Ngày 10/8, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu ký ban hành Kế hoạch số 151/KH-UBND về thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Kế hoạch nhằm đề cao trách nhiệm, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP của UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn; phát huy vai trò các ban, ngành, đoàn thể chính trị và người dân tham gia giám sát an toàn thực phẩm để tạo bước chuyển tích cực trong công tác quản lý ATTP; UBND TP yêu cầu công tác quản lý ATTP phải được thực hiện thường xuyên, và thực hiện theo nguyên tắc, bảo đảm an toàn ở tất cả các công đoạn của quá trình sản xuất, kinh doanh, chế biến và tiêu dùng sản phẩm; Tăng cường phối hợp, phân công trách nhiệm, phân cấp quản lý giữa các cấp, các sở, ban, ngành trong công tác quản lý ATTP để tạo ra hiệu quả rõ rệt, tránh chồng chéo; Kết quả tổ chức thực hiện công tác đảm bảo ATTP của các cấp, các ngành là một trong các tiêu chí để xét thi đua, khen thưởng hàng năm.
Tăng cường tuyên truyền trên báo chí và hệ thống thông tin cơ sở về các văn bản chỉ đạo của Trung ương và Thành phố về công tác ATTP; kịp thời phản ánh tình hình triển khai thực hiện của các cơ quan quản lý nhà nước; thông tin nhận biết thế nào là thực phẩm an toàn, quy trình an toàn, các điểm bán hàng an toàn, để người dân biết, vận dụng trong cuộc sống hàng ngày; Tuyên truyền gương các đơn vị, doanh nghiệp làm tốt công tác đảm bảo ATTP; đồng thời, thông tin các địa chỉ các cửa hàng, doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất, chế biến vi phạm ATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết, phòng tránh cũng như giám sát. Thông tin, tuyên truyền phải kịp thời, khách quan, trung thực; Tuyên truyền, vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến ký cam kết đảm bảo ATTP.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra đặc biệt là thanh tra, kiểm tra đột xuất về ATTP đối với cơ sở theo phân công, phân cấp và trên địa bàn; giải quyết kịp thời các sự cố mất ATTP; Có cơ chế phù hợp (đường dây nóng) để tiếp nhận phản ánh của nhân dân, báo chí về vi phạm ATTP và xử lý nghiêm, kịp thời; có hình thức tôn vinh, khen thưởng đối với cá nhân phát hiện và cung cấp thông tin về sản xuất, kinh doanh thực phẩm không an toàn.
Tập trung chỉ đạo xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản thực phẩm an toàn; thúc đẩy áp dụng rộng rãi mô hình VietGap, các mô hình sản xuất an toàn và phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn. Quản lý chặt chẽ các vật tư liên quan đến ATTP. Đánh giá kết quả và nhân rộng mô hình, hệ thống có hiệu quả; Xây dựng và triển khai một số mô hình, hệ thống phân phối thực phẩm an toàn. Đánh giá kết quả nhân rộng đối với mô hình, hệ thống có hiệu quả; Đầu tư trang thiết bị đo kiểm di động hoặc cố định tại một số trung tâm thương mại, chợ nông sản lớn, hướng dẫn và giúp người dân nhận biết thực phẩm an toàn, thực phẩm không an toàn; phát huy năng lực của các trung tâm đo kiểm trên địa bàn.
Bảo đảm an toàn, vệ sinh đối với các loại thực phẩm tươi sống và các loại thực phẩm tiêu dùng trong sinh hoạt hàng ngày của nhân dân; Tăng cường quản lý để ngăn chặn rượu, nước giải khát giả, kém chất lượng nhập lậu, gian lận thương mại trong lưu thông, kinh doanh; bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại.
Quản lý chặt chẽ để tăng cường kiểm soát phát hiện việc sử dụng các chất, thuốc dùng trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm như: rà soát danh mục các chất cấm dùng trong sản xuất, chế biến thực phẩm thuộc ngành quản lý; tập trung xử lý dứt điểm việc sử dụng Salbutamol, vàng ô, kháng sinh trong chăn nuôi, sản xuất, chế biến thực phẩm; Siết chặt quản lý việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng, chất bảo quản, phụ gia thực phẩm, thực phẩm chức năng. Tăng cường bảo đảm đảm ATTP trong dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể, nhất là tại các khu công nghiệp, trường học, lễ hội, sự kiện lớn.
UBND TP yêu cầu các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tin bài, chuyên mục, chuyên trang về an toàn thực phẩm; thông tin, tuyên truyền toàn diện khách quan, kịp thời về ATTP, quảng bá những cơ sở điển hình trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn và nêu cụ thể các cơ sở vi phạm ATTP.
UBND các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước UBND TP về công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn. Xác định đảm bảo ATTP là nhiệm vụ cấp thiết cần tập trung chỉ đạo, điều hành thường xuyên; ưu tiên bố trí đủ kinh phí, nguồn lực cho công tác quản lý ATTP, đặc biệt là kinh phí cho công tác kiểm tra, kiểm nghiệm, trang thiết bị kỹ thuật, xử lý tiêu hủy thực phẩm bẩn không an toàn; Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã trực tiếp chỉ đạo và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý ATTP của UBND xã, phường, thị trấn, kiên quyết xử lý cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm buông lỏng quản lý. Xác định việc đảm bảo ATTP là một tiêu chí xây dựng NTM, khu dân cư văn hóa. Thực hiện đánh giá, chấm điểm các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP theo Quyết định số 2780/QĐ-UBND ngày 31/5/2016 của UBND TP.