Mô hình chăn nuôi trên nền đệm lót sinh học
tại xã Bình Nghĩa (Bình Lục - Hà Nam).
Chăn nuôi theo hướng VietGAHP
Được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đồng Nai hướng dẫn, ông Đoàn Thành Long (xã Xuân Lập, thị xã Long Khánh) quyết tâm theo đuổi mô hình nuôi heo VietGAHP. Nhờ áp dụng mô hình này, trong 5 năm qua, đàn heo của ông luôn khỏe mạnh, con nào con nấy to đều, chắc thịt. Trung bình mỗi con heo xuất chuồng, ông lãi 700.000 đồng đến 1 triệu đồng. Không chỉ phát triển đàn heo một cách hiệu quả, ông Long còn phổ biến kỹ thuật nuôi cho bà con trong và ngoài ấp. Từ tổ hợp tác heo trước đây, ông thành lập tổ hợp tác chăn nuôi heo VietGAP, quy tụ 20 thành viên cùng chí hướng.
Đến nay, với sự giúp đỡ của Trung tâm Khuyến nông Đồng Nai, đã có 52 tổ, nhóm chăn nuôi VietGAHP được thành lập với 662 hộ ở các huyện Xuân Lộc, Thống Nhất và thị xã Long Khánh tham gia.
Mô hình nuôi gà ta thả vườn theo hướng VietGAHP của hộ anh Nông Văn Hữu ở ấp Phước Tâm, xã Tân Phước (Đồng Phú) do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Phước thực hiện cũng mang lại hiệu quả thiết thực. Theo anh Hữu, khi áp dụng mô hình này, tỷ lệ hao hụt thấp hơn hoặc bằng 5%, sau hơn 3 tháng nuôi, gà đạt trọng lượng bình quân 1,7kg/con, tiêu tốn 2,7kg cám/ kg gà. Ngoài ra, anh bổ sung rau, bắp (ngô) để nâng cao chất lượng thịt; sử dụng chế phẩm Balasa No1 xử lý mùi hôi, giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh. Với mô hình này, anh Hữu thu lãi 14 triệu đồng/lứa.
Xây dựng tổ HTX, chuỗi liên kết
Xác định hoạt động xây dựng và nhân rộng mô hình trình diễn về tổ HTX, chuỗi liên kết trong chăn nuôi là rất quan trọng, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Bình Phước đã ký cam kết với các doanh nghiệp trong việc liên kết, hỗ trợ nông dân phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị. Năm 2014, đơn vị vận động nông dân xây dựng 10 mô hình tại 3 huyện: Đồng Phú, Hớn Quản và Chơn Thành. Năm 2015 xây dựng 10 mô hình, trong đó hỗ trợ 100% chi phí mua 1.000 con giống/mô hình/năm, tổ chức tập huấn cho nông dân.
Gia đình ông Túy hiện đang tham gia tổ hợp tác xã chăn nuôi gà Thanh Lương, thị xã Bình Long, với quy mô nuôi 11.000 con gà thả vườn/3 lứa. Giống được mua từ Công ty TNHH MTV chăn nuôi gà thả vườn Bình Minh (tỉnh Đồng Nai), với giá 14.000 đồng/con. Gà giống được tiêm vắc-xin đầy đủ, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Sau khi nuôi 3,5-4 tháng, gà đạt trọng lượng 1,7-1,8 kg/con thì xuất chuồng. Sản phẩm được Công ty CP Phát triển nông nghiệp Thanh niên xung phong (TP. Hồ Chí Minh) tiêu thụ với giá 60.000 đồng/kg. Với mức giá này, trừ chi phí, gia đình ông Túy thu lãi 14-15 triệu đồng/1.000 con/lứa. Hiện Tổ hợp tác phát triển lên 20 thành viên với quy mô từ 2.000-15.000 con/hộ.
Thông qua các mô hình trình diễn, Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang đã liên kết với cơ sở, doanh nghiệp để hỗ trợ cung cấp thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, tạo đầu ra sản phẩm, đồng thời cũng đã làm cầu nối liên kết với Ngân hàng Chính sách xã hội ở địa phương hỗ trợ vay vốn đối với các hộ khó khăn để mở rộng quy mô sản xuất. Bước đầu đã hình thành tổ hợp tác liên kết sản xuất với doanh nghiệp tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị như tổ hợp tác nuôi dê lai thương phẩm của các xã Tăng Hòa, Tân Đông,Bình Nghị, Long Thuận và Long Hòa; Tổ hợp tác nuôi gà của Tân Trung và Bình Đông là những cơ sở, vệ tinh cho các hợp tác xã được hình thành và phát triển có thương hiệu uy tín trên thị trường như gà ta Gò Công, gà tre Hương Việt, gà ác Bảo Long...
Chuyển giao nhanh tiến bộ kỹ thuật
Nuôi vịt theo phương thức nuôi khô là tiến bộ kỹ thuật đã được khuyến nông các tỉnh, thành phía Nam ứng dụng và triển khai. Một trong những mô hình nuôi khô hiệu quả là nuôi vịt thịt của anh Trần Văn Lý ở xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Anh Lý có thâm niên 8 năm nuôi vịt. Hiện anh đang nuôi 1.800 con vịt giống Grimaud (giống vịt của Pháp). Sau 1 tháng nuôi, tỷ lệ hao hụt chỉ 0,6%, khi xuất chuồng vịt đạt trọng lượng 3,2-3,4 kg/con, với giá bán như hiện nay, anh thu lãi ít nhất là 30.000 đồng/con. Anh Lý cho biết, phương thức nuôi này có nhiều ưu điểm nổi bật. Vịt sinh trưởng và phát triển tốt, ít hao hụt. Vịt được che mát nhờ tán cao su, hạn chế tối đa mùi hôi, từ đó hạn chế bệnh về đường hô hấp, không phải dọn chuồng trong suốt quá trình nuôi, do vậy, giảm tiền mua nguyên liệu (trấu) lót chuồng.
Khi chăn nuôi theo phương thức mới này, bà con cần chú ý không để đệm lót sinh học bị ướt, đảm bảo độ dày đệm lót bằng trấu là 10cm, thường xuyên đảo tơi lớp đệm lót, tránh bị kết tảng hay vón cục. Mật độ nuôi phù hợp từ 4-5 con vịt thịt/m2. Cách làm đệm lót cũng rất đơn giản. Bà con lấy 1kg men Balasa No1, khoảng 0,5 lít nước sạch trộn với 2kg cám gạo hay bột bắp, sau đó cho vào bao ủ 2 ngày rồi lấy ra rắc đều cho 20m2 nền chuồng nuôi vịt đã trải trấu dày 10cm rồi cào đều. Đây là cách làm mới giúp bà con tận dụng tối đa quỹ đất dưới tán rừng cao su của gia đình mình.
TS.Nguyễn Văn Bắc cho biết, tăng cường sử dụng các chế phẩm sinh học, các chất thay thế chất bị cấm sử dụng trong các mô hình khuyến nông đã và đang được hệ thống khuyến nông các tỉnh, thành phía Nam triển khai một cách tích cực và hiệu quả. Điển hình như mô hình sử dụng men vi sinh hoạt tính của anh Nguyễn Phi Long, ngụ tại ấp Trảng Sắn, xã Vĩnh Hòa, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Trại heo của anh hiện có khoảng 400 con heo với gần 100 heo nái. Sử dụng thức ăn ủ men đã giúp anh tiết kiệm được 570.000 đồng/con heo tiền thức ăn. Như vậy, với khoảng 600 heo thịt, lợi nhuận tăng thêm là 342 triệu đồng. Điều quan trọng hơn là, heo thịt luôn khỏe mạnh, da hồng hào, tiêu hóa tốt, phân thải ra ít hơn, chất lượng thịt tốt hơn nên được thương lái ưa chuộng. Đối với heo nái mang thai và heo nái nuôi con, khi sử dụng thức ăn ủ men, heo nái nuôi con cho sữa tốt, heo con bú sữa mẹ hồng hào, mập mạp. Heo nái sau cai sữa mau lên giống và vẫn giữ được thể trạng rất tốt sau 2 tháng nuôi con.
