Điểm nhấn: “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2017” tại Hà Nội
Thành phố Hà Nội hàng ngày hiện có gần 10 triệu dân sinh sống, học tập và công tác nên lĩnh vực an toàn thực phầm (ATTP) luôn được các cấp, các ngành, người dân quan tâm trú trọng đặt lên hàng đầu. Ngày 04/4/2017 UBND Thành phố có Kế hoạch phát động tháng hành động vì ATTP năm 2017 với chủ đề “Sản xuất kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn; kiểm soát rượu và phòng tránh ngộ độc rượu”.

Với nhiều giải pháp cụ thể, trong đó thành lập 06 đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra việc triển khai “tháng hành động vì ATTP năm 2017” tại tất cả các quận, huyện, thị xã. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tươi sống và sản phẩm rượu. Kiểm tra đột xuất các cơ sở theo phản ánh của người dân hoặc cơ quan truyền thông.

Ghi nhận của đoàn kiểm tra liên ngành Số 04 (do ông Nguyễn Huy Đăng – PGĐ Sở Nông nghiệp và PTNT làm Trưởng đoàn) về những chuyển biến, điểm nhấn tích cực các hoạt động triển khai “Tháng hành động về ATTP năm 2017”, bên cạnh đó cũng thấy những khó khăn tồn tại từ cơ sở về công tác quản lý ATTP tại một số huyện Chương Mỹ, Thanh Oai, Ba Vì, thị xã Sơn Tây và quận Ba Đình.

Thứ nhất: Về chỉ đạo, năm nay các quận huyện, thị xã đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc rõ nét hơn những năm trước. Cụ thể huyện xã có chỉ thị của Huyện ủy để chỉ đạo các cấp các ngành để vào cuộc, trong đó phải kể đến hoạt động của Hội Phụ nữ, Hội Nông dân trong công tác truyền thông, tập huấn đến người nông dân, xây dựng liên kêt trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm (như Thanh Oai, Chương Mỹ, Sơn Tây). 100 % các quận, huyện thị xã kiện toàn Ban chỉ đạo về ATTP và có kế hoạch chi tiết về ATTP năm 2017 và “tháng hành động vì ATTP” để triển khai đến các xã, thị trấn.

Trong chỉ đạo đã thực hiện đúng chủ đề mà Thành phố phát động đó là tập trung quản lý sản xuất kinh doanh rượu và thực phẩm tươi sống. Các quận huyện, thị xã được kiểm tra 100% đều có chỉ đạo về thống kê, rà soát các cơ sở kinh doanh, sản xuất rượu trên địa bàn. Đã thành lập các đoàn kiểm tra để đi kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhà hàng ăn uống có bàn rượu. Tăng cường chỉ đạo các hoạt động liên quan đến sản xuất thực phẩm tươi sông như các khu vực sản xuất rau, các cơ sở chăn nuôi đê ngăn chặn chất cấm, chất tạo nạc, việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi.

Kiểm tra hoạt động tại một số xã, việc chỉ đạo và huy động các tổ chức đoàn thể cũng được các xã quan tâm trú trọng hơn so với những năm trước. Nhiều nơi đã huy động hoạt động đoàn thành niên, học sinh cho hoạt động truyền thông, cổ động về tháng hành động về ATTP. Từ chỉ đạo quyết liệt và thực hiện đồng bộ các khâu thanh tra, kiểm tra và truyền thông nên nhận thức của toàn dân về ATTP đã có nhiều chuyển biến đi vào chiều sâu.

Thứ hai: Về hoạt động thanh tra kiểm tra, giống như thành phố, các quận, huyện, thị xã đã thành lập từ 2 - 3 đoàn kiểm tra đi kiểm tra đến các xã, phường. Có thể đây là một hoạt động tích cực nhằm chuyển biến nhận thức từ cơ sở. Hoạt động kiểm tra còn thấy được nhiều tồn tại, hạn chế trong chỉ đạo tổ chức triển khai từ cơ sở để chấn chính kịp thời. Đoàn kiểm tra cũng sẽ cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm những nơi làm tốt để giúp các cơ sở khắc phục hạn chế.

Đoàn kiểm tra Số 04 trực tiếp kiểm tra một số cơ sở kinh doanh, bếp ăn tập thể thấy về nhận thức các chủ cơ sở cũng đã có nhiều chuyển biến. Rõ nét nhất là việc các chủ hộ kinh doanh đều cho ý kiến bây giờ nếu kinh doanh không đảm bảo ATTP “sẽ tự bị loại thải mà không phát triển và tồn tại được”. Với bếp ăn tập thể, các cơ sở được kiểm tra đều đã đã có nhận thức sâu sắc về việc nhập sản phẩm về sử dụng đều phải nhập ở nơi rõ ràng về nguồn gốc, xuất xứ và đều có hợp đồng mua bán rõ ràng. Năm 2017 cũng là năm quan tâm đến hoạt động kinh doanh sản xuất rượu tại các cơ sở, 100% các quận, huyện, thị xã được kiểm tra đều có kế hoạch thanh tra kiểm tra về rượu, nhiều nơi có làng nghề về sản xuất rượu thì hoạt động này được quan tâm trú trọng hơn.

Thứ ba: Công tác truyền thông về tháng hành động vì ATTP, các quận, huyện đã chủ động tích cực thông qua các hoạt động cụ thể như tăng thời lượng phát sóng về ATTP đến đài truyền thanh các xã, thị trấn cụm dân cư. Đảm bảo có băng rôn, pano tuyên truyền về ATTP treo tại các khu vực đông dân cư, cổng trụ sở. Nhiều huyện tổ chức xe cổ động đi tuyên truyền trên các đường trục chính của huyện (Thanh Oai, Ba Vì, Sơn Tây,…).

