỏ lẻ chưa xứng với tiềm năng phát triển công nghiệp chế biến của Thủ đô, các cơ sở chế biến đa phần các là cơ sở vừa và nhỏ, sản xuất nhỏ sản lượng cung cấp còn ít và chưa ổn định, sản phẩm sản xuất ra chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của thị trường; các cơ sở chế biến đa phần có vị trí nằm trong khu đông dân cư, không nằm trong quy hoạch phát triển chung của Thành phố. … Thực trạng cơ sở chế biến nông lâm thủy sản căn cứ theo kết quả điều tra, khảo sát tại 200 cơ sở chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn Thành phố của ngành nông nghiệp thành phố với các tiêu chí điều tra bao gồm các chỉ tiêu về địa điểm đặt cơ sở chế biến, bố trí dây truyền sản xuất, trình độ công nghệ, máy móc, thiết bị, hệ thống xử lý chất thải, hệ thống quản lý chất lượng… Dây truyền sản xuất chưa đồng bộ còn tận dụng, theo kết quả điều tra khảo sát tại 200 cơ sở chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản trên địa bàn Thành phố của ngành nông nghiệp cho thấy:
Quy mô doanh nghiệp: 81/200 cơ sở là doanh nghiệp nhỏ (40.5%); 92/200 cơ sở có quy mô doanh nghiệp là vừa (46%); 27/200 doanh nghiệp có quy mô lớn (13,5%); Địa điểm của cơ sở: 183/200 Doanh nghiệp có địa điểm nằm trong khu dân cư chiếm 91.5 %, chỉ có 17 cơ sở có địa điểm nằm trong quy hoạch của thành phố.
Về công nghệ: Đa phần các doanh nghiệp có quy trình công nghệ sản xuất thủ công và bán tự động (188/200) chiếm 94%. Có 12 doanh nghiệp có quy trình công nghệ sản xuất khép kín tự động đầu vào là nguyên liệu đầu ra là thành phẩm. Các cơ sở phần lớn tự học hỏi và xây dựng quy trình công nghệ trong chế biến.
Về xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng: 40/200 doanh nghiệp (chiếm khoảng 20%) đã xây dựng và áp dụng tốt chương trình quản lý chất lượng tiên tiến HACCP, ISO 220000, còn lại các doanh nghiệp khác đã tự xây dựng và áp dụng GMP, SSOP trong chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản nhưng việc thực hiện còn thiếu hệ thống và có nhiều điểm chưa phù hợp.
Bên cạnh đó, Tuy việc chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp có nhiều tiến bộ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thấp. Việc thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp còn thấp, ít doanh nghiệp mặm mà đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩn vẫn còn là mối lo của người tiêu dùng Thủ đô; các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm còn ít và mới phát triển. Các mô hình sản xuất trong nông nghiệp phần lớn vẫn là quy mô nhỏ bé, manh mún, phân tán; nguồn nhân lực trình độ thấp; vốn đầu tư vào ngành thấp, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Các chuỗi mới chỉ tập trung vào sản phẩm tươi, chuỗi và sản phẩm chế biến, nâng cao giá trị gia tăng rất ít. Ngoài một số mô hình liên kết doanh nghiệp “đầu tàu” với nông dân theo chuỗi giá trị đạt hiệu quả tốt, thực tế vẫn còn quá ít chuỗi liên kết hoàn chỉnh. Đa số chuỗi ở khâu đầu vẫn là thu gom của nhiều hộ nông dân, doanh nghiệp thông qua hệ thống thương lái, chi phí trung gian lớn, không tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm thấp. Ngoài ra, còn phải kể đến những bất ổn về chính trị thế giới kéo theo những biến động khó lường của thị trường.
