(HNM) - Sau hơn một năm tiếp tục triển khai, Dự án \"Cạnh tranh ngành Chăn nuôi và an toàn thực phẩm\" (Lifsap) giai đoạn (2016-2018) do Ngân hàng Thế giới tài trợ đã tạo sự chuyển biến mạnh cho ngành Chăn nuôi Hà Nội. Đến nay, các vùng chăn nuôi của thành phố đã hình thành chuỗi liên kết sản xuất gắn với thị trường và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm… Với kết quả đạt được, Hà Nội đã phê duyệt khoản vay bổ sung 47,8 tỷ đồng thực hiện dự án, tạo thêm nguồn thực phẩm sạch cho người dân.
Định hình chuỗi liên kết
Dự án Lifsap được triển khai trên địa bàn TP Hà Nội từ năm 2010, với mục tiêu giảm thiểu tác động môi trường từ chăn nuôi, giết mổ và phân phối thịt, nâng cao chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trong chuỗi cung ứng sản phẩm thịt ra thị trường. Đánh giá kết quả thực hiện dự án, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án Lifsap Hà Nội Đỗ Quốc Phấn cho biết, sau khi kết thúc giai đoạn 2010-2015, tiếp tục triển khai giai đoạn 2016-2018, đến nay Hà Nội đã xây dựng được 4 vùng chăn nuôi GAHP (Quy trình thực hành chăn nuôi tốt) ở 14 xã tại các huyện Chương Mỹ, Thanh Oai, Thường Tín, Quốc Oai. Năm qua đã có 1.198/1.308 số hộ chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Thông qua việc áp dụng quy trình GAHP, sản phẩm chăn nuôi được kiểm soát chặt chẽ ở từng khâu như: Chuồng trại, chất lượng con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, ghi chép sổ sách chăm sóc và xuất bán sản phẩm…
Không chỉ có vậy, các hộ chăn nuôi đã nâng hiệu quả kinh tế cao hơn 14,7% so với các hộ chăn nuôi không áp dụng GAHP và cung cấp thực phẩm an toàn cho cộng đồng. Bà Phạm Thị Lệ, huyện Chương Mỹ cho biết, khi tham gia dự án, hộ chăn nuôi được tập huấn, tham quan mô hình lớn để học hỏi, kỹ thuật chăn nuôi an toàn, không lạm dụng thuốc kháng sinh. Nhờ đó, giảm tỷ lệ chết ở đàn vật nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế. Vì vậy, 2.000 gà đẻ trứng, tỷ lệ đẻ trung bình từ 80 đến 90%, mỗi ngày thu từ 1.800 đến 1.900 quả, với giá trứng bán hơn 2.000 đồng/quả, gia đình bà Lệ lãi từ 50 đến 60 triệu đồng/tháng.
Không chỉ hỗ trợ hộ chăn nuôi nông hộ, năm qua, dự án Lifsap còn nâng cấp và bàn giao đưa vào sử dụng 8 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; hỗ trợ nâng cấp và nghiệm thu bàn giao cho chính quyền địa phương đưa vào sử dụng 30 chợ thực phẩm tươi sống với 1.831 quầy bàn bán thịt tại 4 huyện vùng GAHP và một số huyện khác trên địa bàn thành phố. Ông Vũ Văn Khương, xã Hồng Phong, huyện Chương Mỹ cho biết, trước đây cơ sở giết mổ của gia đình nhỏ, nên chưa quan tâm đến xử lý nước thải, điều kiện vệ sinh thú y. Hỗ trợ của dự án Lifsap đã giúp cải tạo khu giết mổ lợn, nâng công suất từ 80 đến 100 con/ngày. Đến nay, cơ sở đã cơ bản đáp ứng các điều kiện về vệ sinh, kiểm dịch của cơ quan thú y, lợn được truy xuất nguồn gốc.
Tháo gỡ khó khăn
Ông Đỗ Quốc Phấn cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai dự án Lifsap vẫn tồn tại những khó khăn cần sớm được khắc phục. Chẳng hạn, hộ chăn nuôi áp dụng GAHP với quy mô nhỏ hiện chiếm tỷ lệ lớn, mối liên kết sản xuất của các nhóm GAHP chưa thực sự bền vững, một số có nguy cơ tan rã khi dự án kết thúc, định hướng thị trường của các nhóm GAHP còn hạn chế... Việc truy xuất nguồn gốc từ chợ thực phẩm tươi sống, cơ sở giết mổ thuộc vùng GAHP của dự án còn thấp; khâu gắn kết từ sản xuất đến tiêu thụ vẫn lỏng lẻo. Dự án mới nâng cấp được các chợ bán thực phẩm tươi sống ở ngoại thành mà chưa chú trọng đến chợ nội thành vì số lượng chợ quá lớn, trong khi kinh phí hạn chế.
Để tháo gỡ khó khăn trên và tiếp tục triển khai dự án giai đoạn 2016-2018, TP Hà Nội đã phê duyệt khoản vay bổ sung 47,8 tỷ đồng cho năm 2017. Theo đó, Ban quản lý dự án Lifsap Hà Nội tiếp tục nhân rộng phát triển hộ chăn nuôi áp dụng quy trình GAHP tại 4 huyện vùng GAHP; đồng thời, tiếp tục xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ ổn định thông qua các hợp tác xã; xây dựng mạng lưới cung cấp dịch vụ tiêu thụ sản phẩm cho các nhóm GAHP; xây dựng công trình xử lý chất thải cho hộ chăn nuôi trong vùng GAHP; xây dựng thương hiệu sản phẩm chăn nuôi an toàn để nâng cao giá bán ra thị trường…
Dự án giai đoạn 2 kết thúc vào cuối năm 2018, hy vọng có nhiều sản phẩm thịt của hộ chăn nuôi trong dự án bảo đảm các điều kiện vệ sinh ATTP, từ đó sẽ có thêm nhiều người tiêu dùng được sử dụng thực phẩm sạch, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Ngọc Quỳnh
Tích cực mở rộng dây truyền sản xuất thực phẩm sạch cho thành phố(18/10/2012)
Kiểm soát chặt việc giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm(18/10/2012)
Phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông Chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch(19/10/2012)
Kế hoạch công tác vệ sinh an toàn thực phẩm Thành phố Hà Nội năm 2012(25/03/2013)