Thời gian qua, công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố Hà Nội luôn được sự quan tâm của các cấp, các ngành, đoàn thể. Công tác phối hợp liên ngành được tăng cường và ngày càng có hiệu quả; công tác giáo dục truyền thông được đẩy mạnh, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và người tiêu dùng, góp phần bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn Thành phố có trên 58 nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, trong đó, số cơ sở sơ chế, chế biến thịt gia súc, gia cầm là 234 cơ sở. Số chợ có buôn bán thịt gia súc, gia cầm là 969 chợ các loại và 361 cửa hàng kinh doanh sản phẩm động vật. Số cửa hàng cung cấp rau an toàn: 66 cửa hàng. Tổng diện tích sản xuất rau khoảng 12.000 ha, trong đó: Diện tích sản xuất rau an toàn được cấp giấy chứng nhận đạt 5.500 ha, Diện tích sản xuất rau hữu cơ: 17 ha, Diện tích sản xuất rau VietGAP: 150 ha. Hà Nội có 2.512 cơ sở và điểm giết mổ. Trong đó, có 21 cơ sở giết mổ và 2.491 điểm giết mổ, hộ giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ trong khu dân cư.
Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các sở ban ngành liên quan, UBND các cấp, phối hợp với các đoàn thể, hội quần chúng, công tác An toàn thực phẩm đã được cải thiện; việc quản lý An toàn thực phẩm rau và thịt được tăng cường. Kết quả, trong những năm qua đã hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm lớn, không có tử vong do ngộ độc thực phẩm trên địa bàn Thành phố.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm An toàn thực phẩm hiện nay, trong đó công tác quản lý rau và thịt đang phải đối mặt với những thách thức lớn, rất phức tạp như, về rau: Sản xuất rau an toàn nhỏ lẻ, manh mún. Mạng lưới tiêu thụ rau an toàn phát triển chậm. Doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực rau an toàn còn rất hạn chế. Việc quản lý rau của các tỉnh đưa vào tiêu thụ tại Hà Nội gặp nhiều khó khăn trong việc xác định nguồn gốc xuất xứ và kiểm soát chất lượng sản phẩm. Nhu cầu về rau các loại của Hà Nội đáp ứng 60% nhu cầu, còn lại phải nhập từ các địa phương khác. Về thịt: Chăn nuôi, giết mổ chủ yếu là nhỏ, lẻ, trong khu dân cư. Số cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm giết mổ gia súc gia cầm còn ít, nhiều điểm giết mổ tự phát. Hiện tượng buôn bán, vận chuyển sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, sản phẩm nhập khẩu chưa được cơ quan quản lý kiểm soát diễn ra phức tạp, khó kiểm soát. Nhu cầu về thịt gia súc, gia cầm của Hà Nội đáp ứng khoảng 69% nhu cầu, còn lại phải nhập từ bên ngoài.
Để đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, từng bước hạn chế những nhược điểm, nguy cơ tiềm ẩn mà thực phẩm rau, thịt có thể mang đến, bên cạnh việc tăng cường hơn nữa quản lý an toàn thực phẩm nói chung thì việc tăng cường quản lý đối với rau, thịt là hết sức cần thiết và quan trọng. Vì vậy, năm 2016, Thành phố Hà Nội đã chọn chủ đề Tháng hành động vì an toàn thực phẩm là “Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn.”
Mới đây, tại hội nghị triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2016, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Sửu, Trưởng ban chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm Thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành, Ban chỉ đạo các quận, huyện, thị xã bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân và các doanh nghiệp, cần phát huy thế mạnh của các cơ quan thông tấn báo chí của Hà Nội và Trung ương để tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cách sản xuất, sơ chế, bảo quản và tiêu dùng rau thịt an toàn. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân, tập thể vi phạm. “Ngoài các quận, huyện đang triển khai thí điểm nói trên thì riêng trong Tháng hành động này, tất cả Phó Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã của thành phố phụ trách an toàn thực phẩm phải trực tiếp đi kiểm tra an toàn thực phẩm ít nhất 2 lần/ tháng; Chủ tịch UBND xã phường thị trấn phải ít nhất đi kiểm tra an toàn thực phẩm 1 lần/ tuần; Phó Chủ tịch UBND xã phường thị trấn phụ trách an toàn thực phẩm phải trực tiếp đi kiểm tra ít nhất 2 lần/ tuần, ghi rõ biên bản ngày giờ đi kiểm tra. Kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm qui định về an toàn thực phẩm, đồng thời thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng” - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh.
Lê Hải
Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội