Quản lý an toàn thực phẩm dựa trên tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị là phương pháp quản lý ATTP tiên tiến hiện đại, hiệu quả của các nước phát triển, tiếp cận phương pháp này, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã sớm ban hành Quyết định 1791/QĐ-BNN-QLCL ngày 19/5/2015 ban hành chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội, Sau 4 năm Chương trình đi vào hoạt động đã thu được những kết quả tích cực, nông sản thực phẩm từ các tỉnh đưa về Hà Nội tiêu thụ được kiểm soát tốt hơn và ngược lại, phát huy những kết quả đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2019, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội và Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành trong Ban điều phối đã nỗ lực triển khai công tác quản lý ATTP, kết nối sản xuất, tiêu thụ nông lâm thủy sản; phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt, nông sản an toàn,
Với những tiềm năng và lợi thế trong phát triển nông nghiệp Hà Nội cũng tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy ngành nông nghiệp thành phố nhằm cung cấp một phần thực phẩm nông lâm thủy sản tại chỗ cho người dân Thủ đô, trong 6 tháng đầu năm Sở đã chỉ đạo đơn vị liên quan tham mưu UBND thành phố các kế hoạch, quyết định, công văn triển khai khuyến khích, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, xúc tiến thương mại, hợp tác, kết nối, tiêu thụ nông lâm thủy sản trên địa bàn và các tỉnh. Tham mưu cho UBND thành phố ban hành Quyết định số 13/QĐ-UBND ngày 14/6/2019 Quy định phân cấp phê duyệt hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội; Quyết định số 3215/QĐ-UBND ngày 14/6/2019 về việc ban hành Danh mục các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội và tiêu chí sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của thành phố Hà Nội.
Tích cực thông tin tuyên truyền về quản lý chất lượng ATTP nông lâm thủy sản tới người quản lý, người sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng trong đó chú trọng tuyên truyền về sản xuất nông sản an toàn, phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh, tổ chức sản xuất thực phẩm nông lâm thủy sản theo chuỗi giá trị bằng nhiều hình thức như xây dựng các ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới với các địa phương trong cả nước (02 số Bản tin Quản lý chất lượng & an toàn thực phẩm nông nghiệp, phát hành 2.000 cuốn; 17 số Bản tin Sản xuất & Thị trường, phát hành 17.000 cuốn; 02 Tập san Nông nghiệp và Nông thôn Hà Nội, phát hành 10.000 cuốn…. Phối hợp với Báo Hà Nội mới, Kinh tế đô thị, Kênh VTC 16, Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội, Báo Nông thôn ngày nay, Báo Kinh tế Đô thị, Thông tấn xã Việt Nam... thực hiện kế hoạch thông tin, tuyên truyền về công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố năm 2019. Đã xây dựng, biên tập, tuyên truyền 105 tin, bài tuyên truyền về công tác quản lý, phát triển nông nghiệp, quản lý an toàn thực phẩm ngành nông nghiệp, tuyên truyền các mô hình làm tốt...
Công tác xây dựng, quy hoạch, phát triển các vùng sản xuất, chuỗi cung ứng nông sản an toàn được các Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh thành viên trong Ban điều phối tiếp tục tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố rà soát, quy hoạch phát triển nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và triển khai thực hiện công tác phát triển các vùng chuyên canh rau tập trung, tăng tỷ lệ vùng rau đạt theo tiêu chuẩn GAP, quy hoạch vùng chăn nuôi, giết mổ tập trung, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, theo hướng hữu cơ…nhằm mục đích phát triển sản xuất nông nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm và phát triển bền vững.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội và 21 tỉnh, thành phố trong Ban Điều phối chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội tích cực trong công tác kết nối sản xuất, quản lý chất lượng và phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản. Xây dựng và phát triển được 727 chuỗi (tăng 184 chuỗi, đạt tỉ lệ 34% so với năm 2018). Riêng thành phố Hà Nội duy trì và phát triển 135 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó 56 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 79 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc thực vật. Trong đó các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia hợp tác xây dựng chuỗi.
