Trong nhiều năm qua, vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) trong sản xuất ban đầu chưa được quan tâm triển khai trên diện rộng. Nhằm từng bước nâng cao công tác quản lý ATTP với cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ; ngày 27/12/2014 Bộ Nông nghiệp&PTNT đã ban hành Thông tư số 51/2014/TT-BNNPTNT; thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/02/2015; một số nội dung của Thông tư 51 về điều kiện đảm bảo ATTP và phương thức quản lý các cơ sở nuôi trồng thủy sản (NTTS) nhỏ lẻ như sau:
1. Phương thức quản lý: được thực hiện thông qua việc tổ chức ký cam kết, kiểm tra và xử lý các cơ sở vi phạm cam kết.
2. Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ:
a. Bảo đảm các điều kiện về địa điểm, nguồn nước để NTTS an toàn thực phẩm.
b. Sử dụng giống thủy sản khỏe mạnh, có nguồn gốc rõ ràng.
c. Thức ăn dùng cho NTTS phải bảo đảm không gây hại cho thủy sản nuôi và người sử dụng sản phẩm thủy sản. Không sử dụng chất thải của động vật và của con người để nuôi thủy sản.
d. Thuốc thú y, hóa chất, chế phẩm sinh học, chất xử lý cải tạo môi trường dùng trong NTTS phải theo hướng dẫn sử dụng ghi trên bao bì, tài liệu hướng dẫn sử dụng hoặc hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật NTTS, cán bộ khuyến nông.
đ. Nước ao nuôi phải được xử lý trước khi xả thải ra môi trường xung quanh nếu thủy sản bị bệnh trong quá trình nuôi. Bùn thải từ ao nuôi phải được thu gom, xử lý không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
e. Thủy sản nuôi khi thu hoạch phải được bảo quản, vận chuyển bằng thiết bị, dụng cụ phù hợp, bảo đảm không gây độc hại, không gây ô nhiễm cho thực phẩm.
g. Người NTTS được phổ biến, hướng dẫn về thực hành sản xuất thực phẩm an toàn.
h. Duy trì các điều kiện bảo đảm ATTP và cung cấp được thông tin liên quan đến việc mua bán sản phẩm.
3. Thực hiện kiểm tra:
a. Kiểm tra việc thực hiện nội dung đã cam kết của các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ: Cơ quan được phân công quản lý thực hiện theo kế hoạch kiểm tra được Ủy ban nhân dân các cấp phê duyệt hàng năm.
b. Kiểm tra đột xuất: Cơ quan được phân công quản lý thực hiện kiểm tra đột xuất khi có sự cố về ATTP liên quan hoặc theo chỉ đạo của cơ quan cấp trên.
4. Xử lý cơ sở vi phạm:
a. Đối với các cơ sở vi phạm cam kết lần đầu: Cơ quan được phân công quản lý nhắc nhở cơ sở tuân thủ bản cam kết.
b. Đối với các cơ sở vi phạm cam kết lần thứ hai: Cơ quan được phân công quản lý công khai việc cơ sở không thực hiện đúng cam kết sản xuất thực phẩm an toàn.
c. Đối với cơ sở vi phạm cam kết gây hậu quả nghiêm trọng hoặc cơ sở vi phạm cam kết từ lần thứ 3 trở đi: Tùy theo mức độ vi phạm Cơ quan được phân công quản lý kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định pháp luật hiện hành./.
Tích cực mở rộng dây truyền sản xuất thực phẩm sạch cho thành phố(18/10/2012)
Kiểm soát chặt việc giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm(18/10/2012)
Phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông Chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch(19/10/2012)
Kế hoạch công tác vệ sinh an toàn thực phẩm Thành phố Hà Nội năm 2012(25/03/2013)