Hưởng ứng Phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024, lập thành tích chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội (30/11/1954 –30/11/2024) và mục tiêu nâng cao hơn nữa chất lượng công tác chuyên môn, đáp ứng được nhu cầu xã hội. Ngày 12/4/2024, Trung tâm Phân tích và Chứng nhận Chất lượng Sản phẩm Nông nghiệp Hà Nội đã tổ chức lớp tập huấn kiến thức về lĩnh vực kiểm kê khí nhà kính với định hướng góp phần giúp giảm lượng khí nhà kính từ hoạt động của con người, bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu.
Tập huấn kiến thức cơ bản về kiểm kê khí nhà kính hướng tới kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội (30/11/1954 –30/11/2024)
Về dự hội nghị và truyền đạt kiến thức có Ông Nguyễn Kim Long - Chuyên gia trưởng Văn Phòng Công nhận chất lượng - Bộ Khoa học và Công nghệ; Bà Bùi Thanh Hương - Giám đốc Trung tâm và các đồng chí Trưởng, Phó trưởng phòng chuyên môn, viên chức của Trung tâm. Hội nghị đã tập trung thảo luận và trao đổi một số nội dung cơ bản và quan trọng:
1. Kiểm kê khí nhà kính và tín chỉ carbon
Theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP về “Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn” được Chính phủ ban hành ngày 07/01/2022 thì: Kiểm kê khí nhà kính (KNK) là hoạt động thu thập thông tin, số liệu về các nguồn phát thải khí nhà kính, tính toán lượng phát thải khí nhà kính, hấp thụ khí nhà kính trong một phạm vi xác định và trong một năm cụ thể theo phương pháp và quy trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Tín chỉ carbon (carbon credit) là thuật ngữ chung cho tín chỉ có thể kinh doanh hoặc giấy phép đại diện cho 1 tấn carbon dioxide (CO2) hoặc khối lượng của một khí nhà kính khác tương đương với 1 tấn CO2 (tCO2e). Việc mua bán sự phát thải khí CO2 hay mua bán carbon trên thị trường được thực hiện thông qua tín chỉ này. Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một tấn khí CO2 hoặc một tấn khí CO2 tương đương. Tín chỉ carbon hay định mức carbon được coi như một loại giấy phép cho phép chủ sở hữu thải ra một lượng khí CO2 nhất định hoặc khí thải nhà kính khác (CH4, NO2).
2. Thị trường carbon Thị trường carbon được bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, thông qua vào năm 1997. Theo đó, các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết. Từ đó, trên thế giới xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính. Do carbon (CO2) là khí nhà kính quy đổi tương đương của mọi khí nhà kính nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi carbon, hình thành nên thị trường carbon hay thị trường tín chỉ carbon.
Học viên tham dự lớp tập huấn về kiểm kê khí nhà kính và tín chỉ carbon
Ngày 7/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Nghị định này có quy định cụ thể về lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước. Trong đó, giai đoạn đến hết năm 2027 sẽ xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Giai đoạn từ năm 2028 sẽ tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức; quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.
3. Cơ sở pháp lý về khí nhà kính tại Việt Nam
- Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Cơ sở phát thải KNK thuộc danh mục phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính có trách nhiệm sau đây: + Tổ chức thực hiện kiểm kê KNK, xây dựng và duy trì hệ thống cơ sở dữ liệu phát thải KNK và gửi kết quả kiểm kê KNK định kỳ 02 năm một lần đến Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 01 tháng 12 của kỳ báo cáo để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ;
+ Xây dựng, thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải KNK hằng năm; thực hiện lồng ghép hoạt động giảm nhẹ phát thải KNK với chương trình quản lý chất lượng, chương trình sản xuất sạch hơn, chương trình bảo vệ môi trường của cơ sở;
+ Hằng năm, lập báo cáo mức giảm phát thải khí nhà kính để thực hiện kế hoạch giảm nhẹ phát thải KNK của cơ sở theo hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan trước ngày 31 tháng 12 của kỳ báo cáo.
- Theo Nghị định số 06/2022 của Chính phủ, Các cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê KNK là cơ sở có mức phát thải KNK hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên hoặc thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng lượng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên;
+ Công ty kinh doanh vận tải hàng hóa có tổng tiêu thụ nhiên liệu hằng năm từ 1.000 TOE trở lên;
+ Tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên;
+ Cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn trở lên.
- Theo Quyết định 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp phải lập báo cáo phát thải KNK định kỳ: Chăn nuôi; lâm nghiệp và thay đổi sử dụng đất; trồng trọt; tiêu thụ năng lượng trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; các nguồn phát thải khác trong nông nghiệp.
- Theo Quyết định 896/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, trong đó cam kết chỉ tiêu đến năm 2030:
+ Tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia: giảm 43,5% so với kịch bản phát triển thông thường (BAU);
+ Lĩnh vực năng lượng: giảm 32,6%, lượng phát thải không vượt quá 457 triệu tấn CO2 tương đương (CO2tđ);
+ Lĩnh vực nông nghiệp: giảm 43,0%, lượng phát thải không vượt quá 64 triệu tấn CO2tđ;
+ Lĩnh vực lâm nghiệp, sử dụng đất: giảm 70% lượng phát thải và tăng 20% lượng hấp thụ các-bon, tổng lượng phát thải và hấp thụ đạt ít nhất -95 triệu tấn CO2tđ;
+ Lĩnh vực chất thải: giảm 60,7%, lượng phát thải không vượt quá 18 triệu tấn CO2tđ;
+ Lĩnh vực các quá trình công nghiệp: giảm 38,3%, lượng phát thải không vượt quá 86 triệu tấn CO2tđ;
+ Các cơ sở có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 2.000 tấn CO2tđ trở lên phải thực hiện giảm phát thải khí nhà kính.
- Theo Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (Carbon Border Adjustment Mechanism - CBAM):
+ Từ 01/10/2023 đến 01/01/2026 Giai đoạn chuyển tiếp, áp dụng thí điểm tại 27 quốc gia EU;
+ Từ 01/1/2026 – 2027 Giai đoạn vận hành và áp dụng dần;
+ Từ năm 2034 Giai đoạn áp dụng toàn bộ;
+ 06 ngành áp dụng trước: Sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện, hydro;
+ Nhà nhập khẩu phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu.
4. Lợi ích và vai trò của ủa việc quản lý phát thải khí nhà kính
Đáp ứng yêu cầu của luật – Luật môi trường năm 2020 và các nghị định, thông tư hướng dẫn việc kiểm kê khí nhà kính (Quyết định 01/2022/QĐ-TTg ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, nghị định 06/2022/NĐ-CP - quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn); Thể hiện cam kết giảm thiểu phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường của Doanh nghiệp; Đáp ứng yêu cầu của khách hàng và các bên quan tâm về môi trường – một trong các yêu cầu của họ là doanh nghiệp phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính, giảm thiểu phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường.
Trong bối cảnh khí hậu biến đổi và tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, việc áp dụng tín chỉ carbon không chỉ là nghĩa vụ mà còn là cơ hội để doanh nghiệp và tổ chức đóng góp tích cực vào bảo vệ môi trường Việt Nam nói riêng cũng như của thế giới nói chung.
Phan Trung Thắng - Trung tâm Phân tích và Chứng nhận CLSP NN Hà Nội