Công tác phối hợp quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản được chú trọng, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản thuỷ sản Hà Nội và các tỉnh, thành tăng cường nâng cao năng lực kiểm soát, quản lý chất lượng, ATTP các sản phẩm nông lâm thủy sản tiêu thụ trên địa bàn thành phố Hà Nội theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn (trọng tâm là rau, thịt). Phối hợp thường xuyên trao đổi kinh nghiệm công tác quản lý chất lượng, ATTP, tham quan các mô hình chuỗi kết nối các doanh nghiệp tiêu thụ thực phẩm nông lâm thủy sản tại các tỉnh như tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lâm Đồng, Hải Phòng, Lào Cai, Sơn La, Hoà Bình, Hưng Yên, Nam Định…
Nông sản thực phẩm tiêu thụ tại Hà Nội thường xuyên được lấy mẫu để giám sát các chỉ tiêu ATTP, các đơn vị chuyên môn của Sở Nông nghiệp và PTNT đã lấy 1.412 mẫu sản phẩm nông lâm thủy sản, sản phẩm chế biến để giám sát chỉ tiêu ATTP, trong đó có 101 mẫu có nguồn gốc từ các tỉnh, thành phố tiêu thụ trên địa bàn. Các mẫu khi phát hiện vi phạm các chỉ tiêu ATTP đều được truy xuất nguồn gốc, xác định nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục kịp thời. Việc tổ chức hậu kiểm, kiểm tra chất lượng sản phẩm tự công bố đã được các đơn vị của Sở kết hợp thông qua việc kiểm tra, lấy mẫu giám sát và việc thanh kiểm tra chuyên ngành, đột xuất. Qua đó. đã lấy 83 mẫu sản phẩm chế biến để kiểm tra chất lượng, hậu công bố sản phẩm, gồm 31 sản phẩm chế biến từ thịt, 10 sản phẩm chè, cà phê, 13 sản phẩm gạo, 15 sản phẩm thủy sản chế biến, 11 sản phẩm chế biến từ rau, củ, quả, 03 sản phẩm muối, gia vị. Kết quả phát hiện 01 sản phẩm nước mắm không đạt chỉ tiêu độ đạm so với công bố.
Về công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm, các đoàn thanh kiểm tra do các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội thực hiện đã tiến hành thanh kiểm tra tại 138 cơ sở, phát hiện 44 cơ sở vi phạm, lý do vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm; sử dụng người tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm mà không đội mũ, đeo khẩu trang... Qua đó đã tiến hành xử phạt hành chính với số tiền 423.404.000 đồng.. Buộc phải tiêu hủy chục tấn sản phẩm thực phẩm không đảm bảo an toàn, không rõ nguồn gốc xuất xứ và khắc phục về nhãn trên nhiều lô sản phẩm không ghi đầy đủ các nội dung trên nhãn sản phẩm.
Công tác Phát triển Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội tiếp tục được triển khai có hiệu quả “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm sản thuỷ sản thực phẩm thành phố Hà Nội” (Hệ thống) với địa chỉ tên miền www.hn.check.vn đã chuyển hệ thống sang địa chỉ check.gov.vn thuộc sở hữu của Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội. Đã thiết lập và hoàn thiện các tài khoản quản lý (Module) cho “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm sản thuỷ sản thực phẩm thành phố Hà Nội” và các chức năng cho các cấp quản trị theo các sở ngành: Nông nghiệp và PTNT, Công Thương, Y tế; 30 quận, huyện, thị xã; cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Đến nay, đã quản lý, cấp mã tài khoản quản trị cho 2.077 cho các cơ sở, HTX, doanh nghiệp, cửa hàng sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nông lâm thủy sản an toàn trên địa bàn thành phố. Đã cấp mã QR truy xuất minh bạch thông tin cho 236 doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục tham gia hn.check.net.vn với tổng bộ mã truy xuất được quản lý hơn 4.000 mã sản phẩm (tăng 1.000 mã sản phẩm so với cuối năm 2018). Trong đó có 117 cơ sở với hơn 600 mã sản phẩm có nguồn gốc của 30 tỉnh, thành phố (tăng 200 mã sản phẩm và 09 tỉnh, thành tham gia Hệ thống so với cuối năm 2018), trong đó sản phẩm của 16/21 tỉnh (chiếm 76%) đã tham gia Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm Thành phố Hà Nội .
Hoàn thiện quy chế và vận hành thí điểm Chợ Thương mại điện tử: Đã đăng ký tên miền và trang web cho Chợ Thương mại điện tử www.chonhaminh.gov.vn với Bộ Thông tin truyền thông; ban hành Quyết định số 155/QĐ-SNN ngày 21/2/2019 Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Chợ nhà mình, hình”; ban hành Quyết định số 346/QĐ-SNN ngày 18/3/2019 quy chế quản lý hoạt động của Chợ Thương mại điện tử; đăng ký website Chợ Thương mại điện tử www.chonhaminh.gov.vn và www.myhomemarkets.gov.vn theo quy định tại Cục Thương mại điện tử và kinh tế số.
