Trước tình hình trên việc kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông lâm thủy sản nói chung đặc biệt sản phẩm nông lâm thủy sản các tỉnh cung cấp cho Hà Nội nói riêng là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Nông nghiệp Hà Nội. Do vậy, tăng cường sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ giữa Hà Nội với các tỉnh trong công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất ban đầu đến sơ chế, chế biến và đưa ra thị trường tiêu thụ, trách nhiệm các bên liên quan là một trong những giải pháp quan trọng nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống nhân dân thủ đô cũng như các tỉnh.
Thực hiện thỏa thuận phối hợp quản lý nhà nước giữa Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội với Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, Chi cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản Hà Nội đã ký hợp tác với 19 tỉnh thành phía Bắc trong đó có Hà Nam và Nam Định nhằm tăng cường thúc đẩy, hỗ trợ nhau để nâng cao năng lực kiểm soát, quản lý chất lượng các sản phẩm nông lâm thủy sản của các tỉnh cung cấp cho Hà Nội và ngược lại theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn.
Trong tháng 4/2016, đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội gồm đại diện lãnh đạo Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, Đài phát thanh truyền hình Hà Nội do ông Trần Mạnh Giang, Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Hà Nội làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh Hà Nam và tỉnh Nam Định.
Hà Nam hiện có diện tích đất tự nhiên 86 nghìn ha, dân số trên 800 nghìn người, diện tích đất sử dụng nông nghiệp là 54.776 ha, chiếm 63,7% diện tích đất tự nhiên. Hà Nam là tỉnh đồng bằng có rất nhiều lợi thế phát triển sản xuất nông nghiệp, diện tích đất trồng lúa, rau màu là 43,359 ha, chiếm 50,4% diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh; đất nuôi thủy sản là 6.100 ha; Diện tích trồng rau màu hàng năm là 6.900-7.100 ha, năng suất bình quân 160 tạ/ha/năm, sản lượng rau hàng năm đạt 100 nghìn tấn với các sản phẩm rau chủ lục như: Các loại rau cải bắp, xu hào, súp lơ, đậu đỗ, dưa chuột, cà chua; nấm các loại, gạo đặc sản; một số sản phẩm chăn nuôi như Gà Móng, Thịt bò...Thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản của tỉnh chủ yếu là thị trường Hà Nội.
Năm 2015, thực hiện chương trình giám sát của Sở Nông nghiệp và PTNT, Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản, Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Hà Nội đã tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản, lấy hàng trăm mẫu nông sản, thủy sản; trong đó, Hà Nam có 02 mẫu rau (mẫu nấm trắng lấy tại Siêu thị Fivimart La Thành, mẫu rau cần lấy tại chợ đầu mối phía Nam), 04 mẫu thủy sản (02 mẫu cá chép và 02 mẫu cá trắm lấy tại chợ cá Yên Sở). Qua phân tích các chỉ tiêu cho kết quả: 01 mẫu vượt ngưỡng đối với chỉ tiêu thuốc BVTV; 02 mẫu rau phát hiện có dư lượng thuốc BVTV gồm các hoạt chất: Fenvalerate, Fipronil, Cypermethrin, Acephate, Propiconazole, Difennoconazole. Tuy nhiên Việt Nam chưa ban hành giới hạn tối đa cho phép các hoạt chất trên sử dụng cho các loại rau này; 01 mẫu cá trắm phát hiện hóa chất cấm CAP; Các mẫu còn lại đảm bảo ATTP với các chỉ tiêu phân tích. Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Hà Nội đã thông tin cho Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Hà Nam để phối hợp kiểm tra, giám sát và hướng dẫn cơ sở thực hiện sản xuất an toàn theo đúng qui định.
Năm 2015, đã có hàng trăm dòng sản phẩm của các cơ sở, doanh nghiệp của Hà Nam đã được đưa về tiêu thụ trên tại thị trường Hà Nội qua các siêu thị, các cửa hàng bán thực phẩm an toàn của các Công ty, những sản phẩm này đã được người tiêu dùng thủ đô tin tưởng và đánh giá cao như: Nấm các loại, đậu đỗ, rau, cá kho nhân hậu, Chuối ngự, Bánh đa nem, Miến dong...
Tại buổi làm việc với tỉnh Nam Định, lãnh đạo hai Chi cục đã chỉ ra những tiềm năng, cơ hội hợp tác và cũng thẳng thắn nhìn nhận kết quả công tác phối hợp trong năm qua còn nhiều hạn chế chưa được thường xuyên, liên tục. Việc thông tin hai chiều để nắm bắt, kiểm tra, rà soát những cơ sở sản xuất kinh doanh những mặt hàng nông sản thực phẩm chưa đáp ứng được điều kiện an toàn thực phẩm còn chưa được nhiều. Công tác kết nối Xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản thực phẩm đã có nhưng chưa được thường xuyên, chưa có doanh nghiệp đủ mạnh đứng ra kết nối và bao tiêu sản phẩm tại thị trường Hà Nội. Trong khi một số lượng lớn các sản phẩm nông sản của Nam Định hiện được buôn bán tại các chợ của Hà Nội như: thủy sản, gạo, rau, củ quả...), các sản phẩm này do các tiểu thương chi phối, hoạt động không theo một phương thức cụ thể nào, nên rất khó khăn trong công tác quản lý kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm.
