Tăng cường quản lý an toàn thực phẩm thủy sản

Hiện nay, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn thành phố Hà Nội phát triển mạnh cả về quy mô và sản lượng. Tuy nhiên, do việc kiểm soát quá trình sản xuất - tiêu thụ còn nhiều hạn chế đã đặt ra yêu cầu phải tăng cường các biện pháp để quản lý chặt chẽ an toàn thực phẩm thủy sản.

Ông Lê Văn Mật ở xã Trung Tú (huyện Ứng Hòa) cho hay, từ nhiều năm nay, gia đình ông vẫn nuôi trồng thủy sản theo hướng truyền thống mà chưa quan tâm nhiều đến quy trình nuôi trồng thủy sản an toàn.

“Nguyên nhân là do quy trình này đòi hỏi rất nghiêm ngặt từ việc lựa chọn con giống đến quy trình chăm sóc, thức ăn… Vì vậy, chi phí sẽ cao hơn khoảng 10-20% so với nuôi truyền thống, trong khi đó, thị trường tiêu thụ giữa sản phẩm an toàn và không an toàn vẫn chưa rõ ràng… Để bảo đảm có lãi, các hộ dân vẫn lựa chọn phương pháp nuôi truyền thống” - ông Mật nói.

Một yếu tố bất lợi nữa trong nuôi trồng thủy sản an toàn là môi trường nước đang bị ô nhiễm. Theo ông Bùi Văn Tại ở huyện Thanh Oai, để khắc phục tình trạng ô nhiễm nguồn nước, ông thường xuyên phải dùng thuốc để xử lý nước, lắp đặt máy sục khí, bồn vi sinh để tăng lượng oxy trong nước… Những việc này làm tăng chi phí sản xuất, giá bán thủy sản bấp bênh nên rất khó có lãi.

Không chỉ khó khăn trong sản xuất, khâu tiêu thụ cũng còn nhiều bất cập. Hiện, nhu cầu của Hà Nội tiêu thụ khoảng 250.000 tấn thủy sản/năm, sản xuất tại chỗ đáp ứng được khoảng 40%, số còn lại phải nhập từ các địa phương khác. Song, việc quản lý, kiểm soát lĩnh vực này còn hạn chế.

Theo Giám đốc Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội Bùi Thanh Hương, toàn thành phố chỉ duy nhất chợ cá Yên Sở (quận Hoàng Mai) có chốt kiểm dịch động vật liên ngành kiểm tra, kiểm soát hằng ngày.

Mỗi ngày, tại chợ này có hàng chục tấn cá từ các nơi đổ về nhưng chỉ khoảng 10% được kiểm tra lấy mẫu xét nghiệm, còn lại kiểm tra bằng mắt thường nên khó đánh giá chính xác chất lượng. Tại các chợ khác, việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm thủy sản gần như bỏ ngỏ…

Lý giải về tình trạng này, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội Tạ Văn Sơn cho biết, hiện các vùng nuôi trồng thủy sản đều kết hợp trồng lúa, chăn nuôi và người dân vẫn xả chất thải chăn nuôi không theo quy định, dẫn tới nguồn nước không bảo đảm, gây khó khăn cho việc nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn. Hơn nữa, người dân vẫn còn thói quen tùy tiện trong sử dụng thuốc phòng bệnh cho cá dẫn tới tình trạng tồn dư thuốc kháng sinh trong sản phẩm...

Để nâng cao ý thức cho người dân trong nuôi trồng thủy sản, Giám đốc Hợp tác xã thủy sản Đồng Tâm, xã Phú Đông (huyện Ba Vì) Chu Văn Hồng cho rằng: "Khi chuyển đổi từ nuôi trồng thủy sản truyền thống sang hướng an toàn, Nhà nước nên hỗ trợ người dân về con giống, kỹ thuật; đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung như: Đường điện, giao thông, thủy lợi nội đồng và chợ để thuận lợi trong khâu tiêu thụ".

Với mục đích từng bước kiểm soát chất lượng thủy sản từ sản xuất đến tiêu thụ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng: "Các địa phương cần đẩy mạnh việc xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung theo hướng an toàn, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đồng thời, tăng cường quản lý, giám sát quá trình sản xuất, từ đó, thuận lợi cho kiểm soát đầu vào, đặc biệt là hóa chất dùng trong nuôi trồng thủy sản, hạn chế tình trạng sử dụng kháng sinh".

Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng của thành phố tăng cường kiểm soát sản phẩm thủy sản tại các chợ đầu mối, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những vùng sản xuất không an toàn...

Nguồn: Hanoimoi.com.vn

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 7923
Tổng lượng truy cập: 25344896