Sự cần thiết ban hành kế hoạch
Ngày 8-11-2016, Quốc Hội khóa 14 đã thông qua Nghị quyết số 24/2016/QH14 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu là xây dựng mô hình tăng trưởng lấy hiệu quả, thước đo là năng suất lao động, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; chú trọng nâng cao chất lượng tăng trưởng, chuyển dần từ mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào đầu tư và xuất khẩu sang mô hình dựa đồng thời vào cả đầu tư, xuất khẩu và thị trường trong nước; chuyền dần từ việc dựa vào gia tăng số lượng các yếu tố đầu vào của sản xuất sang dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dựng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Thực hiện Nghị quyết Quốc hội, Bộ Nông nghiệp và PTNT xây dựng Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 trên cơ sở rà soát, đánh giá lại Đề án và Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp và các tiểu ngành, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1819/ QĐ-TTg. Sở Nông nghiệp và PTNT cũng đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Quyết định số 437/QĐ-UBND phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2020. Trong kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp, từ các văn bản của Trung ương và Thành phố sẽ tập trung phát triển các tiểu ngành, trong đó có lĩnh vực chế biến nông sản
Tại Quyết định 1003/QĐ-BNN-CB phê duyệt đề án nâng cao giá trị gia tăng hàng nông lâm thủy sản trong chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch, để tái cơ cấu ngành chế biến Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đưa ra quan điểm phát triển gồm 5 nội dung:
a) Nâng cao GTGT hàng nông lâm thủy sản trên cơ sở phát triển của từng ngành hàng, gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
b) Lấy thị trường làm cơ sở để điều chỉnh cơ cấu các ngành sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản hàng hóa theo hướng thị trường cần, thay bằng việc cung ứng các sản phẩm hiện có.
c) Áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, đi thẳng vào công nghệ hiện đại, chuyển dịch nhanh cơ cấu sản phẩm sang chế biến sâu để tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu ở phân khúc GTGT cao.
d) Đa dạng loại hình, quy mô chế biến công nghiệp; hình thành các doanh nghiệp “đầu tàu” sản xuất các sản phẩm có thương hiệu và sức cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.
e) Huy động sự tham gia tích cực, chủ động của người dân và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo kết nối sản xuất, chế biến với thị trường. Nhà nước hỗ trợ mạnh mẽ thông qua cơ chế chính sách đột phá.
Nhìn chung, các quan điểm trên mang tính toàn diện, coi chế biến NLTS là lĩnh vực có vai trò rất quan trọng để tạo “đầu ra” cho sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị nông sản hàng hóa, thu nhập của nông dân, lợi nhuận của doanh nghiệp và đóng góp vào tăng trưởng của thành phố. UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch về triển khai cơ cấu lại lĩnh vực chế biến nông sản gắn với phát triển thị trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2020 sẽ hình thành từ 1 - 3 cơ sở, khu chế biến nông sản, trưng bày các sản phẩm nông sản, đặc sản; xây dựng dự án, kế hoạch hình thành phát triển trung tâm dây chuyền chiếu xạ tập trung, bảo quản nông, lâm, thủy sản tại các huyện, thị xã trên địa bàn. Phấn đấu đến năm 2020, sẽ có 20% số cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản bảo đảm quy định về an toàn thực phẩm, có áp dụng chương trình quản lý chất lượng tiên tiến HACCP, ISO.
Đến năm 2030, phấn đấu tốc độ tăng giá trị hàng nông sản qua chế biến đạt 7 - 8%/năm; Hình thành, hỗ trợ phát triển khoảng 15 khu (cơ sở) chế biến nông sản gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, có năng lực cạnh tranh đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và có cơ sở đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu; 100% sản phẩm nông lâm sản, thủy sản, thực phẩm chế biến đều sử dụng mã QR trên Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông sản thực phẩm thành phố Hà Nội tích hợp vào Hệ thống truy xuất nguồn gốc hàng hóa Quốc gia; Phát triển 01 khu phức hợp chế biến, bảo quản, kiểm định một cửa hỗ trợ hàng xuất khẩu.
Để đạt mục tiêu trên, Ngành NN&PTNT Hà Nội đã có 06 giải pháp được đặt ra từ tổ chức sản xuất nguyên liệu, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản, TP khuyến khích đầu tư chế biến nông sản, chuyển dịch cơ cấu sản phẩm. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ chế biến, bảo quản nông sản; nâng cao chất lượng sản phẩm và bảo đảm an toàn thực phẩm, đẩy mạnh việc phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
UBND Thành phố giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại lĩnh vực chế biến nông sản gắn với phát triển thị trường ngành nông nghiệp đúng quy định. Xây dựng kế hoạch chi tiết và hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện Kế hoạch đề ra; theo dõi, tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố kết quả thực hiện theo quy định./.
Tích cực mở rộng dây truyền sản xuất thực phẩm sạch cho thành phố(18/10/2012)
Kiểm soát chặt việc giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm(18/10/2012)
Phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông Chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch(19/10/2012)
Kế hoạch công tác vệ sinh an toàn thực phẩm Thành phố Hà Nội năm 2012(25/03/2013)