Theo thống kê, Hà Nội có 57.668 cơ sở thực phẩm, trong đó, tuyến thành phố quản lý 2.924 cơ sở; quận, huyện, thị xã quản lý 9.091 cơ sở; xã, phường quản lý 45.653 cơ sở. Riêng cơ sở dịch vụ ăn uống có tới 26.334 cơ sở; tiếp đến cơ sở kinh doanh thực phẩm là 21.717; cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm 4.912; cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố 4.705. Theo tính toán, nhu cầu thực phẩm của Hà Nội một năm khoảng 890.000 tấn gạo, 139.000 tấn thịt lợn, 42.000 tấn thịt gà, 900 triệu quả trứng các loại, 54.000 tấn hải sản tươi sống và chế biến, 900.000 tấn rau xanh… Thế nhưng, thị trường Hà Nội mới bảo đảm được khoảng 69% nhu cầu thịt gia súc các loại, 32% cá các loại, 97,7% trứng gia cầm, 19% sữa, 38% gạo, 60% rau củ tươi và 18% quả tươi các loại. Còn lại thực phẩm phải nhập từ các tỉnh khác.
Với lượng tiêu thụ các loại thực phẩm khá lớn, để bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, Ban Chỉ đạo vệ sinh an toàn thực phẩm từ thành phố đến quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch, tăng cường công tác tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và mùa lễ hội. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm các quy định về bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về chất lượng an toàn thực phẩm của các cấp chính quyền. Trong năm 2014, cơ quan chức năng thành phố đã cấp mới 4.154 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, công bố sản phẩm cho 1.781 sản phẩm, cấp 22 giấy tiếp nhận hồ sơ hội thảo giới thiệu sản phẩm, cấp 78 giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm. Cấp 784 hồ sơ xác nhận kiến thức cho 9.363 người sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Thành phố đã phối hợp cam kết với 18 tỉnh lân cận kiểm soát nguồn thực phẩm về Hà Nội.
Đi đôi với công tác tuyên truyền, thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, xử lý nghiêm vi phạm. Riêng năm 2014, đã có 668 đoàn thanh tra, kiểm tra (thành phố 24 đoàn, quận, huyện, thị xã 60 đoàn, xã, phường, thị trấn 584 đoàn) được thành lập kiểm tra 153.987 lượt cơ sở. Qua thanh tra, kiểm tra đã xử lý hành chính 5.402 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, phát tiền hơn 23,75 tỷ đồng, tiêu hủy nhiều hàng hóa. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong năm, cơ quan chức năng thành phố đã kiểm tra 53 vụ, xử lý 47 vụ vi phạm về vận chuyển, kinh doanh gia cầm nhập lậu, qua đó, xử phạt hành chính gần 155 triệu đồng, tịch thu tiêu hủy 546 kg gà lông, 1.087 kg gia cầm giết mổ, 1.100 con gia cầm giống, 800 con chim bồ câu và 2.550 quả trứng gia cầm…
“Nói không” với thực phẩm không an toàn
Bên cạnh việc hoàn thiện thể chế, công tác chỉ đạo, đôn đốc khá quyết liệt, chú trọng tuyên truyền, vận động, hướng dẫn thực địa cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh áp dụng các quy phạm thực hành sản xuất tốt. Trong đó, trọng tâm là sử dụng đúng cách thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất rau, thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh, chất bảo quản trong chăn nuôi; xử lý sự cố vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp kịp thời thông tin kiểm chứng cho người tiêu dùng; công khai các cơ sở không đạt điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm… Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát đối với các sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp trước khi đưa ra thị trường nhằm đánh giá, cảnh báo nguy cơ và truy xuất, xử lý các trường hợp vi phạm, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm đã có nhiều chuyển biến tích cực, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Có được kết quả này, có thể nói, công tác quản lý an toàn thực phẩm của thành phố đã được phân công một cách cụ thể. Các sở, ngành đã triển khai công tác quản lý theo lĩnh vực được phân công, cụ thể hóa bằng các hoạt động như: tập huấn đảm bảo an toàn thực phẩm, thành lập các đoàn thanh kiểm tra, xây dựng mô hình, tổ chức cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm… Còn tại cơ sở, UBND các cấp chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn; quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn và các đối tượng theo phân cấp quản lý.
Để nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm các sản phẩm thực phẩm khi đến tay người tiêu dùng, đi đôi với sự cuộc một cách quyết liệt của các sở, ngành, các quận, huyện, thị xã cần chủ động tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát, giám sát tình hình sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại địa bàn, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn để công tác kiểm tra kiểm soát đạt hiệu quả. Nhà sản xuất cần tuân thủ các quy định của Luật An toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Hiểu và xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc sản xuất sản phẩm đạt chất lượng, an toàn thực phẩm. Còn người tiêu dùng cần cẩn thận khi mua và sử dụng các sản phẩm thực phẩm. Hơn bao giờ hết, phải tự chủ động bảo vệ mình trước những thực phẩm không bảo đảm an toàn. Người tiêu dùng phải biết “nói không” với thực phẩm không an toàn. Tốt nhất chỉ mua các sản phẩm đã được các cơ quan chức năng kiểm tra và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Đồng thời, người tiêu dùng cũng cần thực hiện trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm, kịp thời cung cấp thông tin khi phát hiện nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm, khai báo ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm theo quy định của Luật.
Hy vọng, với sự vào cuộc đầy trách nhiệm của các bên liên quan và sự hưởng ứng của toàn xã hội, sản phẩm thực phẩm khi đến tay người tiêu dùng sẽ ngày càng được đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.