Kinh nghiệm ủ men cho heo như sau: Hòa 1 gói men vi sinh hoạt tính (0,5kg) cùng với 1kg rỉ mật đường vào 30 lít nước sạch và ủ kín 2 ngày. Sau đó, trộn đều hỗn hợp trên với 55kg bắp nghiền và 25kg cám gạo, cho vào bao nylon buộc kín miệng để tạo môi trường yếm khí; sau ủ 2 ngày có thể lấy ra cho heo ăn. Trước khi cho heo ăn, trộn hỗn hợp ủ này với 20kg thức ăn heo thịt đậm đặc (46% đạm).
Nhờ sử dụng thức ăn ủ men vi sinh hoạt tính gần 2 năm nay mà đàn bò sữa của ông Trần Bảo Minh ở ấp Tân Thới 2, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP.Hồ Chí Minh rất khỏe mạnh, ít bệnh tật. Đặc biệt, tỷ lệ mỡ sữa luôn đạt trên 4,25%, trong khi tỷ lệ mỡ sữa bình quân là 3,5%. Ông Minh sử dụng thức ăn ủ men cho bò sữa kết hợp hai hình thức. Thứ nhất là cho bò ăn thức ăn tinh bột lên men. Ông dùng 50g men vi sinh hoạt tính trộn đều với 30kg cám đại mạch và 20kg xác mì ướt, sau đó cho vào thùng phi và đổ vào đó khoảng 60 lít nước, khuấy đều và đậy kín. Sau 36 giờ ủ, kiểm tra pH đạt 6 là có thể lấy ra cho bò ăn, thức ăn ủ men này có thể cho ăn tối đa trong 3 ngày. Thứ hai là cho bò ăn cỏ ủ men. Ông dùng 30kg cỏ tươi phơi tái, cắt ngắn khoảng 3-4cm, sau đó rắc đều hỗn hợp 50g men vi sinh hoạt tính và 10kg cám đại mạch. Sau đó cho vào bao nylon, ấn chặt và cột miệng kín; 48 giờ sau cỏ ủ có mùi thơm dễ chịu là có thể lấy ra cho bò sữa ăn.
Trong giai đoạn từ 2012-2015, bằng nguồn kinh phí khuyến nông, Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang đã triển khai nhân rộng dự án “Chăn nuôi an toàn sinh học và ứng dụng đệm lót sinh học” cho đối tượng là các hộ chăn nuôi quy mô gia đình, vừa và nhỏ trên 11 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh, quy mô 53.700 con gà/6.200m2 đệm lót/54 hộ và 600 con heo/1.108m2 đệm lót /42 hộ. Năm 2016, trung tâm tiếp tục triển khai nhân rộng dự án chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học ứng dụng đệm lót sinh học, với quy mô 320 con/480m2 đệm lót/16 hộ với tổng kinh phí hỗ trợ 92.955.000 đồng.
Việc áp dụng các quy trình chăn nuôi an toàn là hướng đi tất yếu để phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững. Các địa phương cần khuyến khích người dân nhân rộng các mô hình này để từng bước đẩy lùi việc lạm dụng kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi.
Tích cực mở rộng dây truyền sản xuất thực phẩm sạch cho thành phố(18/10/2012)
Kiểm soát chặt việc giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm(18/10/2012)
Phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông Chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch(19/10/2012)
Kế hoạch công tác vệ sinh an toàn thực phẩm Thành phố Hà Nội năm 2012(25/03/2013)