Trước thực trạng vi phạm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp đang có chiều hướng gia tăng, 8 tháng đầu năm 2016, quận Long Biên đã tập trung chỉ đạo công tác quản lý nhằm siết chặt việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, qua đó, góp phần hạn chế tình trạng thực phẩm bẩn được sản xuất, tiêu thụ trên địa bàn.
Hiện nay, trên địa bàn quận Long Biên có tổng số 2.914 cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực nông nghiệp, công thương liên quan đến ngành nghề có điều kiện, vệ sinh ATTP, trong đó, 2.318 cơ sở thuộc lĩnh vực nông nghiệp, 596 cơ sở thuộc lĩnh vực công thương. Trong số 2.318 cơ sở lĩnh vực nông nghiệp, có 63 cơ sở thuộc cấp quận (chiếm 2,71%); 2.255 cơ sở thuộc cấp phường (chiếm 97,29%). Trong 63 cơ sở cấp quận quản lý đang hoạt động, hiện có 47 cơ sở đã có đủ các thủ tục theo quy định (đạt 74,6%), hiện còn 16 cơ sở chưa đủ thủ tục. Trong 2.236 cơ sở thuộc cấp phường, có 102 cơ sở thuộc đối tượng phải cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện, hiện có 28 cơ sở có đủ thủ tục (đạt 27,4%), còn 74 cơ sở chưa đủ thủ tục. Trong số 596 cơ sở lĩnh vực công thương, có 91 cơ sở thuộc cấp Quận quản lý (chiếm 15,26 %); 505 cơ sở thuộc cấp phường (chiếm 84,74%). Trong 91 cơ sở hiện có 35 cơ sở đã có đủ các thủ tục theo quy định (đạt 38,5%), hiện còn 56 cơ sở chưa đủ thủ tục.
Từ đầu năm đến nay, quận Long Biên đã tích cực triển khai công tác tuyên truyền, tập huấn, in 5.000 tờ gấp tuyên truyền cấp phát về các phường. Nội dung tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và cách nhận biết sản phẩm chứa chất cấm; nguyên tắc sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thuỷ sản và phương pháp nhận biết thuỷ sản tươi sống. Bên cạnh đó, đã tổ chức 04 lớp tập huấn về Luật thú y, công tác ATTP có nguồn gốc động vật và nghiệp vụ quản lý, công tác kiểm tra, rà soát, thống kê các cơ sở với 600 người tham dự; 11 lớp ATTP cho người sản xuất sơ chế rau an toàn ở các phường Ngọc Thụy, Bồ Đề, Thượng Thanh, Cự Khối, Giang Biên, Việt Hưng với 1.000 người dự. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền triển khai công tác vệ sinh ATTP tại 20 chợ với trên 800 lượt hộ kinh doanh tham dự. Quận cũng đăng tải thông tin tuyên truyền về chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông lâm thủy sản về tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và nhận biết sản phẩm chứa chất cấm, nguyên tắc sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thuỷ sản và cách nhận biết thuỷ sản tươi sống.
Tại các phường, đã thực hiện kiện toàn BCĐ phường; tổ chức rà soát, thống kê và ký cam kết các hộ; tổ chức kiểm tra, đánh giá các cơ sở theo phân cấp; biên tập tin bài tuyên truyền trên đài phát thanh phường; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền trên địa bàn phường.
Trong công tác cấp phép, ký cam kết, 8 tháng đầu năm, quận đã ký 12 giấy chứng nhận, trong đó, cấp mới 8 giấy, cấp đổi 4 giấy cho các cơ sở đủ điều kiện ATTP; Cấp Giấy xác nhận kiến thức ATTP 59 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Ở cấp phường, đã có 5 phường đã thực hiện cấp mới cho 10 cơ sở có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. 14/14 phường đã thực hiện ký cam kết ATTP đối với cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ. Có 1.680/2.029 hộ sản xuất nhỏ lẻ được ký cam kết (đạt 82,8%).
Cùng với tuyên truyền và triển khai ký cam kết, quận Long Biên cũng thực hiện nghiêm việc thanh kiểm tra các cơ sở. Theo đó, đã tổ chức kiểm tra 62 cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản trên địa bàn quận; tham mưu xử phạt vi phạm hành chính 06 cơ sở, với tổng số tiền phạt là 19,2 triệu đồng; đình chỉ 02 cơ sở (lò mổ).
Bên cạnh đó, Phòng Kinh tế đã phối hợp với Trung tâm Phân tích đánh giá chất lượng nông lâm thuỷ sản Hà Nội tổ chức lấy 2 đợt mẫu xét nghiệm đột xuất tại các cơ sở sản xuất, chăn nuôi: xét nghiệm 14 mẫu rau, quả; 10 mẫu chăn nuôi. Các mẫu xét nghiệm đều đảm bảo an toàn, không phát hiện các độc tố vượt quá ngưỡng theo quy định.
Tuy đạt được những kết quả nêu trên, nhưng công tác quản lý ATTP trên địa bàn quận vẫn còn tồn tại một số khó khăn như: Tỷ lệ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về vệ sinh ATTP lĩnh vực nông lâm thủy sản thuộc thẩm quyền của cấp phường thấp mới đạt: 27,45%. Vẫn còn các hộ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy định và thuốc bảo vệ thực vật cấm. Vì vậy, trong 4 tháng cuối năm, quận Long Biên sẽ tập trung làm tốt công tác công khai các cơ sở có đủ thủ tục theo quy định, công khai các cơ sở kinh doanh các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; công khai những cơ sở có sai phạm, vi phạm. Những cơ sở này sẽ được công khai trên cổng thông tin điện tử các phường, quận; công khai tại các tổ dân phố, các phường; công khai tại các chợ, trung tâm thương mại. Tổ chức tuyên truyền trên đài truyền thanh các phường.
Quận cũng sẽ tiếp tục tập trung hướng dẫn và thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người dân trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, tiếp tục tăng cường kiểm tra, xét nghiệm đột xuất các sơ sở. Trước mắt, tập trung kiểm tra đối với các cơ sở chưa có đủ thủ tục để xử phạt hành chính và bắt buộc các hộ phải thực hiện nghiêm các quy định của nhà nước. Bên cạnh đó, tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp đến từng chợ và thực hiện việc ký cam kết, cấp giấy chứng nhận đã học lớp vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định. Phấn đấu trong năm 2016 cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh ATTP lĩnh vực công thương đạt 50% và 100% các hộ trong chợ ký cam kết và có giấy chứng nhận theo quy định. Ngoài ra, quận cũng tiến hành kiểm tra theo chuyên đề đối với một số ngành nghề, lĩnh vực có ảnh hưởng nhiều đến vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường.
Hoàng Mai