Thống kế cho thấy, năm 2013 cả nước có 167 vụ ngộ độc thực phẩm, 5.558 người bị ngộ độc, 28 người chết. Năm 2014 có 194 vụ, 5.203 người ngộ độc, 43 người chết. Năm 2015, 171 vụ, 4.965 người mắc và 23 trường hợp tử vong. Như vậy, ngộ độc thực phẩm không chỉ là hồi chuông báo động mà đang là hồi chuông báo tử.
Tính toán cũng cho thấy, chi phí mà xã hội bỏ ra không nhỏ để xử lý ngộ độc thực phẩm, đơn cử tiền thuốc men và viện phí cho mỗi nạn nhân ngộ độc do vi sinh vật chừng 300.000 - 500.000 đồng, ngộ độc do hóa chất (thuốc trừ sâu, phẩm màu...) 3 - 5 triệu đồng.
Phân loại nguyên nhân thì ngộ độc thực phẩm do nhiễm vi sinh vật chiếm tới 33 - 49%; vi khuẩn Salmonella là thủ phạm của 70% vụ; ô nhiễm hóa chất chiếm 11 - 27% và 27% số vụ do ăn phải thực phẩm tồn đọng hóa chất.
Thực trạng giết mổ gia súc, gia cầm lạc hậu trở thành vấn đề nan giải hiện nay. Việc giết mổ thường diễn ra vào ban đêm, với khoảng thời gian ngắn, thiếu nhân lực, thiếu mặt bằng... Chưa kể, phương tiện vận chuyển heo, gà mới mổ chủ yếu là những chiếc xe máy cà tàng chạy khắp làng quê, thành thị, bất kể trời nắng, mưa hay khói bụi.
Việc xây dựng các điểm giết mổ công nghiệp sẽ giúp người chăn nuôi ý thức được quy trình nuôi sạch. Ngoài ra, các cơ sở này cũng góp phần quản lý sản phẩm “đầu vào” nguyên liệu, bằng cách khuyến khích sản phẩm sạch theo nguyên tắc “nước chảy chỗ trũng”. Đáng tiếc là cả nước có tới 28.285 điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, trong khi chỉ 59 cơ sở giết mổ tập trung (chiếm 0,51%).
Thực trạng này được lý giải là do một số điểm giết mổ tập trung được đầu tư quy mô nhưng lại rơi vào tình trạng “khan hiếm nguyên liệu” do lượng gia súc, gia cầm cung ứng có nơi chỉ đạt 5% công suất. Còn người chăn nuôi cho rằng, việc bán sản phẩm cho thương lái và các lò mổ nhỏ lẻ thuận tiện lại giảm chi phí.
Người tiêu dùng vẫn quan niệm “Việc quản lý vệ sinh môi trường trước hết là quản lý từ gốc, tức là từ hộ chăn nuôi”. Nhưng từ trước đến nay, việc quản lý thường diễn ra ở các chợ, khi sản phẩm đã được giết mổ xong và trang thiết bị kiểm định lại thiếu thốn. Lâu nay, đa phần cơ quan chức năng tập trung vào lĩnh vực khuyến nông, còn việc quản lý thậm chí xử phạt hành chính về an toàn vệ sinh thực phẩm ngay tại các làng xã là rất khó khăn.
Các nhà làm chuyên môn và quản lý cho rằng, để người chăn nuôi không sử dụng chất tạo nạc thì phải cần nhiều ngân sách truyên truyền đến tận người dân. Cần có lực lượng cán bộ đông đảo hơn. Song nếu cứ chăn nuôi nhỏ lẻ thì số lượng cán bộ chức năng sẽ phình ra ngày càng nhiều. Giải pháp để phát triển bền vững là xây dựng ngành chăn nuôi tập trung, quy hoạch vùng, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh gây ra, tạo nên những sản phẩm chăn nuôi có giá trị cao và được kiểm định thường xuyên chất lượng sản phẩm. Song vấn đề đầu ra lại đang gặp khá nhiều khó khăn đối với các vùng nuôi tập trung.
Khó khăn cho người tiêu dùng là không phân biệt được đâu là sản phẩm sạch trên thị trường. Giải quyết vấn đề này, các công ty cũng đã và đang xây dựng những mô hình liên kết chuỗi, truy xuất nguồn gốc.
Xây dựng các điểm giết mổ công nghiệp góp phần phát triển thực phẩm sạch Nguồn: skynews.com
Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam đã phát triển sản phẩm “Five Star” với mô hình hợp tác kinh doanh tại 9 quốc gia như: Thái Lan, Bangladesh, Campuchia, Ấn Độ, Myanmar, Malaysia… Sản phẩm chính của Five Star là gà rán và xiên que, sử dụng nguyên liệu gà tươi của đơn vị này với quy trình sản xuất khép kín từ con giống, chăn nuôi cho đến thành phẩm trên bàn ăn. Đây là một hướng đi hiện đại của các công ty cung ứng thực phẩm. Với các trang trại Việt Nam, việc liên kết chuỗi cũng đã được chú ý hơn trước kia và giúp nhiều doanh nghiệp thành công.
Các sản phẩm “sạch” hiện vẫn còn ở mức giá cao so với mặt bằng chung là vấn đề không chỉ riêng đối với Việt Nam. Chẳng hạn, giá thịt heo được chăn nuôi theo quy trình hiện đại bền vững, không sử dụng kháng sinh, hóa chất ở Singapore đắt hơn gấp 4 lần so với sản phẩm cùng loại mà ngành chăn nuôi Việt Nam cung cấp cho thị trường.
Hiện đã có trên 100 trang trại chăn nuôi lớn và hơn 9.000 hộ chăn nuôi đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm (LIFSAP) do Ngân hàng Thế giới tài trợ với tổng vốn lên tới 79,03 triệu USD triển khai trên 12 tỉnh, thành phố của cả nước. Song việc sản xuất cũng cầm chừng. Giá thành sản xuất sản phẩm sạch theo hướng hiện đại có chi phí cao hơn sản phẩm nuôi công nghiệp trước đây 2.000 - 4.000 đồng/kg.
Thực tế là rất nhiều cửa hàng bán thực phẩm sạch mà chúng tôi tiếp cận chỉ sau thời gian ngắn đã phải đóng cửa vì vắng khách. Những cửa hàng vốn bán thực phẩm thường đang đông khách, khi chuyển sang bản thực phẩm sạch thì khách hàng giảm mạnh và thua lỗ nặng.
Nhiều chủ cửa hàng và các siêu thị cho rằng nhà nước nên có chính sách thiết thực phát triển các sản phẩm sạch, bằng cách có chính sách ưu đãi thuế, chính sách hỗ trợ về giá… tạo sức hút ban đầu đối với người dân khi sử dụng các sản phẩm VietGAP, các sản phẩm sạch của bà con nông dân.
>> Bên cạnh việc thay đổi nhận thức tiêu dùng của người dân hướng sang sản phẩm sạch, nói “không” với thực phẩm không an toàn, thì vấn đề của ngành chăn nuôi là phải cung cấp sản phẩm sạch ở mức giá có sức cạnh tranh tốt. Người nội trợ đánh giá, sản phẩm sạch hiện đắt hơn 2 - 3 lần thực phẩm bán trên thị trường nói chung.
Tích cực mở rộng dây truyền sản xuất thực phẩm sạch cho thành phố(18/10/2012)
Kiểm soát chặt việc giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm(18/10/2012)
Phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông Chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch(19/10/2012)
Kế hoạch công tác vệ sinh an toàn thực phẩm Thành phố Hà Nội năm 2012(25/03/2013)