Công tác phối hợp phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và phát triển chăn nuôi, thuỷ sản hiệu quả, kịp thời, chặt chẽ. Chi cục Thú y Hà Nội tiếp tục thực hiện các thỏa thuận phối hợp về công tác phòng chống dịch bệnh và kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật với 24 tỉnh, thành phố có chương trình hợp tác với Hà Nội (trong đó có 21 tỉnh thành viên Ban điều phối); Trong 4 tháng đầu năm 2019, Chi cục thú y Hà Nội đã thực hiện kiểm dịch, cấp giấy kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tới địa bàn 63 tỉnh, thành trên cả nước: Kiểm dịch động vật: 8.340.756 con, trong đó: Trâu, bò: 308 con (làm giống 128 con; thương phẩm 180 con), Lợn: 91.805 con (làm giống 12.455 con; thương phẩm 79.354 con), Gia cầm: 7.981.752 con (làm giống 7.384.351 con; thương phẩm 597.401 con), Động vật khác: 266.891 con (21.159 con làm giống, 245732 con thương phẩm); Kiểm dịch sản phẩm động vật: 17.770 tấn gồm: Thịt trâu bò: 1.593 tấn, Thịt lợn: 4.576 tấn, Thịt gia cầm: 8.176 tấn, Sản phẩm động vật khác dùng làm thực phẩm: 1.947 tấn, Sản phẩm động vật không dùng làm thực phẩm: 1.478 tấn.
Công tác phối hợp trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản: Chi cục Thủy sản Hà Nội cũng tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát chất lượng thủy sản và kiểm soát nguồn gốc sản phẩm thủy sản được đưa vào thị trường tại Chốt kiểm dịch động vật thủy sản liên ngành số 1 tại Chợ cá Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội. Qua kiểm tra động vật thủy sản trong quá trình vận chuyển vào chợ đều bình thường, không có dấu hiệu của bệnh; hầu hết các lô hàng thủy sản đưa vào kinh doanh tại chợ đều đã xuất trình được hồ sơ truy xuất nguồn gốc. Về sản lượng động vật thủy sản tiêu thụ trong 06 tháng ước tính là 12.366,4 tấn, chủ yếu là cá trắm cỏ, cá chép, cá mè, cá trôi, cá rô phi, cá chim, diêu hồng, cá chuối hoa…. trong đó có 25.910 kg thủy sản nhập từ Trung Quốc.
Công tác phối hợp trong lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật: Tiếp tục thực hiện các thỏa thuận hợp tác về “Sản xuất và tiêu thụ RAT” với 08 tỉnh: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hòa Bình, Hưng Yên và Sơn La. Đặc biệt, tỉnh Lào Cai, Vình Phúc và Sơn La ký thỏa thuận phối hợp về sản xuất và tiêu thụ RAT với Chi cục BVTV Hà Nội. Bên cạnh đó, Chi cục BVTV thường xuyên phối hợp với Chi cục Trồng trọt và BVTV các tỉnh, thành phố trong cả nước về bảo vệ, kiểm dịch thực vật, về quy trình sản xuất, trồng trọt đảm bảo ATTP... đồng thời thường xuyên tham quan, trao đổi học tập kinh nghiệm lẫn nhau về mọi mặt; Tiếp tục phối hợp với các tỉnh trong công tác chuyển giao các tiến bộ khoa học lỹ thuật về giống lúa như: Tuyển chọn các giống lúa mới đưa vào khảo nghiệm để lựa chọn ra giống lúa thích ứng với điều kiện ngoại cảnh, thổ nhưỡng của Hà Nội, có năng suất, chất lượng tốt để bổ sung vào cơ cấu giống lúa của Hà Nội; chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về sản xuất cây giống cây ăn quả; Lựa chọn các sản phẩm có thế mạnh, tiềm năng của các tỉnh đưa vào thị trường Hà Nội
Công tác xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ nông lâm thủy sản trên địa bàn và các tỉnh: Trong 06 tháng đầu năm 2019, Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội đã phối tích cực triển khai công tác xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất – tiêu thụ nông lâm thủy sản giữa Hà Nội với các tỉnh, Tổ chức 02 cuộc hội nghị về phát triển nông nghiệp, nông thôn giữa các Hà Nội và tỉnh Quảng Ngãi và Lào Cai. Tổ chức cho các đoàn đi tham quan thực tế. Hội nghị cũng góp phần mở ra cơ hội hợp tác, giao thương giữa Thủ đô và các địa phương, góp phần mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh và thúc đẩy tiêu thụ cho các sản phẩm nông sản an toàn của địa phương…; Tổ chức Hội nghị xúc tiến kết nối doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, phát triển chế biến, liên kết vùng tạo chuỗi để phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, xúc tiến xuất khẩu chính ngạch sản phẩm nông nghiệp; Phối hợp với Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương tổ chức Hội thảo “Phát triển hệ thống các trung tâm cung ứng nông sản Việt Nam hiện đại giai đoạn 2018 – 2020 và định hướng đến 2030; Tổ chức Hội nghị kết nối sản xuất – tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản, phát triển trung tâm cung ứng nông sản an toàn cho thành phố Hà Nội.
