Theo dự thảo báo cáo, toàn thành phố hiện có 1.075 cơ sở giết mổ gia súc gia cầm. Tuy nhiên chỉ có 116 cơ sở được cán bộ thú y kiểm soát, số điểm giết mổ còn lại chưa được kiểm soát của cơ quan thú y do nằm trong khu dân cư, không bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, các cơ sở giết mổ công nghiêp, bán công nghiệp, thủ công tập trung hiện có trên địa bàn thành phố còn hạn chế, hoạt động với công suất thấp. Các cơ sở giết mổ công nghiệp đã được đầu tư tốn kém nhưng mới chỉ hoạt động được 15 đến 30% công suất thiết kế, một số cơ sở đã phải ngừng hoạt động giết mổ dây chuyền hoặc chuyển sang giết mổ sàn đề duy trì hoạt động.
Một khó khăn nữa là hiện nay hoạt động giết mổ nhỏ lẻ, thủ công rất đa dạng, không có địa điểm cố định rải rác ở hầu hết các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố (trừ huyện Thanh Trì). Một số chủ giết mổ hoạt động theo mùa vụ nên việc kiểm tra, kiểm soát gặt nhiều khó khăn, không đảm bảo các điều kiện vệ sinh theo quy định.
Để giải quyết những tồn tại, khó khăn UBND thành phố đã ban hành quy hoạch đến năm 2020 trên địa bàn thành phố có 10 cơ sở giết mổ công nghiệp, 37 cơ sở giết mổ thủ công tập trung với công suất thiết kế 991 tấn gia súc, gia cầm. Tuy nhiên trong quá trình triển khai quy hoạch gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do điều kiện kinh tế xã hội của các địa phương thay đổi…
Tại hội nghị, các sở ngành và đại diện UBND các huyện, thị xã đã đánh giá tình hình giết mổ gia súc, gia cầm ở địa phương mình và đưa ra một số giải pháp để xây dựng một số điểm giết mổ tập trung ở địa phương mình. Theo đó đã có 7 huyện và 1 thị xã xin điều chỉnh bổ sung quy hoạch hệ thống giết mổ chế biến gia súc gia cầm nhằm bảo đảm tính khả thi, xa khu dân cư, không chồng lấn với các quy hoạch đô thị...
Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết trong thời gian sớm nhất Sở sẽ tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của các huyện, thị xã để hoàn thiện báo cáo đánh giá công tác giết mổ gia súc, gia cầm trình thành phố. Tuy nhiên lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội cũng mong muốn các huyện, thị xã tập trung rà soát lại các điểm giết mổ tập trung ở địa phương mình. Xem xét đưa ra đúng vị trí, quy mô của điểm giết mổ, trong đó đảm bảo phù hợp với quy hoạch, sử dụng đất, bảo vệ môi trường đồng thời gắn với liên kết chuỗi (từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản). Ngoài ra còn chú trọng lấy ý kiến đóng góp của người dân và chính quyền ở cơ sở từ đó tăng cường quản lý giết mổ gia súc gia cầm, bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.