Các đại biểu tham quan gian hàng sản xuất rau an toàn tại huyện Đông Anh |
Việc bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm nông sản hiện nay đang là một vấn đề quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Với ý nghĩa đó, những năm qua, thành phố đã triển khai 10 chương trình đề án lớn, nhằm hỗ trợ cho công tác ATTP bao gồm: sản xuất lúa hàng hóa, phát triển hoa cây cảnh, phát triển cây ăn quả, phát triển và tiêu thụ chè, phát triển thủy sản, chăn nuôi theo xã trọng điểm; vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư. Đặc biệt, thành phố cũng thực hiện đề án kiểm tra nhanh và kiểm tra mẫu ở các chợ đầu mối nông sản và siêu thị, sản xuất và tiêu thụ RAT, duy trì chuỗi cung cấp sản phẩm sạch rau, thịt, trứng, sữa…
Xác định công tác tuyên truyền phải đi trước một bước, trong thời gian qua, Sở NN&PTNT đã tổ chức và chỉ đạo các đơn vị tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về chất lượng vật tư nông nghiệp và ATTP nông lâm thủy sản. Trong 6 tháng đầu năm 2014, các đơn vị thuộc Sở đã tổ chức 336 hội nghị/hội thảo, với 26.791 người tham dự. Ngoài ra, UBND quận, huyện có tổ chức 61 hội nghị/hội thảo với 4.293 lượt người tham dự. UBND quận, huyện, thị xã đã phát 16.040 tờ rơi nội dung tuyên truyền Luật ATTP. Đài phát thanh huyện, phường và xã phát 1.272 lượt tin bài tuyên truyền phổ biến, giáo dục Luật ATTP và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật ATTP.
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT còn tổ chức các chương trình giám sát ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất trong nông sản, thủy sản với 142 mẫu sản phẩm nông lâm thủy sản. Trong đó có 27 mẫu sản phẩm sản xuất ở ngoại tỉnh được đưa vào Hà Nội tiêu thụ (06 mẫu thủy sản, 12 mẫu thịt gia súc, gia cầm, 09 mẫu chè, 09 mẫu rau) và 115 mẫu sản phẩm được sản xuất tại địa bàn Hà Nội: 09 mẫu chè, 12 mẫu rau, 12 mẫu thịt gia súc, gia cầm, 07 mẫu sản phẩm thủy sản và 75 mẫu thủy sản tại vùng nuôi. Qua tổng hợp các mẫu có kết quả đều nằm trong ngưỡng cho phép. Các mẫu còn lại đang chờ kết quả phân tích.
Trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, Sở đã tiến hành kiểm tra chất lượng ATTP 48 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thủy sản trên địa bàn thành phố, trong đó, có 30 cơ sở kiểm tra chuyên ngành, 13 cơ sở kiểm tra liên ngành, 2 cơ sở kiểm tra truy xuất nguồn gốc không đảm bảo ATTP, 3 cơ sở kiểm tra quy trình sản xuất. Quy kiểm tra, có 30/48 chấp hành tương đối tốt các quy định về đảm bảo chất lượng, ATTP nông lâm thủy sản hiện đang sản xuất, kinh doanh. Phát hiện 18 cơ sở chấp hành chưa tốt các quy định đảm bảo sản xuất, kinh doanh ATTP, phần lớn các lỗi là không có giấy chứng nhận ATTP, giấy chứng nhận sức khỏe, giấy chứng nhận tập huấn kiến thức ATTP, bố trí thiết kế nhà xưởng, hồ sơ nguồn gốc chưa đầy đủ…
Để hướng đến thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, thành phố cũng tích cực triển khai đề án phát triển các vùng rau an toàn, hướng dẫn người dân sản xuất rau, củ, quả đảm bảo an toàn, tránh việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) tràn lan. Theo thống kê, trên địa bàn thành phố hiện có 62 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thuốc BVTV đang hoạt động. Mạng lưới ở cơ sở có 1.324 cửa hàng buôn bán vật tư nông nghiệp, hiện số cửa hàng có chứng chỉ hành nghề là 1.068 (đạt 80,7%). Qua công tác kiểm tra trong 6 tháng đầu năm 2014, Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội đã kiểm tra 320 cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV, phát hiện 51 cửa hàng vi phạm, chủ yếu là buôn bán thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục, thuốc hết hạn sử dụng, phân bón giả…đã thu giữ 350,5 kg (lít) thuốc vi phạm để tiêu hủy, phạt vi phạm hành chính số tiền hơn 66 triệu đồng. Có 685 cửa hàng được kiểm tra ở 19 quận huyện, đã phát hiện 248 cơ sở vi phạm. Đã xử lý đình chỉ kinh doanh 1 trường hợp, thu gom vận chuyển 3,5 tấn vỏ bao bì thuốc BVTV tại các xã sản xuất rau, hoa tập trung về kho chờ tiêu hủy.
Ngoài việc tuyên truyền cho người dân qua các phương tiện truyền thông đại chúng về tác hại của sử dụng không an toàn cũng như lợi ích của rau an toàn. Chi cục Bảo vệ thực phẩm còn thực hiện giám sát việc áp dụng sản xuất rau theo VietGAP tại 20 cơ sở sản xuất RAT VietGAP với tổng diện tích 171,5 ha. Tổ chức đánh giá, hoàn thiện hồ sơ và cấp chứng nhận VietGAP cho 8 cơ sở với diện tích 63,7ha.
Trong thời gian tới, Sở NN&PTNT tiếp tục rà soát, thống kê các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và ATTP nông lâm thuỷ sản trên địa bàn Hà Nội theo phân cấp. Đối với các quận, huyện thị xã, Sở sẽ hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai công tác kiểm tra, đánh giá, phân loại các cơ sở thuộc phạm vi quản lý của các địa phương.
Đặc biệt, Sở sẽ tiếp tục kiểm tra các vụ việc mất an toàn thực phẩm theo thông tin người dân hay báo chí phản ánh, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm đồng thời thông báo cho người tiêu dùng biết. Đối với các tỉnh, thành phố giáp ranh, sẽ cần tăng cường phối hợp trao đổi thông tin và kinh nghiệm kiểm soát chất lượng các sản phẩm nông nghiệp được đưa ra thị trường; đồng thời nâng cao trách nhiệm trong phòng chống dịch bệnh và kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm khi đưa ra thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Tích cực mở rộng dây truyền sản xuất thực phẩm sạch cho thành phố(18/10/2012)
Kiểm soát chặt việc giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm(18/10/2012)
Phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông Chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch(19/10/2012)
Kế hoạch công tác vệ sinh an toàn thực phẩm Thành phố Hà Nội năm 2012(25/03/2013)