Tổ chức đoàn kiểm tra, đánh giá Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt cho thành phố Hà Nội tại Hải Phòng. Với sự tham gia của Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, Lãnh đạo Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản, Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT và các đơn vị trực thuộc Sở. Thăm quan các chuỗi sản xuất nông lâm thủy sản tiêu biểu của thành phố Hải Phòng như: Công ty Cổ phần giống gia cầm Lượng Huệ, mô hình nuôi cá vược tại HTX nuôi trồng thủy sản Mắt Rộng, Công ty Cổ phần chế biến dịch vụ thủy sản Cát Hải,…
Thường xuyên giới thiệu các địa chỉ sản xuất, sơ chế chế biến kinh doanh đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các Chi cục tỉnh bạn để phối hợp công tác kết nối tiêu thụ nông lâm thuỷ sản.
Ước tính trong 06 tháng đầu năm, tỉnh Hòa Bình cấp cho thành phố Hà Nội trong năm 2019 ước tỉnh khoảng 20.000 tấn quả có múi các loại, 250 tấn thịt gia súc lớn, 1.500 tấn cá sông Đà, sản phẩm nông sản chế biến trên 300 tấn các loại, trên 200 tấn rau hữu cơ; Tỉnh Lào Cai cung cấp cho TP Hà Nội khoảng hơn 4000 tấn rau, 50 tấn thịt và trên 200 tấn thủy sản; Tỉnh Vĩnh Phúc cung cấp Rau củ quả: 40.000 tấn; Trứng gà: 150 triệu quả; Gà thịt: 1.700 tấn, Lợn thịt: 10.000 tấn, thủy sản nuôi (cá trôi, mè, trắm, chép, rô phi đơn tính): 2.000 tấn, 50 tấn nấm đùi gà, 20 tấn giò, chả...; Tỉnh Bắc Ninh cung cấp cho Tp Hà Nội khoảng hơn 18000 tấn, trong đó sản phẩm chủ lực là thủy sản nước ngọt như cá trắm cỏ, cá chép, cá rô phi với hơn 15.000 tấn; tỉnh Lạng Sơn khoảng 20 tấn rau, củ, quả; trên 50 tấn sản phẩm đã qua chế biến như măng ớt, cao khô, thạch đen, hoa quả các loại; tỉnh Hà Nam đã cung ứng khoảng 8.000 tấn nông lâm thủy sản, trong đó thịt lợn khoảng 5.200 tấn, gia cầm khoảng 700 tấn đã qua kiểm dịch, phần còn lại là rau, củ, quả, gạo. Công ty Masan chi nhánh Hà Nam cung cấp cho các siêu thị tại Hà Nội (chuỗi cửa hàng Meat Deli, Vinmart,…) 460 tấn thịt lợn đã qua sơ chế, bao gói; tỉnh Sơn La cung cấp 30.381, 6 tấn, trong đó: 6.533, 5 tấn rau các loại, 23.667, 7 tấn quả các loại. Thị trường tiêu thụ: các siêu thị tại Hà Nội như Vinmart, Fivimart, Metro, Aeon, Biggreen, Bác Tôm, Big C, Tràng An, Auchan; Trung tâm Hội chợ Triển lãm nông nghiệp số 489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội; chợ đầu mối tại Hà Nội; Tỉnh Hải Dương cung cấp khoảng hơn 500 tấn, trong đó sản phẩm chính là rau, thủy sản nước ngọt, thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt; tỉnh Bắc Kan cung cấp về Hà Nội khẩu nua lếch 07 tấn, măng khô 03 tấn...
Với quyết tâm cao của Lãnh đạo Bộ nông nghiệp và PTNT và lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội cùng sự đồng thuận, đồng lòng của Lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và PTNT của 21 tỉnh, thành trong Ban điều chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội, công tác quản lý an toàn thực phẩm dựa trên tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị là hướng đi đúng đắn và tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, sản lượng thực phẩm nông lâm thủy sản được sản xuất theo chuỗi cung cấp cho thị trường Hà Nội ngày càng tăng, chất lượng, ATTP được kiểm soát chặt trẽ./.
Tích cực mở rộng dây truyền sản xuất thực phẩm sạch cho thành phố(18/10/2012)
Kiểm soát chặt việc giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm(18/10/2012)
Phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông Chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch(19/10/2012)
Kế hoạch công tác vệ sinh an toàn thực phẩm Thành phố Hà Nội năm 2012(25/03/2013)