Sản xuất ngao sạch theo công nghệ Hà Lan tại Công ty Thủy sản Lenger, tỉnh Nam Định
Năm 2015, thực hiện chương trình giám sát của Sở Nông nghiệp và PTNT, Cục Quản lý Chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản, Chi cục Quản lý Chất lượng nông lâm thủy sản Hà Nội đã tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản, lấy hàng trăm mẫu nông sản, thủy sản; Trong đó Nam Định có 03 mẫu gạo, kết quả phân tích kiểm nghiệm chất lượng các mẫu cho thấy 03 mẫu trên đảm bảo ATTP với các chỉ tiêu phân tích.
Sản xuất nấm tại Công ty Ngọc Động Hà Nam
Trong khuôn khổ chương trình làm việc, đoàn công tác đã thăm và làm việc tực tiếp với Cơ sở chế biến cá kho Hà Thủy; Công ty cổ phần An Phú Hưng, với các sản phẩm chính là rau, củ quả; Công ty mây tre xuất khẩu Ngọc Động của tỉnh Hà Nam; Công ty thủy sản LENGER Việt Nam (địa chỉ: lô 59-69, cụm Công nghiệp An Xá, Thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định); thăm vùng nuôi trồng thủy hải sản tại huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định… Đây là những doanh nghiệp tiêu biểu của hai tỉnh và có nhiều dòng sản phẩm hiện đang tiêu thụ tại Thị trường Hà Nội. Đại diện các doanh nghiệp đã đưa đoàn đi kiểm tra, xem thực tế qui trình, kỹ thuật sản xuất và bày tỏ những kiến nghị đề xuất, mong muốn được sự hỗ trợ, giúp đỡ của Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Hà Nam và Nam Định. Đặc biệt là sự phối hợp, giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi của Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội để các dòng sản phẩm nông lâm thủy sản của Hà Nam và Nam Định đưa về tiêu thụ tại thị trường Hà Nội ngày một nhiều hơn, tốt hơn đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, qua đó nâng cao giá trị, thu nhập cho người dân. Đồng thời đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT, Thanh tra chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Hà Nội công khai những tổ chức, cá nhân kinh doanh không uy tín, làm ăn không đứng đắn trên địa bàn Thành phố để giúp doanh nghiệp Hà Nam có những quyết định và sự lựa chọn đối tác hợp tác kinh doanh phù hợp, uy tín.
Đồng chí Trần Mạnh Mạnh Giang, Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Hà Nội đề nghị Chi cục quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Hà Nam và Nam Định phối hợp cung cấp những thông tin chính xác về địa chỉ, người đại diện, điện thoại liên hệ, của cơ sở sản xuất (có sản phẩm tiêu thụ tại Hà Nội), sản phẩm chủ yếu, theo tiêu chuẩn chất lượng nào? để thuận lợi cho công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm; Chỉ đạo xây dựng vùng sản xuất tập trung; Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tại nơi sản xuất để đảm bảo chất lượng, ATTP cho các sản phẩm; Xây dựng thương hiệu, gắn tem, logo, nhãn mác nhận diện sản phẩm theo chuỗi; Tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nói chung, đặc biệt là quản lý mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, xác nhận sản phẩm an toàn cung cấp cho thị trường Hà Nội.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm sản và thủy sản của ba tỉnh đã thống nhất 06 nội dung nhiệm vụ để thực hiện tốt công tác phối hợp quản lý chất lượng an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản năm 2016 và những năm tiếp theo, cụ thể: Tăng cường trao đổi cung cấp thông tin, kinh nghiệm quản lý Nhà nước trong quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản; Tổ chức các đoàn tham quan mô hình tiêu biểu là thế mạnh của mỗi địa phương để áp dụng vào thực tiễn sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng, hạ giá thành sản phẩm; Thúc đẩy hợp tác tiêu thụ nông sản thực phẩm giữa các tỉnh, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của các địa phương nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đảm bảo chất lượng phục vụ nhu cầu ngày càng cao của nhân dân; Tiếp tục phối hợp quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản theo chuỗi sản xuất (xác nhận sản phẩm an toàn), trong đó các tỉnh tham gia quản lý khâu sản xuất, sơ chế ban đầu, thành phố Hà Nội quản lý khâu chế biến, kinh doanh và ngược lại; Thực hiện đồng bộ kế hoạch của Ban Điều phối chương trình cung cấp rau, thịt an toàn cho thành phố Hà Nội, Chi cục Quản lý chất lượng tiếp tục lấy mẫu nông sản (rau, thịt) để kiểm tra các chỉ tiêu về ATTP; Định kỳ sơ kết, tổng kết kế hoạch hợp tác giữa các địa phương để bổ sung những nội dung, giải pháp vào kế hoạch triển khai các năm tiếp theo./.
Tích cực mở rộng dây truyền sản xuất thực phẩm sạch cho thành phố(18/10/2012)
Kiểm soát chặt việc giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm(18/10/2012)
Phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông Chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch(19/10/2012)
Kế hoạch công tác vệ sinh an toàn thực phẩm Thành phố Hà Nội năm 2012(25/03/2013)