Tổ chức tập huấn, nói chuyện chuyên đề về ATTP đến nhiều đối tượng trong đó phải kể đến việc triển khai đến các chủ cơ sở kinh doanh. Vừa tuyên truyền vừa hướng dẫn việc thực hiện xác nhận kiến thức về ATTP cho các đối tượng kinh doanh thực phẩm tại cơ sở vì vậy số người được xác nhận kiến thức về ATTP được tăng lên rõ rệt, như huyện: Chương Mỹ, Ba Đình,… Một số nơi còn làm tốt việc xã hội hóa về truyền thông ATTP như hướng dẫn để các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh chủ động làm băng rôn, pano treo tại cổng cơ sở và điểm kinh doanh, như huyện: Ba Đình, Thanh Oai, Chương Mỹ,... Chính từ hoạt động này đã nhân rộng số người biết và hiểu thêm về “Tháng hành động về ATTP” năm 2017.

Thứ tư: Tập trung thanh tra, kiểm tra việc sản xuất kinh doanh rượu, 100% các quận, huyện thị xã được kiểm tra đã thành lập các đoàn liên ngành đi kiểm tra trực tiếp tại cơ sở. Đồng thời đã thực hiện việc thống kê, rà soát tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh rượu trên địa bàn. Một số huyện có làng nghề nấu rượu đã mời các hộ lên hướng dẫn việc làm và tuyên truyền, phổ biến các thủ tục về sản xuất kinh doanh rượu theo quy định của pháp luật. Tuyên truyền để người dân chấp hành tốt việc quản lý sản xuất, kinh doanh rượu.

Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình thanh tra, kiểm tra đoàn kiểm tra Số 04 cũng thấy được những khó khăn, bất cập, hạn chế tại các địa phương, cơ sở khi triển khai “tháng hành động ATTP năm 2017”.  

Các hoạt động kinh doanh sản xuất nhỏ lẻ rất khó cho công tác quản lý cũng như việc cấp giấy chứng nhận ATTP cho các chủ cơ sở. Kể các việc các hộ sản xất kinh doanh rượu nhỏ lẻ, qua kiểm tra nhiều hộ sản xuất rượu chủ yếu phục vụ cho mục đích sử dụng hoặc chỉ bán cho người thân quen trong gia đình nên rất khó kiểm tra, xử lý vi phạm. Đối với việc quản lý kinh doanh rượu tại các làng nghề, các thôn xóm mới chỉ dừng lại ở việc thống kê, ra soát, hướng dẫn để chủ cơ sở làm các thủ tục theo quy định của pháp luật mà chưa cấp được các thủ tục để chủ cơ sở kinh doanh sản xuất.

Đối với các hộ kinh doanh ăn uống tại các quán đường phố, đường làng, ngõ xóm thường sử dụng rượu không rõ nguồn gốc nhưng không xử lý được do hoạt động kinh doanh quá nhỏ lẻ. Các chế tài xử lý vi phạm không đủ sức răn đe nên việc thanh kiểm tra xử lý vi phạm nhất là ở cấp xã, phường gặp rất nhiều khó khăn. Việc xử lý vi phạm hành chính trong tháng hành động vì ATTP hiện còn quá thấp so với thực tế, yêu cầu đặt ra. Chủ yếu các đoàn liên ngành của quận, huyện thị xã mới dừng lại ở việc đôn đốc, nhắc nhở mà chưa xử phạt vi phạm hành chính nên tính răn đe các đối tượng vi phạm chưa cao, như Quận Ba Đình trong tháng rất nhiều cuộc kiểm tra nhưng không có trường hợp xử lý vi phạm bằng hình thức phạt tiền).

Đa số các quận, huyện chưa xây dựng được chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm để đảm bảo tự cung tự cấp rau, thịt cho các bếp ăn tập thể, nhà hàng tại quận, huyện vừa để phát triển cho hộ sản xuất vừa đảm bảo ATTP. Với các huyện đều chưa xây dựng được cơ sở giết mổ tập trung nên việc quản lý gia súc gia cầm gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại.

Về công tác truyền thông “trong tháng hành động về ATTP” đã có nhiều chuyển biến song vẫn cần có những giải pháp sâu rộng đồng bộ hơn nữa, nhất là việc huy động cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh. Làm sao để mọi người, mọi nhà, các cơ quan, đơn vị nhất là các trường học, học sinh, sinh viên đều biết về năm ATTP, “tháng hành động vì ATTP”, có sự đồng thuận cao như vậy thì công tác quản lý ATTP tại cơ sở mới có chuyển biến về chiều sâu, bền vững.

Như ý kiến của Ban chỉ đạo ATTP các quận, huyện, thị xã, các cơ sở kinh doanh, các đối tượng được kiểm tra đều khẳng định hoạt động thanh kiểm tra đã giúp cho các địa phương, các cơ sở rút kinh nghiệm những tồn tại hạn chế để tập trung triển khai các giải pháp trong thời gian tới. Chắc chắn từ kết quả thanh, kiểm tra của 06 đoàn liên ngành Thành phố vừa qua sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động quản lý về ATTP tại Hà Nội có chuyển biến tích cực hơn trong thời gian tới./. 

Nguyễn Ngọc Sơn, Phó chi cục trưởng Chi cục thú y Hà Nội

BÀI VIẾT KHÁC

Bản đồ hành chính

Bản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chínhBản đồ hành chính

Liên kết website

Thời tiết

Tổng lượt truy cập

Đang truy cập: 8384
Tổng lượng truy cập: 25344896